'Hội thảo' giới thiệu thực phẩm chức năng: Nghệ thuật kinh doanh hay chiêu trò bán hàng?

Kỳ II: Chiêu trò 'thổi giá' sản phẩm tinh vi

Để thu hút người cao tuổi tham dự “hội thảo”, mỗi ngày, chương trình đều có những phần quà tặng khách hàng. Theo lời các nhân viên, thay vì quảng cáo trên các phương tiện thông tin đại chúng, các nhãn hàng, thương hiệu sẽ trực tiếp giới thiệu sản phẩm, nguồn kinh phí tiết kiệm được từ hoạt động quảng cáo sẽ quy đổi thành quà tặng. Nhưng thực tế thấy rằng, giá trị quà tặng được trích ra từ lợi nhuận kinh doanh TPCN. Bởi qua kiểm tra cho thấy, giá TPCN bán ra cao gấp hàng chục lần so với giá gốc và để tiêu thụ được sản phẩm, công dụng của TPCN đã bị “thổi phồng”.

"Nghẹt thở" vì bị... giám sát

Mỗi ngày, "hội thảo" được tổ chức 2 phiên sáng/chiều tại tòa nhà thương mại, đường Ngô Quyền, thành phố Vĩnh Yên. Ước tính, số lượng ghế trong hội trường từ 100-150 chỗ và thường xuyên được lấp kín. Bất chấp cái nóng nực của ngày hè, ngày nào “hội thảo” cũng đều đặn tiếp đón các cụ, trừ những ngày mất điện.

Tòa nhà lô 118, đường Ngô Quyền, thành phố Vĩnh Yên - nơi diễn ra "hội thảo" giới thiệu TPCN

Tòa nhà lô 118, đường Ngô Quyền, thành phố Vĩnh Yên - nơi diễn ra "hội thảo" giới thiệu TPCN

Nếu những người cao tuổi được nhân viên chào đón nồng hậu bao nhiêu, thì người trẻ tuổi khi vào dự “hội thảo” đều phải chịu đựng những ánh mắt dò xét, săm soi.

Lấy lý do bà ngoại bị đau chân, phải có người đưa đón, tôi được nhân viên cho vào dự “hội thảo” . Mặc dù chỗ ngồi được bố trí ở hàng ghế cuối phòng, nhưng trong suốt thời gian diễn ra “hội thảo”, tôi luôn bị các nhân viên trông chừng kỹ lưỡng.

Lợi dụng lúc nhân viên sơ hở (do mải phát phiếu cho khách hàng) tôi lấy điện thoại chụp, quay được một số hình ảnh, video trong buổi “hội thảo”. Nhưng do có quá nhiều “vệ tinh” theo dõi, cuối cùng tôi vẫn bị “bắt quả tang”. Lập tức, nhóm người này đến yêu cầu tôi không được chụp ảnh và cử 1 nhân viên đứng cạnh canh chừng đến cuối buổi.

Ngay ngày hôm sau, trong khán phòng tổ chức “hội thảo” xuất hiện chi chít những tờ giấy A4 dán trên tường, bàn có nội dung “Cấm quay phim, chụp ảnh”.

Để nhận được những phần quà của chương trình, các cụ cũng “khổ sở” không kém. Ngoài phải ngồi hàng tiếng nghe giới thiệu sản phẩm, các cụ cũng bị giám sát chặt chẽ và thực hiện nghiêm quy tắc “3 không”: Không nghe điện thoại; không ngủ gật và không nói chuyện riêng. Cứ vài bàn có 1 nhân viên đứng giám sát, bất cứ ai ngủ gật hay gọi điện thoại, nói chuyện riêng đều bị nhắc nhở. Do đó, khán phòng dù đông nhưng rất trật tự, im phăng phắc. Mục đích để các cụ tập trung cao độ nghe nhân viên giới thiệu sản phẩm.

Với số lượng người tham gia lớn, ước tính mỗi ngày, “hội thảo” phát hàng trăm suất quà cho các cụ, tương đương trị giá 2-3 triệu đồng/ngày. Điều này cũng có nghĩa, lợi nhuận của mỗi sản phẩm phải rất cao để đảm bảo lợi nhuận và chi trả quà tặng cho khách hàng.

Mỗi ngày, “hội thảo” giới thiệu từ 2-3 loại TPCN, có giá từ 1,5-8,5 triệu đồng. Ngoài ra, chương trình cũng có những sản phẩm phụ rẻ hơn, chỉ vài trăm nghìn đồng như kem đánh răng. Để có thể bán sản phẩm với giá cao, chức năng, công dụng của TPCN đã được các nhân viên “thổi phồng”.

Cũng theo bà P.T.N, phường Đống Đa, thành phố Vĩnh Yên: “Ngoài các sản phẩm về hồng sâm, “hội thảo” còn giới thiệu và chào bán kem đánh răng. Theo lời các nhân viên, thành phần kem đánh răng được chiết xuất từ nước dãi của con ong, có tác dụng bảo vệ răng, không bị sâu/đau răng. Sản phẩm được chào bán 300 nghìn đồng/hộp, nên rất nhiều người đăng ký mua. Hay loại thuốc nhỏ mắt cũng được quảng cáo rất hay, có giá bán từ 1,5 triệu đồng, nhiều cụ nghe thấy công dụng tốt cũng đăng ký mua”.

Tuy nhiên, kem đánh răng chỉ là sản phẩm phụ, còn Hồng Sâm, Hắc Sâm, thuốc chống đột quỵ… mới là những mặt hàng chủ đạo được “hội thảo” hướng đến. Nhằm nâng cao độ tin tưởng cũng như khẳng định chất lượng các sản phẩm này, “hội thảo” còn mời các “chuyên gia” người Hàn Quốc dự. Tại đây, những người nước ngoài này trực tiếp tư vấn, giới thiệu về công dụng của các sản phẩm và mời chào các cụ mua sử dụng để bồi bổ, tăng cường thể lực.

Sản phẩm hồng sâm được “hội thảo” chào bán với giá 8,5 triệu đồng/hộp. Khi mua, khách hàng còn được tặng thêm nhiều sản phẩm có giá trị từ vài trăm nghìn đồng đến hàng triệu đồng. Nhiều cụ tưởng lãi đã không tiếc tiền chi gần 10 triệu đồng để mua các sản phẩm hồng sâm.

Hàng hóa bị đội giá gấp 10 lần

Mới đây, phóng viên Chuyển động 24h đã “bóc phốt” chiêu trò kinh doanh của một nhóm người tổ chức “hội thảo” giới thiệu về TPCN tại xã Mễ Sở, huyện Văn Giang, tỉnh Hưng Yên. Sau khi lực lượng chức năng tiến hành kiểm tra cho thấy, cao Hắc Sâm mua vào có giá hơn 600 nghìn đồng/hộp, nhưng bán đến tay người dân lại có giá 5,8 triệu đồng/hộp, tức là bị “thổi giá” lên gần 10 lần. Tương tự, các sản phẩm khác cũng bị đội giá lên gấp nhiều lần.

Sản phẩm cao Hắc Sâm được chào bán 5,8 triệu đồng/hộp...

Sản phẩm cao Hắc Sâm được chào bán 5,8 triệu đồng/hộp...

... Tuy nhiên, sản phẩm được nhập vào có giá hơn 600.000 đồng/hộp

... Tuy nhiên, sản phẩm được nhập vào có giá hơn 600.000 đồng/hộp

Theo quy định, cá nhân, tổ chức muốn quảng cáo sản phẩm TPCN phải gửi nội dung quảng cáo tới cơ quan quản lý để thẩm định nội dung; có hồ sơ công bố sản phẩm; giấy tiếp nhận bản công bố của cơ quan chức năng và văn bản chấp thuận của chính quyền địa phương về địa điểm tổ chức, nội dung chương trình. Tại “hội thảo”, nhân viên chỉ được giới thiệu, quảng cáo sản phẩm theo nội dung mà cơ quan quản lý đã thẩm định, phê duyệt. Nhưng thực tế, để bán sản phẩm với giá cao, chức năng, công dụng của TPCN đã được các nhân viên này “thổi phồng”.

Trao đổi với phóng viên Báo Vĩnh Phúc về vấn đề này, đại diệnĐội QLTT số 1 (thành phố Vĩnh Yên) cho biết, lợi dụng kẽ hở của pháp luật, hoạt động kinh doanh TPCN của các cá nhân/tổ chức hiện nay rất tinh vi, dù lực lượng chức năng có vào kiểm tra cũng khó xử lý vi phạm. Thực tế, qua quá trình kiểm tra một số vụ việc cho thấy, các tổ chức/doanh nghiệp này cơ bản xuất trình đầy đủ hóa đơn, chứng từ hàng hóa.

Mặt khác, dù biết sản phẩm bán ra đắt hơn rất nhiều so với giá gốc, nhưng do các sản phẩm không nằm trong danh mục nhóm hàng bình ổn giá nên họ không phải kê khai, niêm yết giá bán theo quy định. Việc kinh doanh dựa trên cơ sở “thuận mua, vừa bán”, do đó chỉ có biện pháp tăng cường tuyên truyền để nâng cao nhận thức của người dân khi mua TPCN.

Theo ghi nhận của phóng viên, ở các "hội thảo", số lượng TPCN được trưng bày rất khiêm tốn. Điều này cho thấy, họ có sự cảnh giác, đề phòng việc lực lượng chức năng vào kiểm tra. Các khách hàng có nhu cầu mua sản phẩm sẽ thực hiện đăng ký số lượng để nhân viên trả hàng vào ngày hôm sau. Những lô hàng ở trong kho, không bày bán trực tiếp khiến chúng ta có quyền đặt câu hỏi, sự nghi ngờ về chất lượng, nguồn gốc xuất xứ?.

Nói về TPCN, theo lãnh đạo Phòng An toàn vệ sinh thực phẩm (Sở Y tế), hiện nay, việc quản lý các sản phẩm TPCN lưu thông ngoài thị trường rất khó khăn. Cả nước có hàng chục nghìn loại TPCN đang lưu thông.

Thời gian qua, cơ quan chức năng ở các địa phương trên cả nước đã kiểm tra, phát hiện hàng nghìn cơ sở không đủ điều kiện an toàn thực phẩm; nhiều cơ sở bị xử lý dưới nhiều hình thức cảnh cáo, phạt tiền, đình chỉ hoạt động, đình chỉ lưu hành, tiêu hủy sản phẩm không đảm bảo chất lượng; việc mua TPCN trôi nổi ngoài thị trường là sự cả tin, mạo hiểm.

Vì vậy, mỗi người dân hãy là người tiêu dùng thông thái, phải thận trọng và có sự hiểu biết nhất định, tránh việc bỏ ra một số tiền lớn để mua sản phẩm không mang lại hiệu quả như mong muốn.

Các cấp chính quyền địa phương cần tăng cường công tác tuyên truyền để nâng cao nhận thức của người dân, phối hợp với các cơ quan chức năng kiểm tra, xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân giới thiệu, bán hàng hóa không đảm bảo chất lượng, nguồn gốc xuất xứ, nhất là các sản phẩm bảo vệ sức khỏe chưa được kiểm chứng về chất lượng.

Bài, ảnh: Hà Trần

Nguồn Vĩnh Phúc: https://baovinhphuc.com.vn/tin-tuc/articletype/articleview/articleid/94938//%E2%80%9Choi-thao%E2%80%9D-gioi-thieu-thuc-pham-chuc-nang-nghe-thuat-kinh-doanh-hay-chieu-tro-ban-hang