Hội thảo góp ý dự thảo 'Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045'

Sáng 20-12, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VH-TT&DL) chủ trì Hội thảo trực tiếp kết hợp trực tuyến với các tỉnh, thành trong cả nước để lấy ý kiến góp ý dự thảo 'Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045' (gọi tắt là Chiến lược).

Tại điểm cầu Hà Nội, tham dự và chủ trì hội thảo có các đồng chí Hồ An Phong, Thứ trưởng Bộ VH-TT&DL.

Tại điểm cầu Sở VH-TT&DL tỉnh Tiền Giang, tham dự hội thảo có lãnh đạo Sở VH-TT&DL; lãnh đạo Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh và lãnh đạo các phòng, đơn vị trực thuộc sở…

Tại hội thảo, đại diện lãnh đạo Cục Bản quyền tác giả cho biết, mục tiêu tổng quát của Chiến lược là phát triển các ngành công nghiệp văn hóa trở thành ngành kinh tế quan trọng. Qua đó, góp phần quảng bá văn hóa Việt Nam và khẳng định thương hiệu, vị thế quốc gia trên trường quốc tế.

Phát triển có trọng tâm, trọng điểm một số ngành công nghiệp văn hóa để tăng cường tính quảng bá, lan tỏa các giá trị văn hóa, lịch sử đất nước, con người Việt Nam, thúc đẩy giao lưu, hội nhập quốc tế và tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu. Trong đó, hướng đến năm 2030, các ngành công nghiệp văn hóa đóng góp 7% GDP quốc gia.

Quang cảnh tại điểm cầu tỉnh Tiền Giang.

Quang cảnh tại điểm cầu tỉnh Tiền Giang.

Lực lượng lao động trong các ngành công nghiệp văn hóa bình quân tăng 8%/năm, chiếm tỷ trọng 6% trong tổng lực lượng lao động của nền kinh tế.

Tốc độ tăng trưởng về số lượng các cơ sở kinh tế hoạt động trong các ngành công nghiệp văn hóa bình quân đạt 8%/năm.

Phấn đấu tốc độ tăng trưởng về giá trị xuất khẩu của các ngành công nghiệp văn hóa bình quân đạt 6%/năm. Mạng lưới các trung tâm công nghiệp văn hóa, không gian sáng tạo được quy hoạch đồng bộ, đầu tư hiện đại, tôn vinh điểm đặc sắc, độc đáo, gắn với xây dựng thương hiệu sản phẩm của địa phương, quốc gia; tăng cường tỉnh liên kết vùng và liên kết các hệ thống hạ tầng, thiết chế văn hóa.

Phát triển các sản phẩm công nghiệp văn hóa có chất lượng cao, đáp ứng nhu cầu của xã hội, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống.

Đến năm 2030, phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam trở thành ngành kinh tế quan trọng, trong đó tập trung phát triển có trọng tâm, trọng điểm một số ngành công nghiệp văn hóa có tiềm năng, lợi thế nhằm đạt mục tiêu các ngành công nghiệp văn hóa đóng góp 7% GDP.

Đặc biệt, đến năm 2045, các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam phấn đấu doanh thu đóng góp 9% GDP và thu hút 6 triệu lao động để trở thành quốc gia phát triển về công nghiệp văn hóa trong khu vực châu Á; đồng thời, khẳng định vị thế của Việt Nam trên bản đồ công nghiệp văn hóa thế giới.

Để dự thảo Chiến lược đạt kết quả đề ra, Chiến lược cũng xác định tập trung phát triển có trọng tâm vào 5 ngành: Điện ảnh; nghệ thuật biểu diễn; quảng cáo; phần mềm và các trò chơi giải trí và ngành du lịch văn hóa.

Theo đó, tại hội thảo, các đại biểu cùng các chuyên gia tư vấn trong và ngoài nước đã tập trung làm rõ những vấn đề được đưa ra trong dự thảo Chiến lược.

Bên cạnh đó, các đại biểu tham dự hội thảo cũng đóng góp nhiều ý kiến hay, tập trung những vấn đề trọng tâm, cốt lõi… để góp phần thực hiện thành công Chiến lược.

G.T

Nguồn Ấp Bắc: http://baoapbac.vn/van-hoa-nghe-thuat/202412/hoi-thao-gop-y-du-thao-chien-luoc-phat-trien-cac-nganh-cong-nghiep-van-hoa-viet-nam-den-nam-2030-tam-nhin-den-nam-2045-1029844/