HỘI THẢO GÓP Ý DỰ THẢO LUẬT QUẢN LÝ, BẢO VỆ CÔNG TRÌNH QUỐC PHÒNG VÀ KHU QUÂN SỰ
Chiều 10/3, tại Hà Nội, Viện Nghiên cứu lập pháp thuộc UBTVQH phối hợp cùng Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội tổ chức hội thảo 'Góp ý dự thảo Luật Quản lý, bảo vệ công trình quốc phòng và khu quân sự'. TS.Nguyễn Văn Hiển, Viện trưởng Viện Nghiên cứu lập pháp; Thiếu tướng Trần Đức Thuận, Ủy viên Thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội đồng chủ trì hội thảo.
VIỆN NGHIÊN CỨU LẬP PHÁP PHỐI HỢP TỔ CHỨC HỘI THẢO KHOA HỌC GÓP Ý DỰ THẢO LUẬT ĐẤT ĐAI (SỬA ĐỔI)
Tham dự hội thảo có: Thiếu tướng Lưu Quang Vụ, Phó Cục trưởng Cục Tác chiến, Bộ Tổng tham mưu, Bộ Quốc phòng – Đại diện cơ quan soạn thảo; đại diện các cơ quan liên quan, cùng các chuyên gia, nhà khoa học.
Phát biểu khai mạc hội thảo, Thiếu tướng Trần Đức Thuận, Ủy viên Thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội nêu rõ, tại kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV đã bổ sung vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2023, điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2022, dự án Luật Quản lý, bảo vệ công trình quốc phòng và khu quân sự. Theo đó, dự án luật sẽ được Chính phủ trình Quốc hội cho ý kiến lần đầu vào kỳ họp thứ 5 và xem xét, thông qua tại kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV.
Thiếu tướng Trần Đức Thuận nhấn mạnh, dự án Luật đã được Chính phủ chuẩn bị theo đúng quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Trong quá trình xây dựng luật, cơ quan soạn thảo đã tích cực, khẩn trương, cầu thị tiếp thu tối đa ý kiến đóng góp của các chuyên gia, nhà khoa học, cơ quan, đơn vị, nhân dân, cử tri cả nước.
Với vai trò là cơ quan chủ trì thẩm tra, Thiếu tướng Trần Đức Thuận cho biết, với tinh thần chuẩn bị “từ sớm từ xa”, trong quá trình soạn thảo Dự thảo Luật, Ủy ban Quốc phòng và An ninh đã phân công Thường trực tham gia Ban chỉ đạo xây dựng luật và sau khi tiếp nhận Tờ trình của Chính phủ đã tiến hành 1 số hoạt động khảo sát phục vụ cho công tác thẩm tra.
Để có thêm thông tin hỗ trợ cho quá trình thẩm tra sơ bộ dự án luật cũng như quá trình UBTVQH chỉ đạo hoàn thiện Dự thảo luật trước khi trình Quốc hội, Thiếu tướng Trần Đức Thuận đề nghị các chuyên gia góp ý toàn diện, đa chiều vào những nội dung trọng tâm của Dự thảo Luật.
Dự thảo Luật quản lý, bảo vệ công trình quốc phòng và khu vực quân sự gồm 06 chương, 33 điều, quy định về quản lý, bảo vệ công trình quốc phòng và khu quân sự; chế độ, chính sách; quyền, nghĩa vụ, trách nhiệm của cơ quan, đơn vị, tổ chức, hộ gia dình, cá nhân liên quan đến hoạt động quản lý, bảo vệ công trình quốc phòng và khu quân sự.
Tại hội thảo các chuyên gia tập trung cho ý kiến về những quy định chung, đồng thời thảo luận sâu vào một số Điều, Khoản liên quan đến: Việc phân loại, phân nhóm công trình quốc phòng và khu quân sự; chuyển đổi mục đích sử dụng, phá dỡ, di dời công trình quốc phòng và khu quân sự; xác định phạm vi bảo vệ công trình quốc phòng và khu quân sự; quy định về lực lượng bảo vệ công trình quốc phòng và khu quân sự...
Qua thảo luận, đa số ý kiến chuyên gia đều tán thành với sự cần thiết phải ban hành Luật Quản lý, bảo vệ công trình quốc phòng và khu quân sự đồng thời đánh giá cao những nỗ lực của Ban soạn thảo trong quá trình xây dựng Dự thảo luật.
Theo các chuyên gia, công trình quốc phòng và khu quân sự là tài sản nhà nước, giao cho Quân đội và chính quyền các cấp tổ chức xây dựng, quản lý, sử dụng, bảo vệ để phục vụ sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Việc quản lý, bảo vệ các công trình này là trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền các cấp và toàn thể Nhân dân, nòng cốt là lực lượng quân đội.
Ngày 19/5/1994, UBTVQH đã ban hành Pháp lệnh Bảo vệ CTQP và KQS, sau 28 năm thực hiện có thể nói đến nay Pháp lệnh đã hoàn thành sứ mệnh, đồng thời, đã bộc lộ những hạn chế, bất cập, một số nội dung chưa theo kịp với tình hình phát triển kinh tế - xã hội và các chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước trong tình hình mới. Do đó, đặt ra yêu cầu cần thiết phải xây dựng một đạo luật điều chỉnh về lĩnh vực này.
Tán thành với nhiều nội dung của dự thảo luật, các ý kiến cũng cho rằng, về cơ bản, Dự thảo Luật bảo đảm tính hợp pháp, tính thống nhất, đồng bộ với các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan như Luật Quốc phòng, Luật Quản lý, sử dụng tài sản công, Luật Xây dựng, Luật An ninh quốc gia,...
Nhận định Hồ sơ Dự án Luật cũng đã được cơ quan soạn thảo chuẩn bị công phu và theo đúng trình tự, thủ tục do Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật quy định, các chuyên gia cho rằng, để tiếp tục hoàn thiện Dự luật đảm bảo chất lượng cao nhất trước khi trình Quốc hội cho ý kiến, cần tiếp tục nghiên cứu, rà soát làm rõ một số một vấn đề về “giải thích từ ngữ”, tiêu chí phân loại, phân nhóm công trình quốc phòng và khu quân sự; hành vi cấm;...
Bên cạnh đó, một số ý kiến cũng đề nghị, cần sớm bổ sung các dự thảo văn bản quy định chi tiết; cân nhắc một số nội dung liên quan đến việc chuyển đổi mục đích sử dụng công trình quốc phòng và khu quân sự cũng như phá dỡ, di dời các công trình quốc phòng và khu quân sự;...
Một số hình ảnh tại Hội thảo "Góp ý dự thảo Luật Quản lý, bảo vệ công trình quốc phòng và khu quân sự”:
Nguồn Quốc Hội: https://quochoi.vn/tintuc/pages/tin-hoat-dong-cua-quoc-hoi.aspx?itemid=73881