Hội thảo Chuyển dịch năng lượng - Vai trò của hệ thống điện
Chiều 7-12, tại Hà Nội, Đại sứ quán Thụy Điển tại Việt Nam phối hợp với Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) và Công ty TNHH Hitachi Energy Vietnam tổ chức Hội thảo 'Chuyển dịch năng lượng - Vai trò của hệ thống điện'.
Phát biểu khai mạc hội thảo, ông Ngô Sơn Hải, Phó tổng giám đốc Tập đoàn Điện lực Việt Nam cho biết: Trong hơn 3 năm vừa qua, với chính sách khuyến khích phát triển của Chính phủ, nguồn điện từ năng lượng tái tạo đã phát triển rất nhanh. Tính đến thời điểm hiện tại có khoảng 16.500 MW điện mặt trời và 5.000 MW điện gió đưa vào vận hành (chiếm khoảng 27% công suất lắp đặt toàn hệ thống). Nguồn năng lượng tái tạo bổ sung đã có ý nghĩa quan trọng trong việc đảm bảo cung cấp điện, đặc biệt là khu vực miền Nam Việt Nam - nơi có tốc độ tăng trưởng phụ tải cao.
Ông Bùi Quốc Hùng, Phó cục trưởng Cục Điện lực và năng lượng tái tạo, Bộ Công Thương cho rằng: Việt Nam hiện nay vẫn còn là nước đang phát triển, kinh tế thu nhập thấp, cho nên việc huy động nguồn vốn rất lớn cho việc thực hiện Quy hoạch điện VIII là thách thức rất lớn. Đồng thời, hiện Việt Nam cũng chưa có nhiều kinh nghiệm cũng như công nghệ để thực hiện phát triển năng lượng tái tạo, đặc biệt là điện gió hiện nay Việt Nam phụ thuộc hoàn toàn công nghệ của nước ngoài. Do đó, Việt Nam rất cần hỗ trợ của nước ngoài về vốn đầu tư và công nghệ, kinh nghiệm phát triển hệ thống năng lượng tái tạo, hệ thống lưới điện để đáp ứng cung cấp điện trong tương lai.
Tại hội thảo, các chuyên gia chỉ ra các thách thức đối với hệ thống lưới điện hiện nay là chưa đáp ứng với các nguồn phát mới đặt tại các địa điểm xa các trung tâm phụ tải. Các đường dây truyền tải dài có thể nhanh chóng bị bão hòa dẫn đến tắc nghẽn lưới điện, buộc phải cắt giảm nguồn tái tạo và làm tăng chi phí năng lượng. Hệ thống điện cũng cần phải trở nên linh hoạt và hiệu quả hơn trên toàn lưới, nhằm đạt được các mục tiêu về khí hậu.