Hội thảo góp ý dự thảo sách Lịch sử Quốc hội Việt Nam giai đoạn 2011 - 2026
Sáng 11/7, Ủy ban Văn hóa và Xã hội, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh và Văn phòng Quốc hội phối hợp tổ chức Hội thảo góp ý dự thảo sách 'Lịch sử Quốc hội Việt Nam tập V (giai đoạn 2011 - 2026)'.
Phát biểu khai mạc, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa và Xã hội Phan Viết Lượng cho biết, Quốc hội Việt Nam đã trải qua gần 80 năm hình thành và phát triển với 15 nhiệm kỳ hoạt động. Qua mỗi thời kỳ lịch sử, mỗi giai đoạn cách mạng và từng nhiệm kỳ, dưới sự lãnh đạo của Đảng, Quốc hội ngày càng hoàn thiện về tổ chức, đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động, khẳng định vị trí, vai trò là cơ quan đại biểu cao nhất của Nhân dân, cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa và Xã hội Phan Viết Lượng phát biểu khai mạc hội thảo
Để giới thiệu có hệ thống lịch sử tổ chức và hoạt động của Quốc hội, bộ sách "Lịch sử Quốc hội Việt Nam" qua 12 nhiệm kỳ hoạt động giai đoạn 1946 - 2011 gồm 4 tập đã được biên soạn, xuất bản trước năm 2016.
Nhằm hoàn thành bộ sách "Lịch sử Quốc hội Việt Nam" qua 80 hình thành và phát triển, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã giao Ủy ban Văn hóa và Xã hội phối hợp với Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh và Văn phòng Quốc hội tổ chức nghiên cứu, biên soạn cuốn sách "Lịch sử Quốc hội Việt Nam tập V (giai đoạn 2011 - 2026)"nhằm tổng kết, giới thiệu về lịch sử tổ chức và hoạt động của Quốc hội Việt Nam Khóa XIII, XIV và XV.

Phó Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, PGS.TS. Dương Trung Ý đồng chủ trì Hội thảo
Cuốn sách cũng ghi nhận quá trình phát triển, thành tựu và những đóng góp to lớn của Quốc hội đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; đúc rút kinh nghiệm để phục vụ việc nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của Quốc hội trong giai đoạn mới.
Qua đó, góp phần tuyên truyền, nâng cao nhận thức của cử tri, Nhân dân về vị trí, vai trò, quá trình phát triển của Quốc hội Việt Nam; đáp ứng nhu cầu tìm hiểu, nghiên cứu về Quốc hội của các cấp, các ngành, các nhà nghiên cứu, nhà khoa học và Nhân dân cả nước.
Cuốn sách sẽ được phát hành vào dịp kỷ niệm 80 năm Ngày Tổng tuyển cử đầu tiên bầu Quốc hội Việt Nam (6/1/1946 - 6/1/2026).

PGS.TS Nguyễn Danh Tiên, Viện trưởng Viện Lịch sử Đảng, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh thay mặt Ban biên soạn báo cáo quá trình nghiên cứu, biên soạn và một số nội dung chính của dự thảo sách "Lịch sử Quốc hội Việt Nam tập V"
Được sự đồng ý của lãnh đạo Quốc hội, Thường trực Ủy ban Văn hóa và Xã hội, lãnh đạo Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh đã chỉ đạo, phân công Viện Lịch sử Đảng - Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh chủ trì, phối hợp với Viện Sử học - Viện hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam và cơ quan liên quan nghiên cứu, xây dựng dự thảo cuốn sách.
Trên cơ sở nghiên cứu, kế thừa về bố cục, kết cấu của sách Lịch sử Quốc hội Việt Nam 4 tập trước và các tài liệu do Văn phòng Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội cung cấp, đến nay Ban Biên soạn đã xây dựng dự thảo cuốn sách, gồm: Lời nói đầu, Phần nội dung (gồm 3 chương: Chương 1, Chương II và Chương III tương ứng với nhiệm kỳ Quốc hội các khóa XIII, XIV và XV), Phần kết luận và Phần phụ lục.

Hội thảo có sự tham gia của nguyên lãnh đạo Ủy ban Văn hóa và Xã hội, đại biểu Quốc hội, các chuyên gia, nhà khoa học lịch sử
Trong quá trình dự thảo cuốn sách, Ban Biên soạn luôn cố gắng bám sát chức năng, nhiệm vụ của Quốc hội; phân tích, nhận xét, đánh giá các sự kiện lịch sử, những thành tựu, hạn chế, đúc kết những kinh nghiệm qua thực tiễn quá trình phát triển tổ chức bộ máy, chức năng, nhiệm vụ và hoạt động của Quốc hội Việt Nam các khóa XIII, XIV, XV để xây dựng bản thảo, gửi xin ý kiến, tiếp thu, chỉnh lý theo góp ý của các thành viên Ban Chỉ đạo, Ban Biên soạn, của nhiều chuyên gia, một số đồng chí nguyên lãnh đạo Quốc hội, nguyên Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, góp ý của Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội và Văn phòng Quốc hội.

GS.VS.TS.Đào Trọng Thi, nguyên Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng nhận xét: dự thảo sách "Lịch sử Quốc hội Việt Nam tập V" được biên soạn khá kỹ, theo yêu cầu của các tập trước cũng như thể hiện dòng chảy đổi mới của Quốc hội
"Việc nghiên cứu, biên soạn sách Lịch sử Quốc hội Việt Nam tập V có ý nghĩa rất quan trọng, với yêu cầu phải bảo đảm chất lượng, phản ánh đầy đủ, toàn diện, chính xác, khách quan, khoa học quá trình phát triển về tổ chức và hoạt động của Quốc hội Việt Nam trong 3 nhiệm kỳ hoạt động gắn với giai đoạn đất nước ta tiếp tục đẩy mạnh công cuộc đổi mới đạt được nhiều thành tựu có ý nghĩa lịch sử trên nhiều lĩnh vực, trong bối cảnh quốc tế và trong nước diễn biến rất phức tạp, khó lường.
Do đó, Hội thảo hôm nay là rất cần thiết, giúp cho việc tiếp tục bổ sung, chỉnh sửa để hoàn thiện dự thảo cuốn sách", Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa và Xã hội Phan Viết Lượng nhấn mạnh.

Theo Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam, PGS.TS Trần Đức Cường, biên soạn sách "Lịch sử Quốc hội Việt Nam tập V" trong giai đoạn hiện nay tương đối thuận lợi gắn với nguồn dữ liệu phong phú, bài bản. Tuy nhiên, cách thể hiện cần có thêm điểm nhấn để lịch sử Quốc hội Việt Nam hấp dẫn hơn

Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Văn Hiển đề xuất cách đánh giá khái quát thành tựu không chỉ theo chiều ngang tương ứng với 3 khóa Quốc hội mà cần bổ sung đánh giá theo chiều dọc, gắn với công tác lập pháp, lập hiến để thấy rõ sự phát triển của Quốc hội từ khóa XIII - XV
Tại hội thảo, các đại biểu trao đổi, thảo luận, góp ý với tinh thần trách nhiệm, xây dựng, thiết thực, tập trung vào các nội dung chính: tổ chức bộ máy của Quốc hội; thực hiện chức năng lập hiến, lập pháp, hoạt động giám sát, quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước, hoạt động đối ngoại của Quốc hội; sự đổi mới phương thức hoạt động, những dấu ấn nổi bật của Quốc hội Việt Nam khóa XIII, XIV, XV; về bố cục, trình bày...