Hội thảo khoa học 'Phòng ngừa tự thương, tự sát, tự tử ở quân nhân trong Quân đội nhân dân Việt Nam'
Ngày 9-7, tại Học viện Chính trị, Ban đề tài khoa học cấp Bộ Quốc phòng tổ chức Hội thảo khoa học 'Phòng ngừa tự thương, tự sát, tự tử ở quân nhân trong Quân đội nhân dân Việt Nam'. Thiếu tướng Vũ Đức Long, Phó chính ủy Học viện Chính trị, Chủ nhiệm đề tài chủ trì hội thảo.
Trong bối cảnh tình hình thế giới, khu vực diễn biến phức tạp và những áp lực của đời sống hiện đại, việc chăm sóc sức khỏe tinh thần và phòng ngừa các hành vi tiêu cực trong Quân đội trở thành một nhiệm vụ quan trọng, cấp thiết. Hội thảo bản thảo đề tài cấp Bộ Quốc phòng “Phòng ngừa tự thương, tự sát, tự tử ở quân nhân trong Quân đội nhân dân Việt Nam” đã một lần nữa khẳng định tầm quan trọng của công tác này, đồng thời đưa ra những luận cứ khoa học sâu sắc nhằm tìm kiếm giải pháp hiệu quả, góp phần xây dựng Quân đội vững mạnh về mọi mặt.

Thiếu tướng Vũ Đức Long, Phó chính ủy Học viện Chính trị, Chủ nhiệm đề tài kết luận hội thảo.
Hành vi tự thương, tự sát, tự tử không chỉ là một vấn đề xã hội mà còn là mối quan ngại trong môi trường Quân đội. Đây là những hành vi vi phạm nghiêm trọng kỷ luật, gây ảnh hưởng tiêu cực đến bản chất và truyền thống tốt đẹp của Quân đội nhân dân Việt Nam. Thực trạng này không chỉ gây ra sự hoang mang, lo lắng về tư tưởng, tâm lý trong cán bộ, chiến sĩ mà còn trực tiếp làm suy giảm sức mạnh chiến đấu của đơn vị, làm xói mòn lòng tin của nhân dân đối với Quân đội. Đáng báo động hơn, các thế lực thù địch luôn rình rập, sẵn sàng lợi dụng những vụ việc đau lòng này để xuyên tạc bản chất, chức năng, nhiệm vụ của Quân đội, âm mưu chia rẽ mối đoàn kết quân - dân, kích động gây mất ổn định chính trị - xã hội.
Tại hội thảo, các nhà khoa học, các chuyên gia đầu ngành về công tác Đảng, công tác chính trị, tâm lý học quân sự đã tập trung phân tích, làm rõ những kết quả đã đạt được, việc hoàn thiện cấu trúc, làm rõ nội dung từng chương mục, đánh giá tính xác đáng của kết luận và kiến nghị, cũng như bổ sung các nguồn tài liệu tham khảo và phụ lục cần thiết. Trong đó nhấn mạnh, Ban Chủ nhiệm đề tài đã tiến hành một quá trình nghiên cứu sâu rộng, bao gồm việc hoàn thành 18 báo cáo chuyên môn, tổ chức các buổi tọa đàm khoa học, và đặc biệt là các cuộc điều tra xã hội học quy mô lớn tại cả ba miền Bắc, Trung, Nam. Đối tượng khảo sát đa dạng, từ cán bộ chỉ huy, quản lý đến sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, hạ sĩ quan và binh sĩ thuộc nhiều quân khu, quân đoàn, quân, binh chủng và các học viện, nhà trường.

Đại biểu tham luận tại hội thảo.
Kết quả của quá trình lao động khoa học miệt mài là bộ sản phẩm nghiên cứu công phu, bao gồm: 1 báo cáo tổng hợp kết quả nghiên cứu dày 208 trang, được cấu trúc chặt chẽ với 3 chương, 6 tiết, tham khảo 68 tài liệu tiếng Việt và 30 tài liệu tiếng nước ngoài. Các báo cáo chuyên đề về tóm tắt kết quả, vận dụng vào thực tiễn, báo cáo kiến nghị và báo cáo kết quả điều tra, khảo sát.
Đặc biệt, có 13 bài báo khoa học liên quan đến kết quả nghiên cứu được công bố trên các tạp chí uy tín. Nội dung cốt lõi của đề tài tập trung vào 3 vấn đề chính: Làm rõ cơ sở lý luận; đánh giá đúng thực trạng và rút ra 4 bài học kinh nghiệm quý báu; dự báo 6 yếu tố tác động, đề xuất 5 yêu cầu và 3 nhóm giải pháp mang tính đột phá để phòng ngừa hiệu quả trong thời gian tới.

Các đại biểu tham dự hội thảo.
Phát biểu kết luận hội thảo, Thiếu tướng Vũ Đức Long, Phó chính ủy Học viện Chính trị khẳng định, kết quả của hội thảo là những tư liệu quý để Ban chủ nhiệm đề tài tiếp thu, tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện cơ sở lý luận, thực tiễn của đề tài; là cơ sở để Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng và chỉ huy các cấp hoạch định chủ trương, chính sách và triển khai các biện pháp thiết thực.
Việc bảo vệ sức khỏe tinh thần cho quân nhân, xây dựng một môi trường văn hóa quân sự lành mạnh, quan tâm sâu sát đến đời sống, tư tưởng, tình cảm của bộ đội chính là đang trực tiếp củng cố và nâng cao sức mạnh chính trị - tinh thần, bảo vệ, lan tỏa hình ảnh Bộ đội Cụ Hồ, từ đó nâng cao sức mạnh chiến đấu tổng hợp của toàn quân, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới. Thành công của đề tài sẽ là một đóng góp quan trọng, thiết thực vào sự nghiệp cao cả này.