Hội thảo đóng góp ý tưởng dự án 'Điều chỉnh Quy hoạch chung TP Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045'
Sáng 23/8, tại Trung tâm hành chính TP Đà Nẵng đã diễn ra Hội thảo đóng góp ý tưởng dự án 'Điều chỉnh Quy hoạch chung TP Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045', với sự góp mặt nhiều chuyên gia quốc tế và trong nước.
Hội thảo có sự góp mặt nhiều chuyên gia quốc tế và trong nước đóng góp ý kiến cho dự án do đơn vị tư vấn của Singapore trình bày.
Đồ án điều chỉnh quy hoạch chung TP Đà Nẵng đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 2357/QĐ-TTg ngày 4/12/2013. Qua hơn 5 năm thực hiện, Đà Nẵng đã triển khai nhiều dự án ở các mức độ khác nhau, góp phần quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.
Cụ thể, không gian đô thị được mở rộng về phía Đông Nam và Tây Bắc theo định hướng chung; hệ thống giao thông chính trong đô thị được đầu tư nhanh chóng, các tuyến đường vành đai đang dần hoàn thiện; hệ thống thoát nước cũng như các trạm xử lý nước thải đô thị được đầu tư kịp thời, đã giải quyết nhiều vấn đề tồn tại lâu nay của đô thị.
Thành phố đã phát triển thêm nhiều dự án với quy mô lớn, có tầm ảnh hưởng lan rộng đến sự phát triển của mọi ngành nghề trong xã hội như: Khu du lịch Bà Nà Hills, Công viên Châu Á, Khu liên hợp thể dục thể thao Hòa Xuân, Khu Công nghệ cao; hàng loạt các khu khách sạn, nghỉ dưỡng cao cấp, sân golf… với các thương hiệu hàng đầu thế giới.
Đến thời điểm hiện tại, quá trình phát triển của thành phố đã nảy sinh những vấn đề mới mang tính tổng thể, có tác động lớn đến sự phát triển của đô thị, ảnh hưởng đến định hướng Quy hoạch chung đã được phê duyệt trước đây, như: Quan điểm phát triển chưa theo kịp các đô thị hiện đại; mô hình đô thị chưa định hình rõ nét cho khu trung tâm và ngoại vị; cấu trúc đô thị có nhiều thay đổi vượt ra khỏi định hướng; các chỉ tiêu về hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội chưa đảm bảo phục vụ tốt, đầy đủ cho sự phát triển; quá trình đô thị hóa có phần làm suy giảm bản sắc, cảnh quan tự nhiên của đô thị và lan đến cả các khu vực nông thôn…
Đơn vị tư vấn đưa ra phương án thay đổi mạng lưới đường và từng phân vùng chức năng cho các quy hoạch kể trên.
Đồ án điều chỉnh quy hoạch chung lần này, Đà Nẵng mong muốn xác lập được cấu trúc và mô hình phát triển đô thị phù hợp, quy hoạch hạ tầng đô thị theo quan điểm đã được định hướng rõ nét trong Nghị quyết số 43-NQ/TW của Bộ Chính trị: Phát triển Đà Nẵng theo hướng đô thị sinh thái, hiện đại, thông minh, mang tầm quốc tế và có bản sắc riêng. Bên cạnh đó, cũng cải thiện những hạn chế về hạ tầng xã hội, xử lý môi trường, liên kết chuỗi đô thị Lăng Cô - Đà Nẵng - Điện Bàn - Hội An để tạo động lực phát triển.
Dự án “Điều chỉnh Quy hoạch chung TP Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” đã được giao cho Liên danh tư vấn Sakae Corporate Advisory (Singapore) và Surbana Jurong (Singapore) thực hiện từ tháng 01/2019 đến tháng 1/2020. Trong quá trình thực hiện dự án sẽ có hai hội thảo được tổ chức để xin ý kiến đóng góp cho nội dung của dự án.
Trong báo cáo của đơn vị tư vấn (ĐVTV) đã có những đánh giá, thống kê chi tiết liên quan Quy hoạch sử dụng đất, phân tích hiện trạng, vị trí khu vực, tầm nhìn, mục tiêu và các chiến lược của TP Đà Nẵng đến thời điểm hiện tại. Trong đó, có đưa ra dự thảo chiến lược ý tưởng về phát triển cơ sở hạ tầng, đã đưa ra ba lựa chọn chiến lược về hàng không, như: Chuyển toàn bộ sân bay về phía Nam (vào tỉnh Đà Nẵng, cân nhắc bao gồm vị trí cửa ngõ Đà Nẵng); chuyển sân bay xuống biển và lựa chọn giữ vị trí sân bay hiện hữu.
Liên quan các cảng biển, ĐVTV đưa hai phương án là tách thành hai cảng biển (Cảng Liên Chiểu chính cho hàng hóa và logistics, cảng Tiên Sa bổ sung cảng Liên Chiểu cho logistics và chủ yếu phục vụ du lịch) hoặc ý tưởng mở rộng cảng Tiên Sa và không phát triển cảng Liên Chiểu. Từ các phương án trên mới thiết lập kết nối đường và đường sắt cho cảng biển.
Đối với đường sắt, ĐVTV cung đưa ý tưởng vị trí đường sắt cao tốc và nhà ga theo hai phương án nằm giữa QL1A và đường cao tốc (thu phí) cũng như trạm đường sắt HSR tại Nam Đà Nẵng; và lựa chọn vị trí đường sắt dọc đường cao tốc (thu phí).
Subana Jurong cũng ý tưởng “Thành phố ngàn hồ” có sự hợp tác giữa chính quyền và doanh nghiệp để giải quyết vấn đề lũ lụt.
Đối với ý tưởng Quản lý nước – thoát nước, ĐVTV đưa ra chiến lược trong mùa khô sẽ làm đập ngăn cho sông Hàn và sông Cu Đê để ngăn nước biển chảy vào sông. Cũng như đưa ra ý tưởng “Thành phố ngàn hồ” có sự hợp tác giữa chính quyền và doanh nghiệp để giải quyết vấn đề lũ lụt, biến nơi đây thành một nơi độc nhất...
Mọi sự chú ý tập trung vào Sơ bộ ý tưởng quy hoạch không gian đô thị (KGĐT) và Subana Jurong trình bày trong hội thảo lần này. Theo phương án 1, Đà Nẵng chia thành 3 khu vực: Khu mặt nước (dọc theo bờ biển và sông với nhiều cảnh quan mặt nước); khu công viên (nằm giữa thành phố với những ngọn đồi, cây xanh tươi tốt, phát triển mật độ thấp); Khu sườn đồi (khu vực sườn núi phía tây với đặc điểm các khu đồi sinh thái).
Từ đó hình thành vành đai phát triển kinh tế ở phía Bắc phát triển công nghiệp công nghệ cao và công nghệ thông tin. Vành đai phát triển kinh tế ở phía Nam là khu đổi mới sáng tạo kết hợp khu nông nghiệp công nghệ cao.
Còn phương án thứ hai lại tập trung vành đai phía Bắc cho công nghệ cao và công nghệ thông tin, còn vành đai phía Nam cho công nghiệp và nông nghiệp. Từ các phương án này, ĐVTV đưa ra phương án thay đổi mạng lưới đường và từng phân vùng chức năng cho các quy hoạch kể trên.
Nguyễn Tuấn
Theo
Link gốc: