Hội thảo 'Đổi mới phương thức dạy học môn Giáo dục quốc phòng và an ninh hiện nay'

Sáng 19-12, Trường Đại học Sư phạm TP Hồ Chí Minh tổ chức Hội thảo khoa học 'Đổi mới phương thức dạy học môn Giáo dục quốc phòng và an ninh hiện nay'.

Đây là một hoạt động chuyên môn thiết thực chào mừng kỷ niệm 30 năm Ngày hội Quốc phòng toàn dân (22-12-1989/ 22-12-2019), 75 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam (22-12-1944/22-12-2019); đồng thời nhằm nâng cao chất lượng công tác quốc phòng-an ninh cũng như giáo dục quốc phòng và an ninh (GDQP&AN) cho học sinh, sinh viên tại các trường học hiện nay.

 Thiếu tướng, TS Phạm Đức Tú, Vụ trưởng Vụ GDQP&AN trình bày tham luận tại hội thảo.

Thiếu tướng, TS Phạm Đức Tú, Vụ trưởng Vụ GDQP&AN trình bày tham luận tại hội thảo.

Trong những năm qua, công tác GDQP&AN của ngành giáo dục đã có những chuyển biến mạnh mẽ từ nhận thức của đội ngũ cán bộ quản lý đến việc thực hiện tổ chức ở từng cơ sở, nhà trường, đơn vị, vì vậy chất lượng ngày càng được nâng cao và có hiệu quả. Tuy nhiên, trong tình hình mới hiện nay, đòi hỏi phải có những điều chỉnh, bổ sung về nội dung giảng dạy một cách khoa học, hợp lý; đồng thời cần có sự thay đổi về cách thức tổ chức, phương pháp giảng dạy để công tác GDQP&AN thực sự khởi sắc, đáp ứng yêu cầu “đổi mới căn bản, toàn diện, giáo dục và đào tạo”.

Báo cáo tại hội thảo, Thiếu tướng, TS Phạm Đức Tú, Vụ trưởng Vụ GDQP&AN, Bộ Giáo dục và đào tạo (GD&ĐT) cho biết: Tính đến hết năm 2018, các trường đã tuyển được gần 4.360 chỉ tiêu môn GDQP&AN, công tác tuyển sinh cơ bản đã đáp ứng được nhu cầu thực tiễn; đội ngũ giảng viên tại các cơ sở giáo dục đạt chuẩn yêu cầu, nhiệm vụ Bộ GD&ĐT đề ra; cơ sở vật chất đáp ứng được nhu cầu đào tạo, chế độ chính sách phù hợp…

Bên cạnh đó còn tồn tại những khó khăn, thách thức trong việc bồi dưỡng giáo viên GDQP&AN như: Số lượng còn thiếu, mất cân đối cơ cấu, chuẩn hóa chưa cao; chưa thu hút được nhiều học sinh, giáo viên đi học ngành này; nội dung chương trình đào tạo còn nhiều bất cập, chưa phù hợp với thực tiễn; công tác quy hoạch, kế hoạch tuyển dụng, sử dụng sinh viên, giáo viên sau khi tốt nghiệp chưa đồng bộ, khả thi…

Đồng chí cũng đã đưa ra một số giải pháp nâng cao chất lượng môn GDQP&AN trong thời kỳ mới hiện nay như: Nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cấp ủy, lãnh đạo các cấp về vai trò, vị trí quan trọng của đội ngũ giáo viên trong dạy học môn GDQP&AN; tiếp tục kiện toàn về số lượng, bồi dưỡng chuẩn hóa về mọi mặt, nêu cao tinh thần tự học, tự bồi dưỡng của giáo viên; rà soát, sửa đổi, bổ sung chương trình đào tạo cho phù hợp với thực tiễn; phối hợp chặt chẽ, phát huy vai trò tham mưu của các cơ quan, đơn vị, tiến hành kiểm tra, sơ kết, tổng kết, rút kinh nghiệm kịp thời…

Bên cạnh đó, hội thảo thu hút đông đảo sự tham gia và gửi bài của nhiều nhà khoa học, nhà quản lý, giảng viên giảng dạy môn GDQP&AN khắp cả nước.

Tin, ảnh: CÚC LÊ

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/quoc-phong-an-ninh/tin-tuc/hoi-thao-doi-moi-phuong-thuc-day-hoc-mon-giao-duc-quoc-phong-va-an-ninh-hien-nay-605693