Hội thảo khoa học 'Chiến thắng Đường 9 - Nam Lào 1971: Giá trị lịch sử và hiện thực'

Nhân kỷ niệm 50 năm chiến thắng Đường 9 - Nam Lào (23-3-1971 - 23-3-2021), thực hiện chỉ đạo của Quân ủy Trung ương, ngày 19-3, tại TP Đông Hà, Bộ Quốc phòng phối hợp Tỉnh ủy Quảng Trị tổ chức Hội thảo khoa học cấp bộ 'Chiến thắng Đường 9 - Nam Lào 1971: Giá trị lịch sử và hiện thực'.

Hội thảo "Chiến thắng Đường 9 - Nam Lào 1971: Giá trị lịch sử và hiện thực" được tổ chức tại Quảng Trị ngày 19-3.

Hội thảo "Chiến thắng Đường 9 - Nam Lào 1971: Giá trị lịch sử và hiện thực" được tổ chức tại Quảng Trị ngày 19-3.

Nhân kỷ niệm 50 năm chiến thắng Đường 9 - Nam Lào (23-3-1971 - 23-3-2021), thực hiện chỉ đạo của Quân ủy Trung ương, ngày 19-3, tại TP Đông Hà, Bộ Quốc phòng phối hợp Tỉnh ủy Quảng Trị tổ chức Hội thảo khoa học cấp bộ “Chiến thắng Đường 9 - Nam Lào 1971: Giá trị lịch sử và hiện thực”.

Dự hội thảo có các Ủy viên T.Ư Đảng: Thượng tướng Nguyễn Tân Cương, Thứ trưởng Quốc phòng, Trưởng Ban Chỉ đạo hội thảo; Lê Quang Tùng, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Trị, đồng Trưởng Ban Chỉ đạo hội thảo; Thượng tướng Trần Quang Phương, Phó Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị; Trung tướng Nguyễn Doãn Anh, Tư lệnh Quân khu IV; Đoàn Minh Huấn, Tổng Biên tập Tạp chí Cộng sản; cùng với sự tham dự của nguyên lãnh đạo các bộ, ngành Trung ương và tỉnh Quảng Trị, lãnh đạo các tỉnh thuộc Khu IV cũ, các tướng lĩnh, nhân chứng lịch sử từng tham gia chiến dịch.

Phát biểu khai mạc hội thảo, Thượng tướng Nguyễn Tân Cương, Thứ trưởng Quốc phòng nêu rõ, cách đây 50 năm, dưới sự lãnh đạo của Đảng, quân và dân ta tiến hành chiến dịch Đường 9 - Nam Lào giành thắng lợi vang dội, đập tan cuộc hành quân có tên gọi Lam Sơn 719 của Mỹ và quân đội Sài Gòn nhằm tập trung vào khu vực Đường 9 - Nam Lào, hòng kiểm duyệt toàn bộ chiến lược “Việt Nam hóa chiến tranh” sau hai năm chính quyền Sài Gòn đẩy mạnh xây dựng quân đội về chất lượng và số lượng.

Chiến thắng Đường 9 - Nam Lào 1971 là một sự kiện quan trọng của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, có ý nghĩa chiến lược to lớn, đánh bại cuộc thử nghiệm khả năng chiến đấu của quân đội chính quyền Sài Gòn, phá tan mưu đồ của chúng là ngăn chặn tuyến chi viện chiến lược của hậu phương lớn miền bắc cho chiến trường miền nam thông qua Đường Trường Sơn - Hồ Chí Minh. Trải qua hơn 50 ngày đêm liên tục tiến công, quân và dân ta trên mặt trận Đường 9 - Nam Lào đánh cho quân đội chính quyền Sài Gòn - công cụ nòng cốt thực hiện chiến lược “Việt Nam hóa chiến tranh” một đòn chí mạng. Quân ta đã tiêu diệt hai lữ đoàn, một trung đoàn bộ binh, tám tiểu đoàn pháo binh, bốn thiết đoàn xe tăng, thiết giáp, đánh thiệt hại nặng một số lữ đoàn, trung đoàn khác, loại khỏi chiến đấu hơn 21 nghìn quân, bắn rơi và phá hủy 556 máy bay, 528 xe tăng, xe bọc thép, 112 khẩu pháo, cối…

Hội thảo đã nhận được hơn 80 tham luận của các đồng chí lãnh đạo Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng, Tổng cục Chính trị, Bộ Tổng Tham mưu, các địa phương, quân khu, quân đoàn, quân chủng, binh chủng, các học viện, viện nghiên cứu, các nhà khoa học; nhân chứng lịch sử đã trực tiếp chiến đấu và chỉ huy chiến đấu trong Chiến dịch Đường 9 - Nam Lào 1971 đã tập trung đi sâu nghiên cứu, phân tích, làm rõ bối cảnh tình hình, âm mưu, thủ đoạn của đế quốc Mỹ và chính quyền Sài Gòn thực hiện chiến lược “Việt Nam hóa chiến tranh”. Qua đó, khẳng định tầm nhìn, chiến lược, chủ trương đúng đắn và sự lãnh đạo sáng suốt của Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Quân ủy Trung ương; sự chỉ đạo, chỉ huy, điều hành chiến dịch xuất sắc của các cơ quan tham mưu chiến lược thuộc Bộ Quốc phòng.

Hai nhân chứng tiêu biểu của chiến thắng Đường 9 - Nam Lào, Trung tướng, Anh hùng Lực lượng vũ trang Khuất Duy Tiến, 91 tuổi và Nguyên Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị Nguyễn Minh Kỳ, 75 tuổi.

Hai nhân chứng tiêu biểu của chiến thắng Đường 9 - Nam Lào, Trung tướng, Anh hùng Lực lượng vũ trang Khuất Duy Tiến, 91 tuổi và Nguyên Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị Nguyễn Minh Kỳ, 75 tuổi.

Kế thừa các kết quả nghiên cứu trước đây về sự kiện chiến thắng Đường 9 - Nam Lào 1971, các tham luận tại hội thảo đề cập đến nhiều khía cạnh khác nhau, khái quát, đúc rút những kinh nghiệm và bài học lịch sử có giá trị lý luận và thực tiễn sâu sắc về sự lãnh đạo, chỉ đạo của Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Quân ủy Trung ương và Bộ Quốc phòng; về phát huy sức mạnh đại đoàn kết dân tộc và đoàn kết quốc tế; về bước phát triển khoa học nghệ thuật quân sự Việt Nam và đã tập trung làm rõ các vấn đề cơ bản:

Chiến thắng Đường 9 - Nam Lào 1971 là một thành công xuất sắc trong lãnh đạo, điều hành cuộc chiến tranh cách mạng của T.Ư Đảng, Bộ Chính trị, thể hiện trong việc quyết định mở chiến dịch phản công kịp thời giành thắng lợi to lớn. Chiến thắng còn thể hiện tinh thần quyết chiến, quyết thắng của quân và dân ta. Để kịp thời động viên bộ đội, sát ngày mở chiến dịch, Bộ Chính trị gửi một bức thư, nhấn mạnh: “Nhất thiết đánh thắng trận này, dù có phải động viên sức người, sức của và sự hy sinh như thế nào vì đây là một trong những trận đánh quyết định về chiến lược”. Bức thư gửi đến làm cho tinh thần cán bộ, đảng viên, chiến sĩ và nhân dân phấn chấn, tin tưởng vào thắng lợi của chiến dịch. Chiến thắng Đường 9 - Nam Lào đã đánh bại một bước cơ bản chiến lược “Việt Nam hóa chiến tranh” của Mỹ. Vì cuộc hành quân “Lam Sơn 719” là cố gắng cao nhất của đế quốc Mỹ và quân đội Sài Gòn trong nỗ lực thực hiện chiến lược “Việt Nam hóa chiến tranh”.

Công thức điển hình của đế quốc Mỹ hòng để giành chiến thắng trong chiến lược này là quân đội Sài Gòn-cố vấn Mỹ-hỏa lực và hậu cần Mỹ. Tuy nhiên, cố gắng của đối phương càng cao thì càng thất bại nặng nề. Chiến thắng Đường 9 - Nam Lào đánh dấu bước phát triển về nghệ thuật chỉ đạo chiến dịch trong cuộc kháng chiến chống đế quốc Mỹ, cứu nước; đánh dấu bước trưởng thành vượt bậc của bộ đội ta về trình độ tác chiến trập trung hiệp đồng binh chủng, mở ra điều kiện đánh tiêu diệt lớn trên chiến trường miền nam. Chiến thắng này còn là biểu hiện sinh động liên minh đoàn kết chiến đấu đặc biệt giữa quân đội nhân dân hai nước Việt Nam - Lào. Đảng, chính phủ và quân đội nhân dân giữa hai nước thường xuyên củng cố, tăng cường và làm sâu sắc mối quan hệ đoàn kết, cùng nhau chiến đấu giành độc lập, tiến tới xây dựng đất nước vững mạnh mọi mặt.

Nhận định tầm vóc của chiến thắng Đường 9 - Nam Lào, Ủy viên T.Ư Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Trị Lê Quang Tùng nhấn mạnh: Ý nghĩa của chiến thắng luôn in đậm trong lòng người dân Quảng Trị, nhân dân cả nước và bạn bè quốc tế. Hội thảo được tổ chức tại Quảng Trị là một trong những hoạt động có ý nghĩa thiết thực kỷ niệm 50 năm chiến thắng Chiến dịch Đường 9 - Nam Lào; là dịp để toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta ôn lại truyền thống đấu tranh anh hùng, bất khuất của dân tộc, góp phần hun đúc tinh thần yêu nước, ý chí tự lực, tự cường cho thế hệ trẻ Việt Nam hôm nay và mai sau. Kết quả của hội thảo sẽ góp phần vào thực hiện thắng lợi sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam trong tình hình mới

Phát huy truyền thống anh hùng, tỉnh Quảng Trị đã biến những bất lợi, khắc nghiệt của thiên nhiên thành tiềm năng, thế mạnh trong phát triển kinh tế, xã hội. Đường 9 năm xưa chiến công lẫy lừng nay trở thành hành lang kinh tế nối Lào - Thái Lan và Myanmar, nối đôi bờ Thái Bình Dương với Ấn Độ Dương, với điểm khởi đầu phía Thái Bình Dương là cảng biển Cửa Việt, cảng biển Mỹ Thủy trên đất Quảng Trị. Đường 9 là con đường kết nối thúc đẩy sự thịnh vượng của các quốc gia trong khu vực.

Đặc biệt, ngành Công nghiệp năng lượng có sự phát triển vượt bậc. Dọc tuyến Đường 9 nay là địa bàn các huyện: Cam Lộ, Đakrông, Hướng Hóa đã mở ra cho Quảng Trị ngành công nghiệp năng lượng phát triển mạnh, với tổng công suất phát điện cuối nhiệm kỳ 2015 - 2020 đạt 377MW, tăng gấp 3,7 lần so với đầu nhiệm kỳ, đến cuối năm 2021 phấn đấu đạt hơn 1.000MW. Lợi thế của Đường 9 đã sớm được Chính phủ Việt Nam, Lào và các nước tiểu vùng sông Mê Kông phát huy phục vụ mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội.

LÂM QUANG HUY

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.com.vn/tin-tuc-su-kien/hoi-thao-khoa-hoc-chien-thang-duong-9-nam-lao-1971-gia-tri-lich-su-va-hien-thuc-639074/