Hội thảo khoa học góp ý dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi)
Ngày 14/3, Viện Hàn lâm khoa học xã hội Việt Nam tổ chức Hội thảo khoa học góp ý dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) với hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến. Hội thảo do ông Phan Chí Hiếu, Chủ tịch; ông Nguyễn Đức Minh, Phó Chủ tịch và bà Phạm Thị Thúy Nga, Phó Viện trưởng phụ trách Viện Nhà nước và pháp luật điều hành.
Đến dự Hội thảo có Thứ trưởng Bộ Tư pháp Đặng Hoàng Oanh, đại diện một số cơ quan của Đảng, Quốc hội, đại diện một số Bộ, ngành, Viện nghiên cứu, trường đại học ở Hà Nội, các chuyên gia, nhà khoa học…
Phát biểu khai mạc, Chủ tịch Viện Hàn lâm khoa học xã hội Việt Nam Phan Chí Hiếu nêu rõ: Hội thảo là diễn đàn trao đổi để các nhà khoa học trong Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam và các chuyên gia đưa ra ý kiến, quan điểm góp ý hoàn thiện dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi), cung cấp luận cứ khoa học để Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam chắt lọc, xây dựng Báo cáo góp ý dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) đáp ứng yêu cầu khắc phục những hạn chế của Luật, giải quyết vướng mắc trong thực tiễn thực hiện Luật, góp phần đổi mới quản lý và sử dụng đất, khai thác có hiệu quả nguồn lực đất đai, tạo động lực phát triển kinh tế, xã hội, an ninh, quốc phòng.
Hội thảo sẽ tập trung vào các nội dung chính bao gồm: Phạm vi điều chỉnh; giải thích từ ngữ; đánh giá mức độ thể chế hóa Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII và Nghị quyết số 18-NQ/TW trong Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi); yêu cầu bảo đảm tính thống nhất, tính khả thi của dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi); nội dung quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; việc cho phép chuyển nhượng, thế chấp quyền thuê trong hợp đồng thuê đất trả tiền hàng năm; chế độ sử dụng đất đa mục đích, đất xây dựng công trình ngầm, trên không; nguyên tắc xác định giá đất, bảng giá đất, giá đất cụ thể.
Tại Hội thảo, PGS.TS Phạm Hữu Nghị, nguyên Tổng biên tập Tạp chí Nhà nước và Pháp luật đã đưa ra nhận xét, đánh giá mức độ thể chế hóa Nghị quyết Đại hội XIII và Nghị quyết 18-NQ/TW trong Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) về một số quan điểm, nhiệm vụ, giải pháp bao gồm: Đất đai thuộc sở hữu toàn dân do Nhà nước là đại diện chủ sở hữu và thống nhất quản lý; quyền sử dụng đất là một loại tài sản và hàng hóa đặc biệt nhưng không phải là quyền sở hữu, quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất được pháp luật bảo hộ; đổi mới và nâng cao chất lượng quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; hoàn thiện quy định về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, thu hồi đất vì mục đích quốc phòng, an ninh, phát triển kinh tế-xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng…
Đánh giá về tính đầy đủ của dự thảo Luật, GS.TS Lê Hồng Hạnh, Viện trưởng Viện Pháp luật và Kinh tế ASEAN cho rằng dự thảo Luật đã cơ bản bao quát được đầy đủ các quan hệ đất đai. Tuy nhiên, dự thảo Luật còn chưa có tính đồng bộ với hệ thống pháp luật, ví dụ như Luật Quy hoạch, Luật Kinh doanh bất động sản, Bộ luật Dân sự; nội hàm dự thảo Luật còn nhiều quy định chồng chéo.
Ngoài ra, GS.TS Lê Hồng Hạnh cũng chỉ ra một số quy định của dự thảo Luật còn thiếu tính khả thi (như vấn đề sở hữu toàn dân về đất đai); tính phù hợp cũng chưa đủ (vấn đề lợi ích công cộng, lợi ích an ninh quốc phòng chưa rõ); thiếu tính logic và chưa phù hợp với pháp luật Việt Nam và pháp luật quốc tế về ngoại giao và lãnh sự (dự thảo quy định một loại chủ thể mới là “tổ chức nước ngoài có chức năng ngoại giao”); thiếu tính thân thiện vì nhiều quy định khó xác định nội hàm, có thể hiểu khác nhau theo nhận thức, trình độ của người đọc.
Góp ý một số nội dung cụ thể, đại diện Viện Nghiên cứu phát triển bền vững Vùng cho rằng hiện nay Dự thảo Luật Đất đai đang thiếu các nội dung quy định chi tiết, cụ thể về cơ chế thực thi việc lập, phê duyệt, điều chỉnh quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất. Đặc biệt, dự thảo Luật chưa đưa ra quy định về quy trình, thủ tục, thời gian lập và hoàn thành quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất cho từng loại; chưa quy định cụ thể về thời gian hoàn thành việc phân bổ tiêu chí sử dụng đất từ quy hoạch sử dụng đất cấp trên cho cấp dưới để làm cơ sở lập kế hoạch sử dụng đất cấp dưới. Thiếu các quy định nêu trên, dự thảo Luật sau khi được ban hành sẽ khó đi ngay vào cuộc sống.
Ngoài ra, đại diện Viện này cũng đề nghị dự thảo Luật cần quy định, giải thích rõ thế nào là quy hoạch ngành, lĩnh vực có sử dụng đất để tránh chồng chéo, nhầm lẫn giữa nhiều thuật ngữ về quy hoạch; cần bổ sung quy định về mối quan hệ giữa các loại quy hoạch, xác định nguyên tắc khi có sự mâu thuẫn giữa các loại quy hoạch; đề nghị cân nhắc nội dung “phân bổ chỉ tiêu sử dụng đất đến từng vùng kinh tế-xã hội”; đề nghị bổ sung căn cứ lập quy hoạch cấp tỉnh đó là “khả năng sử dụng đất” của cấp tỉnh để hạn chế tình trạng quy hoạch treo, lãng phí tài nguyên đất...