Hội thảo khoa học 'Phát triển nguồn nhân lực các dân tộc thiểu số ở các tỉnh Tây Bắc đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội'
Ngày 20/12, Tỉnh ủy Lào Cai phối hợp với Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh tổ chức trực tuyến Hội thảo khoa học 'Phát triển nguồn nhân lực các dân tộc thiểu số ở các tỉnh Tây Bắc đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội'.
Chủ trì Hội thảo có PSG.TS Nguyễn Duy Bắc, Phó Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh; PGS, TS Đinh Ngọc Giang, Vụ trưởng Vụ Quản lý khoa học, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh; PGS.TS Nguyễn Vĩnh Thanh, Giám đốc Học viện Chính trị khu vực I; TS Vũ Văn Hậu, Phó Giám đốc Học viện Chính trị khu vực I; đồng chí Giàng Thị Dung, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lào Cai; đồng chí Phạm Toàn Thắng, Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng Ban Tổ chức Tỉnh ủy Lào Cai.
Tham dự hội thảo có đại biểu các tỉnh: Sơn La, Yên Bái, Lai Châu.
Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII đã khẳng định nguồn nhân lực chất lượng cao là một trong những yếu tố quan trọng, mang tính quyết định, then chốt, đột phá để phát triển kinh tế - xã hội của mỗi quốc gia, địa phương. Ở nước ta, nguồn nhân lực dân tộc thiểu số là nhân tố trung tâm có vai trò quyết định đối với sự tăng trưởng và phát triển kinh tế - xã hội. Hiện nay, Tây Bắc vẫn là khu vực có kinh tế chậm phát triển so với cả nước, tỷ lệ hộ nghèo còn cao, nhân lực dân tộc thiểu số có trình độ chuyên môn kỹ thuật thấp, chủ yếu là lao động giản đơn và chưa qua đào tạo, tập trung trong lĩnh vực nông nghiệp, khả năng thích ứng môi trường mới còn hạn chế… Trong thời đại cách mạng 4.0, khi cơ cấu thị trường lao động, việc làm đang thay đổi mạnh mẽ thì việc phát triển nguồn nhân lực cho các tỉnh Tây Bắc càng trở nên cấp bách.
Phát biểu chào mừng Hội thảo, đồng chí Giàng Thị Dung, Phó Chủ tịch UBND tỉnh cho rằng, kể từ khi tái lập tỉnh (1991) đến nay, công tác đào tạo nâng cao chất lượng nguồn nhân lực trên địa bàn luôn là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, nhận được sự quan tâm chỉ đạo của các cấp và được cụ thể hóa bằng các nghị quyết chuyên đề, gắn với mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, nên trình độ chuyên môn của nguồn nhân lực địa phương đã được cải thiện đáng kể. Phát triển nguồn nhân lực tại Lào Cai được xác định ngay từ việc phát triển hệ thống đào tạo phổ thông, đây là bước quan trọng để tạo đà cho các bước tiếp theo, do đó hệ thống trường lớp, đội ngũ giáo viên, giảng viên luôn được quan tâm chăm lo. Tỉnh Lào Cai cũng có nhiều giải pháp xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức là người dân tộc thiểu số; công tác giải quyết việc làm cho người lao động được chú trọng; hệ thống trung tâm giới thiệu việc làm từng bước được hình thành, đáp ứng nhu cầu của người lao động và sử dụng lao động....
Trong giai đoạn 2020-2025, Lào Cai chú trọng phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, nhất là nhân lực ngành y tế, giáo dục, du lịch, công nghiệp, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Đặc biệt, địa phương sẽ tập trung phát triển nguồn nhân lực cả về năng lực, thể lực và phẩm chất; chủ động trong công tác đào tạo, gắn với việc chuyển dịch cơ cấu kinh tế với cơ cấu lao động. Tỉnh xây dựng Trường Cao đẳng Lào Cai trở thành trung tâm đào tạo nghề chất lượng cao cho tỉnh và khu vực Tây Bắc…
Tham dự hội thảo, tỉnh Lào Cai tham luận về một số nội dung quan trọng: Phát triển nguồn nhân lực dựa trên tiềm năng, tri thức bản địa của đồng bào dân tộc thiểu số tỉnh Lào Cai; Đánh giá thực thi chính sách hỗ trợ phát triển nguồn nhân lực cho người dân tộc thiểu số tỉnh Lào Cai; Vai trò của Hội đồng nhân dân trong phát triển nguồn nhân lực cho đồng bào dân tộc thiểu số...
Đại biểu tại các điểm cầu trực tuyến cũng chia sẻ nhiều vấn đề về lý luận, thực tiễn và kinh nghiệm phát triển nguồn nhân lực nói chung, nguồn nhân lực đồng bào dân tộc thiểu số các tỉnh Tây Bắc nói riêng; đề xuất các giải pháp nâng cao chất lượng nguồn nhân lực đồng bào dân tộc thiểu số đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội thời gian tới.