Hội thảo khoa học 70 năm chiến thắng Vườn Gòn - Đá Bàn
Hội thảo khoa học '70 năm chiến thắng Vườn Gòn - Đá Bàn (20/4/1953 – 20/4/2023) - Ý nghĩa lịch sử và bài học kinh nghiệm' đã được Tỉnh ủy Khánh Hòa phối hợp với Bộ Tư lệnh Quân khu 5 tổ chức sáng 19/4 tại TP Nha Trang.
Đến dự hội thảo có đồng chí Nguyễn Hòa Bình - Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Chánh án TAND Tối cao cùng các đồng chí nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, tướng lĩnh, sĩ quan quân đội, lão thành cách mạng, cựu chiến binh, chuyên gia, nhà khoa học trong và ngoài quân đội cùng đại diện một số cơ quan, ban, ngành ở tỉnh Khánh Hòa.
Hội thảo do đồng chí Nguyễn Hải Ninh - Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Khánh Hòa và Thiếu tướng Cao Phi Hùng - Phó Tư lệnh Quân khu 5 đồng chủ trì.
Báo cáo đề dẫn hội thảo cho biết, 70 năm về trước, vào ngày 18/4/1953, Trung đoàn hỗn hợp Âu - Phi - Ngụy với hơn 4.000 sĩ quan, binh lính do Thiếu tướng Le Blance chỉ huy với sự yểm trợ của máy bay, hỏa lực mạnh, tiến hành mở cuộc càn quét chiến khu Đá Bàn - căn cứ kháng chiến của tỉnh Khánh Hòa, nay thuộc địa phận xã Ninh Sơn, thị xã Ninh Hòa.
Đoán biết mưu đồ của địch, bộ đội và du kích địa phương không chỉ triển khai chiến thuật chặn đánh địch từ bên ngoài căn cứ với những bẫy mìn, hầm chông, mà còn tổ chức phục kích từ Sở Thằng Lô - một đồn điền của người Pháp đến khu Vườn Gòn.
Đến chiều tối 19/4/1953, quân địch chỉ dò dẫm vào đến vùng giáp ranh căn cứ Đá Bàn đốt phá nhà dân, lán trại sản xuất - chăn nuôi… Trong khi đó, Tiểu đoàn 59 – Liên khu 5 dưới sự chỉ huy của Tiểu đoàn trưởng Nguyễn Lựu đã bí mật hành quân qua hẻm Eo Gió, triển khai đội hình phục kích trên đoạn đường Cầu Gỗ, Suối Sâu trong Vườn Gòn, cách Bến Ghe khoảng một cây số để chặn đường rút quân của địch. Sáng 20/4/1953, địch huy động máy bay ném bom, giội pháo vào khu rừng phía Tây căn cứ Đá Bàn để bộ binh tiến vào nhưng đã dính phải bẫy mìn, hầm chông và bị du kích đánh chặn, khiến nhiều binh lính địch thương vong. Khoảng 11h trưa hôm đó, địch bắt đầu rút quân nhưng chỉ hai giờ sau đã rơi vào trận địa phục kích ở Vườn Gòn của Tiểu đoàn 59. Trận đánh quyết liệt bằng tinh thần chiến đấu dũng cảm, kiên cường, kết hợp với sự mưu trí, gan dạ của Tiểu đoàn trưởng Nguyễn Lựu đã khiến cho hơn 400 sĩ quan, binh lính địch thương vong, 1 khẩu đại liên và hơn 100 khẩu súng các loại cùng nhiều quân trang khác bị thu giữ. Về phía Tiểu đoàn 59 chỉ có 14 cán bộ – chiến sĩ hy sinh anh dũng.
Hội thảo tiếp tục khẳng định chủ trương đúng của Đảng, sự phối hợp chỉ đạo kịp thời của Đảng ủy Liên khu 5, Tỉnh ủy Khánh Hòa trong tổ chức, triển khai các lực lương đánh địch, tạo nên sức mạnh tổng hợp góp phần kết thúc thắng lợi cuộc kháng chiến chống Pháp trên địa bàn Liên khu 5 nói chung và Khánh Hòa nói riêng.
Trong đó, chiến thắng Vườn Gòn - Đá Bàn ngày 20/4/1953 là dấu mốc lịch sử quan trọng, khẳng định trình độ tác chiến của bộ đội Liên khu 5, sức mạnh thế trận chiến tranh nhân dân cùng với sự chỉ đạo sáng suốt của cấp ủy, vai trò của lực lượng vũ trang địa phương, là biểu tượng tinh thần đoàn kết vượt khó, anh dũng chiến đấu và chiến thắng. Bên cạnh đó, chiến thắng Vườn Gòn - Đá Bàn còn vinh danh những cán bộ – chiến sĩ chiến đấu dũng cảm kiên cường, trong đó có đồng chí Nguyễn Lựu - Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 59, nguyên chiến sĩ du kích Ba Tơ anh hùng.
Ông là người chỉ huy luôn bám sát sự lãnh đạo của Đảng; gắn bó sâu sát với đồng đội và nhân dân; mưu trí, sáng tạo, anh dũng, gan dạ trong chiến đấu và đã chỉ huy Tiểu đoàn 59 đánh thắng hàng trăm trận, lập nhiều chiến công hào hùng trong lịch sử quân sự Việt Nam và Đảng bộ các tỉnh miền Trung - Tây Nguyên.
Những tham luận tại hội thảo đều khẳng định và làm rõ nghệ thuật quân sự của Tiểu đoàn 59 tại chiến trường Khánh Hòa cùng với vai trò chỉ huy của Tiểu đoàn trưởng Nguyễn Lựu; khẳng định kết quả phát triển và vận dụng sáng tạo, linh hoạt trong tác chiến, chuyển đổi thế trận từ bị động sang chủ động với các yếu tố bí mật, bất ngờ…
Trung tướng Nguyễn Thanh Tuấn, nguyên Cục trưởng Cục Tuyên huấn - Tổng cục Chính trị Quân đội Nhân dân Việt Nam nhấn mạnh, chiến thắng Vườn Gòn - Đá Bàn là sự kết hợp chặt chẽ, đồng bộ giữa bộ đội chủ lực cùng dân quân du kích và bộ đội địa phương khi nắm chắc địa bàn, tận dụng lợi thế về địa hình để triển khai trận địa phục kích khép kín, hiệu quả; đồng thời khẳng định sức mạnh chiến tranh nhân dân đánh thắng địch đông về lực lượng, mạnh về hỏa lực. Cho đến nay, chiến thắng Vườn Gòn - Đá Bàn vẫn là bài học kinh nghiệm cần thiết trong xây dựng thế trận chiến tranh nhân dân, tạo thế chủ động phòng thủ và bảo vệ Tổ quốc vững chắc trong tình hình mới.
Thượng tướng, PGS.TS Võ Tiến Trung - Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Ủy viên Quân ủy Trung ương, nguyên Giám đốc Học viện Quốc phòng cho rằng, chiến thắng Vườn Gòn - Đá Bàn là đòn đánh quyết liệt, mạnh mẽ, làm thất bại kế hoạch bình định, chiêu an dồn dân, tập trung lúa gạo của địch; đánh bại cuộc hành quân càn quét của địch với quy mô lớn, hiệp đồng quân binh chủng, vũ khí, trang bị hiện đại…
Với tư cách đồng chủ trì hội thảo, đồng chí Nguyễn Hải Ninh - Bí thư Tỉnh ủy Khánh Hòa đánh giá cao nhiều tham luận, thảo luận của các chuyên gia, nhà khoa học với những nội dung giàu ý nghĩa sâu sắc, tính lịch sử khách quan, khẳng định vai trò lãnh đạo của Đảng, truyền thống đấu tranh anh dũng của quân và dân ta cùng những bài học kinh nghiệm từ chiến thắng Vườn Gòn - Đá Bàn. Từ đó vận dụng linh hoạt trong xây dựng thế trận lòng dân, thế trận chiến tranh nhân dân, nền quốc phòng toàn dân vững mạnh, đáp ứng kịp thời yêu cầu xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới.