Hội thảo khoa học cấp quốc gia 190 năm chiến thắng Vàm Nao - Cổ Hũ
Chiến thắng Vàm Nao - Cổ Hũ đầu năm 1834 thực sự là một trận quyết chiến chiến lược, một trong những chiến công lừng lẫy trong lịch sử chống ngoại xâm của dân tộc.
Ngày 16/4, tại thành phố Cao Lãnh, Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam và Ủy ban nhân dân tỉnh Đồng Tháp đồng chủ trì hội thảo khoa học cấp quốc gia “Chiến thắng Vàm Nao - Cổ Hũ (1834) - 190 năm nhìn lại”.
Trận đánh quân Xiêm trên sông Vàm Nao - Cổ Hũ là cuộc đối đầu giữa hai vương triều hùng mạnh nhất Đông Nam Á thời đó. Vua Minh Mạng quyết làm thất bại âm mưu bành trướng lãnh thổ về phía đông của vua Rama III (Xiêm La).
Chiến dịch Vàm Nao - Cổ Hũ được tạm chia thành 2 giai đoạn chính, với nhiều trận đánh nối tiếp nhau, xen lẫn những lần tạm ngưng ngắn để quân Xiêm củng cố lực lượng.
Giai đoạn 1 (từ 14/1/1834 - 21/1/1834): Tiêu hao quân thủy-bộ Xiêm, khóa chặt cửa sông Vàm Nao, đẩy quân Xiêm vào thế phòng thủ.
Với không đầy 1.000 quân và một ít thuyền chiến, quân ta đã đánh lui quân thủy-bộ Xiêm (14/1/1834), chủ động tiến sâu vào sông Vàm Nao, đương đầu với hàng trăm chiến thuyền Xiêm chờ sẵn và quân bộ Xiêm đã tăng thêm đồn lũy, súng pháo ở hai bên bờ sông trên đoạn 3-4km từ giữa sông Vàm Nao ra sông Hậu (15/1/1834).
Giai đoạn 2 (25/1/1834 - 30/1/1834): Quyết chiến phòng giữ Cổ Hũ, đánh bại hoàn toàn đại quân Xiêm.
Ngày 2/2/1834, quân Xiêm lại phát động tấn công các đồn bờ hữu (Ba Răng) rồi chuyển hướng qua bờ tả (Thủ Chiến Sai cũ) để cầm chân quân Việt Nam cho số thuyền chiến còn lại của Phi Nhã Phật Lăng và phần lớn quân bộ của Phi Nhã Chất Tri tháo chạy về Hà Tiên, Châu Đốc.
Hội thảo đã tập hợp được 45 báo cáo của 55 tác giả, trong đó có nhiều tác giả là chuyên gia hàng đầu về các lĩnh vực sử học, văn hóa học, quân sự học, tư liệu học...
Sau 1 ngày tổ chức, Hội thảo đã nghe trình bày toàn văn 12 báo cáo, và các ý kiến trao đổi thảo luận của các chuyên gia, đặc biệt là các nhà nghiên cứu và hoạt động thực tiễn hay có nhiều kinh nghiệm nghiên cứu thực địa ở Đồng Tháp, An Giang.
Trong trao đổi thảo luận, các nhà nghiên cứu đã nhấn mạnh vào không gian chiến trường, diễn biến chiến trận và đánh giá vai trò, vị trí, tầm vóc của chiến thắng Vàm Nao - Cổ Hũ không chỉ trong cuộc kháng chiến chống Xiêm năm 1834, không chỉ trong lịch sử vương triều Nguyễn, mà cả trong toàn bộ tiến trình lịch sử đất nước và những ảnh hưởng, tác động trong các mối quan hệ khu vực.
Chiến thắng Vàm Nao - Cổ Hũ đầu năm 1834 trên địa bàn 2 tỉnh An Giang và Đồng Tháp hiện nay thực sự là một trận quyết chiến chiến lược, một trong những chiến công lừng lẫy trong lịch sử chống ngoại xâm của dân tộc Việt Nam ta và có một không hai của lịch sử Vương triều Nguyễn.
Chiến công này là một tầm cao mới của truyền thống yêu nước chống ngoại xâm, bảo vệ nền độc lập dân tộc, giữ vững chủ quyền lãnh thổ của người dân Nam Bộ, qua đó, Nam Bộ đã làm nên và giữ vững tính toàn vẹn của quốc gia dân tộc Việt Nam.
Hội thảo được tổ chức nhằm nhận diện một cách tương đối đầy đủ, toàn diện, thống nhất về chiến thắng Vàm Nao - Cổ Hũ.
Qua hội thảo có đủ cơ sở khoa học và thực tiễn bảo tồn và phát huy các giá trị của di sản, hướng tới kỷ niệm 200 năm chiến thắng Vàm Nao - Cổ Hũ ngang tầm với những cống hiến và hy sinh của tổ tiên cho công cuộc bảo vệ toàn vẹn chủ quyền quốc gia lãnh thổ Việt Nam.