Hội thảo khoa học: '30 năm quan hệ Việt Nam - ASEAN: Tăng cường hợp tác thể chế trong bối cảnh Cộng đồng ASEAN sau năm 2025'
Sáng ngày 30/6/2025, Trường Đại học Luật Hà Nội đã tổ chức Hội thảo khoa học với chủ đề ' 30 năm Quan hệ Việt Nam – ASEAN: Tăng cường hợp tác thể chế trong bối cảnh Cộng đồng ASEAN sau năm 2025 '. Hội thảo đã thu hút sự tham gia của đông đảo các chuyên gia, nhà nghiên cứu, nhà hoạch định chính sách, những người làm công tác thực tiễn và giảng viên, sinh viên Nhà trường. Hội thảo là cơ hội để các chuyên gia, nhà nghiên cứu, nhà hoạch định chính sách, những người làm công tác thực tiễn... nhìn lại, đánh giá chặng đường 30 năm Việt Nam gia nhập ASEAN vào ngày 25/7/1995, đồng thời mở ra các thảo luận quan trọng về định hướng phát triển của ASEAN trong giai đoạn mới.

Phát biểu khai mạc Hội thảo, PGS.TS. Nguyễn Bá Bình, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Luật Hà Nội nhấn mạnh ý nghĩa của năm 2025 – thời điểm không chỉ kỷ niệm 30 năm Việt Nam trở thành thành viên thứ 7 của ASEAN mà còn đánh dấu việc kết thúc triển khai Tầm nhìn Cộng đồng ASEAN 2025. Trong ba thập kỷ vừa qua, Việt Nam đã khẳng định vai trò tích cực, chủ động hội nhập và đóng góp vào sự phát triển của ASEAN – một tổ chức quốc tế khu vực có vị thế ngày càng quan trọng trong cấu trúc hợp tác Đông Á và toàn cầu.

PGS.TS. Nguyễn Bá Bình, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Luật Hà Nội phát biểu khai mạc Hội thảo

GS.TS. Lê Hồng Hạnh, Chủ tịch Hội đồng Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC), Giảng viên cao cấp Trường Đại học Luật và TS. Trần Minh Ngọc, Trưởng Khoa Pháp luật Quốc tế, Trường Đại học Luật Hà Nội chủ trì Hội thảo
Hội thảo cũng đề cập đến những thành tựu nổi bật của ASEAN, bao gồm tăng cường liên kết nội khối, thúc đẩy thương mại tự do và phối hợp hiệu quả trong các vấn đề khu vực. Tuy nhiên, những hạn chế về thể chế, hiệu quả của các cơ chế hợp tác liên ngành và mức độ cam kết thực thi của các quốc gia thành viên vẫn là thách thức lớn. Những vấn đề này đòi hỏi sự cải cách thể chế mạnh mẽ để chuẩn bị cho Tầm nhìn Cộng đồng ASEAN sau 2025, trong bối cảnh địa chiến lược và kinh tế toàn cầu đang biến động không ngừng và ngày càng phức tạp.

PGS.TS. Hoàng Phước Hiệp, nguyên Vụ trưởng Vụ Pháp luật quốc tế, Bộ Tư pháp phát biểu tại Hội thảo
Hội thảo thực sự là diễn đàn để các chuyên gia, nhà nghiên cứu, nhà hoạch định chính sách và những người làm công tác thực tiễn đánh giá lại tiến trình hội nhập của Việt Nam trong ASEAN, đồng thời đề xuất các giải pháp nhằm tăng cường hợp tác thể chế, góp phần xây dựng một Cộng đồng ASEAN gắn kết, tự cường và thích ứng trong bối cảnh quốc tế mới. Các tham luận tại hội thảo tập trung vào nhiều khía cạnh quan trọng, bao gồm: Cộng đồng Kinh tế ASEAN sau 2025, những thành tựu và thách thức trong bối cảnh quốc tế mới; Hành trình 30 năm quan hệ Việt Nam – ASEAN, cải cách thể chế để nâng cao hiệu quả hợp tác; Xu hướng phát triển luật pháp quốc tế trong ASEAN, thông qua thực tiễn ký kết các điều ước quốc tế trong lĩnh vực khoa học công nghệ; Hợp tác thể chế về môi trường và phát triển bền vững; Các thành tựu và đề xuất tăng cường hợp tác trong phát triển du lịch xanh ở Đông Nam Á; Thách thức đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa của Việt Nam trong bối cảnh hội nhập khu vực...

TS. Vũ Hải Đăng, Phụ trách Trung tâm Ngoại giao Biển và ASEAN, Viện Biển Đông – Học viện Ngoại giao phát biểu tại Hội thảo
Hội thảo qua đó nhấn mạnh vai trò tiên phong của Việt Nam, với tư cách là một trong những quốc gia thành viên năng động và tích cực nhất khu vực trong việc đóng góp vào cải cách thể chế ASEAN. Với kinh nghiệm 30 năm hội nhập, Việt Nam được kỳ vọng sẽ tiếp tục phát huy vị thế, đảm bảo lợi ích chiến lược và thúc đẩy sự gắn kết trong Cộng đồng ASEAN. Các ý kiến tại hội thảo đều nhất trí rằng việc hoàn thiện thể chế không chỉ là thách thức mà còn là cơ hội để Việt Nam nâng cao hơn nữa uy tín, vị thế trong khu vực.

Ông Đậu Anh Tuấn, Phó Tổng Thư ký, Trưởng Ban Pháp chế của VCCI phát biểu tại Hội thảo
Phát biểu kết luận Hội thảo, GS.TS. Lê Hồng Hạnh Chủ tịch Hội đồng Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC), Giảng viên cao cấp Trường Đại học Luật Hà Nội và TS. Trần Minh Ngọc, Trưởng Khoa Pháp luật Quốc tế, Trường Đại học Luật Hà Nội nhất trí cho rằng Hội thảo đã thực sự tạo nên một không gian trao đổi học thuật sôi nổi với những góc nhìn khoa học đa chiều, không chỉ làm rõ những thành tựu và thách thức trong 30 năm quan hệ Việt Nam – ASEAN mà còn đưa ra những khuyến nghị chính sách thiết thực cho giai đoạn phát triển tiếp theo của Cộng đồng ASEAN và vai trò của Việt Nam. Những tham luận, ý kiến thảo luận tại Hội thảo sẽ tiếp tục gợi mở những nghiên cứu sâu hơn về ASEAN trong tương lai.

Toàn cảnh Hội thảo và khách mời tham dự