Hội thảo khoa học cấp quốc gia 'Bảo đảm chủ quyền quốc gia trên không gian mạng'
Hội thảo khoa học cấp quốc gia 'Bảo đảm chủ quyền quốc gia trên không gian mạng' được Bộ Công an phối hợp với Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật tổ chức ngày 8-12, tại Hà Nội. Hội thảo được tổ chức theo hình thức trực tuyến từ điểm cầu Hội trường lớn Bộ Công an đến 63 điểm cầu Công an các địa phương.
Đại tướng, GS.TS. Tô Lâm, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Đảng ủy Công an Trung ương, Bộ trưởng Bộ Công an; ông Phan Đình Trạc, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Nội chính Trung ương; ông Nguyễn Trọng Nghĩa, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương; Thiếu tướng, TS. Lê Quốc Hùng, Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Công an; PGS.TS. Phạm Minh Tuấn, Giám đốc - Tổng Biên tập Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật chủ trì Hội thảo.
Không gian mạng trở thành "không gian chiến lược mới", "vùng lãnh thổ đặc biệt"
Phát biểu khai mạc hội thảo, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa nêu rõ: Hiện nay, sự phát triển mạnh mẽ của khoa học công nghệ, đặc biệt là cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đã tạo ra một không gian chiến lược mới - "không gian mạng". Không gian mạng đã trở thành môi trường chủ yếu, không thể thiếu trong triển khai các chiến lược, quan hệ đối ngoại, củng cố, duy trì hoạt động kinh tế - xã hội của các quốc gia, mang lại những lợi ích to lớn, đóng góp quan trọng vào việc đổi mới tư duy và sự phát triển trên tất cả các lĩnh vực.
Tuy nhiên, đây cũng là môi trường dễ bị các thế lực thù địch, phản động lợi dụng chống phá với quy mô, mức độ, đối tượng rộng và khó kiểm soát.
Ông Nguyễn Trong Nghĩa nhấn mạnh: Không gian mạng giờ đây đã trở thành "không gian chiến lược mới", "vùng lãnh thổ đặc biệt" gắn chặt với chủ quyền về đất liền, biển, đảo, trên không và vũ trụ. Do đó, chủ quyền trên không gian mạng là một bộ phận quan trọng của chủ quyền quốc gia và bảo đảm chủ quyền quốc gia trên không gian mạng chính là bảo vệ chủ quyền quốc gia - dân tộc"…
Phát biểu đề dẫn hội thảo, PGS.TS. Phạm Minh Tuấn, Giám đốc - Tổng Biên tập Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật cho rằng, vấn đề chủ quyền quốc gia trên không gian mạng ở Việt Nam những năm gần đây là vấn đề khá mới và đặt ra nhiều thách thức trong lãnh đạo, chỉ đạo và quản lý đất nước. Đây cũng là chủ đề của nhiều công trình nghiên cứu, của các hội thảo khoa học ở các cấp độ khác nhau, của nhiều ngành, lĩnh vực, đặc biệt là của ngành Công an.
Hội thảo khoa học hôm nay là bước tiếp theo của quá trình thực hiện các nhiệm vụ khoa học ở tầm quốc gia nhằm mục đích nghiên cứu một cách cơ bản và toàn diện, làm rõ hơn những khía cạnh của vấn đề bảo vệ chủ quyền quốc gia trên không gian mạng, góp phần xây dựng không gian mạng an toàn ở Việt Nam, trở thành nguồn lực quan trọng cho phát triển kinh tế - xã hội đất nước và bảo vệ vững chắc chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc Việt Nam XHCN.
Dưới sự điều hành của Thứ trưởng Lê Quốc Hùng và Giám đốc-Tổng Biên tập Nhà Xuất bản Chính trị Quốc gia Sự thật Phạm Minh Tuấn, các đại biểu đã tập trung đóng góp nhiều ý kiến chất lượng, thiết thực trong việc hoạch định và thực thi chính sách, pháp luật về bảo vệ chủ quyền quốc gia trên không gian mạng phù hợp với Hiến pháp, pháp luật Việt Nam và pháp luật quốc tế.
Các tham luận trình bày tại Hội thảo rất tâm huyết, sâu sắc đã đề cập tới các khía cạnh như: "Bàn về chủ quyền Quốc gia trên không gian mạng - Những yêu cầu bảo đảm các chỉ số an ninh, an toàn trong bối cảnh hiện nay" của Thượng tướng, PGS.TS Nguyễn Văn Thành, Phó Chủ tịch chuyên trách Hội đồng Lý luận Trung ương. Tham luận "Tác động truyền thông xã hội với chủ quyền Quốc gia trên không gian mạng - Một số kiến nghị, giải pháp" của Trung tướng Nguyễn Minh Chính, Cục trưởng Cục An ninh mạng và Phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao, Bộ Công an. Tham luận "Công tác bảo đảm ANTT trên không gian mạng, ứng dụng mạng xã hội phục vụ công tác phòng, chống tội phạm và phong trào toàn dân bảo vệ An ninh Tổ quốc" của Thiếu tướng Lê Hồng Nam, Giám đốc CATP Hồ Chí Minh...
Tăng cường các giải pháp bảo đảm và đấu tranh phòng, chống tội phạm trên không gian mạng
Phát biểu tại Hội thảo, Trưởng Ban Nội chính Trung ương Phan Đình Trạc đánh giá, bảo vệ chủ quyền Quốc gia trên không gian mạng là lĩnh vực hoàn toàn mới, khó, rất rộng lớn, phức tạp và nhạy cảm. Do đó, Hội thảo rất bổ ích, thiết thực và sau Hội thảo cần có một báo cáo, một quyển sách, hay một bài tổng luận tổng hợp lại tất cả kết quả Hội thảo. Từ tổng hợp này mới xây dựng kế hoạch, phân công trách nhiệm, triển khai tổ chức thực hiện hiệu quả kết quả của Hội thảo, đó mới là kết quả cuối cùng của Hội thảo…
Đồng chí Phan Đình Trạc mong rằng, các nhà khoa học, nhà lý luận, nhà lãnh đạo, nhà hoạt động thực tiễn đi sâu tìm hiểu, phân tích và biên tập. Từ nhận thức đó mới xây dựng, hoàn thiện pháp luật về bảo vệ chủ quyền quốc gia trên không gian mạng; xây dựng các hệ thống, phương châm, nguyên tắc, giải pháp, nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền quốc gia trên không gian mạng…
Phát biểu kết luận Hội thảo, Bộ trưởng Tô Lâm nhấn mạnh, theo báo cáo của Tổ chức Cảnh sát Hình sự quốc tế, tội phạm sử dụng công nghệ cao đứng thứ hai trong các loại tội phạm nguy hiểm nhất, sau tội phạm khủng bố và 90% tội phạm truyền thống đã chuyển sang môi trường mạng hoặc có sử dụng các thiết bị công nghệ cao. Do đó, vấn đề phát triển và làm chủ không gian mạng đã trở thành một trong những nhiệm vụ cấp bách được nhiều quốc gia đặc biệt quan tâm.
Thời gian qua, Đảng và Nhà nước ta đã rất quan tâm ban hành nhiều chủ trương, chính sách và biện pháp nhằm bảo đảm an toàn, an ninh thông tin, góp phần quan trọng bảo vệ chủ quyền quốc gia trên không gian mạng.
Cũng theo Bộ trưởng Tô Lâm: Hiện Việt Nam đang thúc đẩy hình thành hệ sinh thái sản phẩm công nghệ thông tin và an toàn thông tin mạng "Made in Viet Nam". Đây là nỗ lực của Việt Nam trong việc làm chủ công nghệ và kiểm soát chuỗi cung ứng về công nghệ thông tin và an toàn thông tin mạng, hướng tới một môi trường mạng tin cậy hơn. Cùng với đó là sự thành lập và phát triển các cơ quan chuyên trách bảo đảm an ninh thông tin, an ninh không gian mạng Quốc gia trực thuộc Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, Bộ Thông tin và Truyền thông đủ năng lực, sẵn sàng, chủ động đối phó với mọi nguy cơ xảy ra trên không gian mạng...
Thời gian tới, để đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của nhiệm vụ bảo đảm chủ quyền Quốc gia trên không gian mạng, Bộ trưởng Tô Lâm đề nghị lực lượng Công an cần tiếp tục tập trung triển khai có hiệu quả các chủ trương, nghị quyết, chỉ thị của Đảng và Bộ Công an về ứng dụng, phát triển công nghệ thông tin đi đôi với bảo đảm an toàn thông tin, an ninh mạng. Phối hợp với các cơ quan, đơn vị trong và ngoài lực lượng Công an hoàn thiện chính sách, pháp luật và nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước về thông tin, truyền thông và an ninh mạng.
Bộ trưởng Tô Lâm nhấn mạnh: Tiếp tục tăng cường thực hiện các giải pháp bảo đảm an ninh mạng và đấu tranh phòng, chống tội phạm trên không gian mạng. Triển khai đồng bộ các giải pháp để bảo đảm an ninh mạng cho hệ thống thông tin quan trọng về an ninh quốc gia; phát hiện, đấu tranh ngăn chặn sớm hoạt động tấn công mạng, gián điệp mạng, âm mưu, hoạt động chống phá của các thế lực thù địch, phản động trên mạng.
Bộ trưởng Tô Lâm yêu cầu nâng cao chất lượng đào tạo về công nghệ thông tin và an ninh mạng tại các cơ sở đào tạo trong CAND, đồng thời đẩy mạnh hợp tác với các quốc gia, các trường đại học, các tập đoàn công nghệ tiên tiến trên thế giới để tiếp thu công nghệ mới và kinh nghiệm bảo đảm an ninh mạng.
Hoàn thiện các chính sách nhằm khuyến khích, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao của ngành trong nghiên cứu khoa học, phát triển và ứng dụng công nghệ thông tin và an ninh mạng... Tăng cường tuyên truyền, phổ biến, nâng cao nhận thức, cảnh giác của người dân trong phòng ngừa tội phạm và vi phạm pháp luật về an ninh mạng...
Tại Hội thảo, Đại tá Nguyễn Ngọc Cương, Phó Cục trưởng Cục An ninh mạng và Phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao đã giới thiệu một số nội dung chủ đạo về cuốn sách "Chủ quyền không gian mạng: Yêu cầu thời đại và nghĩa vụ Quốc gia" của Đại tướng, GS.TS Tô Lâm, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an soạn thảo, được Nhà Xuất bản CAND phát hành tháng 11-2021.