Hội thảo hỗ trợ cung cấp thông tin về ứng dụng công nghệ tiên tiến trong sản xuất công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp và xử lý ô nhiễm môi trường

Ngày 13/11, Sở Công Thương tổ chức Hội thảo 'Hỗ trợ cung cấp thông tin về tăng cường ứng dụng công nghệ tiên tiến trong sản xuất công nghiệp-tiểu thủ công nghiệp và xử lý ô nhiễm môi trường'.

Các đại biểu dự Hội thảo.

Các đại biểu dự Hội thảo.

Phát biểu đề dẫn tại Hội thảo, đồng chí Bùi Quang Hưng, Phó Giám đốc Sở Công Thương cho biết: Thời gian qua, một trong những hướng ưu tiên trọng tâm của ngành Công Thương là hỗ trợ các doanh nghiệp triển khai các giải pháp cải tiến năng suất, chất lượng.

Trong giai đoạn 2020-2024, chương trình khuyến công địa phương đã hỗ trợ 126 đề án với tổng kinh phí hỗ trợ là 17,4 tỷ đồng để triển khai thực hiện các đề án nâng cao năng lực sản xuất, ứng dụng máy móc thiết bị tiên tiến, phát triển sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu, áp dụng sản xuất sạch hơn trong công nghiệp, phát triển nghề-làng nghề nghệ nhân, hỗ trợ xây dựng mô hình thí điểm về áp dụng sản xuất sạch hơn trong công nghiệp...

Đồng chí Phó Giám đốc Sở Công thương phát biểu đề dẫn tại Hội thảo.

Đồng chí Phó Giám đốc Sở Công thương phát biểu đề dẫn tại Hội thảo.

Tuy nhiên, đa số các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh có quy mô vừa và nhỏ, nội lực của doanh nghiệp và cơ sở sản xuất công nghiệp còn hạn chế nên khó khăn cho việc chuyển đổi ngành nghề, đầu tư đổi mới công nghệ, nâng cao chất lượng sản phẩm và mở rộng sản xuất.

Do vậy, việc ứng dụng công nghệ cao là nền tảng tốt cho việc đẩy mạnh hoạt động sản xuất thông minh. Đây chính là cơ hội để doanh nghiệp đẩy mạnh chuyển dịch từ lắp ráp, gia công sang sản xuất sản phẩm theo hướng "Make in Viet Nam", đổi mới sáng tạo tại Việt Nam.

Tại hội thảo, các đại biểu đã trao đổi, thảo luận các vấn đề liên quan đến việc ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, nổi bật là ứng dụng kỹ thuật số, trí tuệ nhân tạo tự động hóa quy trình, công nghệ sinh học tạo ra bước nhảy vọt trong nông nghiệp, thủy sản, y dược, chế biến thực phẩm, bảo vệ môi trường, năng lượng tái tạo, hóa chất, vật liệu.

Để thực hiện chiến lược phát triển công nghiệp của Việt Nam, trong đó chú trọng các ngành công nghiệp chế biến, chế tạo; điện tử và viễn thông; ngành năng lượng mới và năng lượng tái tạo, các đơn vị doanh nghiệp cần nắm bắt thời cơ, tận dụng ưu đãi, hỗ trợ của Trung ương và địa phương để xây dựng lộ trình phát triển phù hợp.

Hội thảo cũng đưa ra các giải pháp để đổi mới và nâng cao hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp; tái cơ cấu và tái cấu trúc lại hệ thống. Cùng với đó, cần thực hiện phát triển sản xuất gắn với xử lý ô nhiễm môi trường để phát triển bền vững; một số lỗi thường gặp của doanh nghiệp và những lưu ý trong quá trình thực hiện; nhiệm vụ; hệ thống quản lý môi trường ISO 14000; các phương pháp sản xuất sạch hơn.

Hội thảo là dịp để cán bộ quản lý ngành công nghiệp của tỉnh và các doanh nghiệp trao đổi thông tin, chia sẻ kiến thức cùng với chuyên gia kinh tế; thảo luận về các vấn đề còn vướng mắc trong thực tiễn, cập nhật xu hướng phát triển mới một cách kịp thời để nâng cao sức cạnh tranh và hội nhập kinh tế toàn cầu.

Nguyễn Thơm - Minh Đường

Nguồn Ninh Bình: https://baoninhbinh.org.vn/hoi-thao-ho-tro-cung-cap-thong-tin-ve-ung-dung-cong-nghe-385689.htm