Hội thảo khoa học quốc gia 'Công nghệ tài chính và Tiền kỹ thuật số tại VN'
Hội thảo là diễn đàn để các nhà khoa học, học giả, chuyên gia, nhà quản lý trao đổi học thuật, chia sẻ cơ sở lý luận, thực tiễn về Fintech và tiền kĩ thuật số.
Ngày 22 tháng 8 năm 2023, Trường Đại học Hòa Bình chủ trì tổ chức Hội thảo khoa học Quốc gia “Công nghệ tài chính (Fintech) và Tiền kỹ thuật số (Digital currency) tại Việt Nam” tại Trường Đại học Hòa Bình, số 8, Bùi Xuân Phái, Mỹ Đình, Hà Nội.
Cách mạng công nghiệp 4.0 diễn ra mạnh mẽ và tạo những biến chuyển trên nhiều lĩnh vực xã hội. Đối với lĩnh vực tài chính, Cách mạng công nghiệp 4.0 tác động rõ rệt, thể hiện ở sự xuất hiện của Công nghệ tài chính (Fintech).
Fintech đã và đang làm thay đổi cách thức và tiếp cận tới nhiều loại hình dịch vụ tài chính, góp phần thu hẹp khoảng cách giữa các tầng lớp xã hội.
Nói cách khác, Fintech không chỉ đơn thuần làm thay đổi bộ mặt của hệ thống ngân hàng - tài chính truyền thống, mà hơn thế, Fintech còn giữ vai trò quan trọng trong việc phổ cập tài chính toàn diện tới người dân, qua đó, thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội.
Bên cạnh đó, sự phát triển nhanh chóng của các loại tiền kĩ thuật số, tài sản số, nhất là, những tài sản dựa trên công nghệ chuỗi khối (Blockchain) và sự mở rộng đáng chú ý của các mô hình kinh doanh mới đang đặt ra những vấn đề chưa từng có đối với các tiêu chuẩn, quy định về tài sản, tiền kĩ thuật số, thị trường tài chính, thuế và yêu cầu quản lý dành cho các nhà hoạch định chính sách của nhiều quốc gia... và đang trở thành xu thế lập pháp toàn cầu.
Tại Việt Nam, Fintech, tiền kỹ thuật số là một lĩnh vực tương đối mới, nhưng đã thu hút được sự chú ý của Chính phủ cũng như cộng đồng doanh nghiệp, nhà đầu tư, người dân do những tác động to lớn (cả tích cực cũng như tiêu cực) của Fintech và tiền kĩ thuật số đến xã hội, nền kinh tế, hệ thống tài chính, cộng đồng và đời sống nhân dân, cũng như tiềm năng và xu hướng phát triển mạnh của Fintech, thị trường tiền kĩ thuật số trong tương lai.
Nhằm mục đích tạo ra diễn đàn để các nhà khoa học, các học giả, các chuyên gia, các nhà quản lý và những người quan tâm trao đổi học thuật, giao lưu, chia sẻ cơ sở lý luận và thực tiễn về Fintech và tiền kĩ thuật số; thực trạng, xu hướng áp dụng và phát triển Fintech, tiền kĩ thuật số trên thế giới và Việt Nam; qua đó, đề xuất các giải pháp phát triển Fintech, ứng xử hợp lí với tiền kĩ thuật số, phù hợp với chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách và pháp luật của Nhà nước, Trường Đại học Hòa Bình tổ chức Hội thảo khoa học Quốc gia với chủ đề: “Công nghệ tài chính (Fintech) và Tiền kỹ thuật số (Digital currency) tại Việt Nam”.
Tham dự Hội thảo, về phía Trường Đại học Hòa Bình, có sự tham gia của: Nhà giáo Nhân dân, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Tô Ngọc Hưng, Hiệu trưởng Nhà trường; các phó Hiệu trưởng: Giáo sư, Tiến sĩ Đào Văn Đông; Tiến sĩ Đào Hải; các giảng viên, cán bộ phòng, trung tâm, viện và đại diện học viên, sinh viên nhà trường.
Về phía đại biểu ngoài trường, có đại diện lãnh đạo: Cục Phát triển Thị trường và Doanh nghiệp Khoa học công nghệ, Bộ Khoa học và Công nghệ; Vụ Khoa học, Công nghệ và Môi trường - Bộ Giáo dục và Đào tạo; Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam; Hiệp hội các trường đại học, cao đẳng Việt Nam; Viện Chiến lược Ngân hàng Nhà nước; Hội nghiên cứu thị trường liên ngân hàng Việt Nam; Đại diện Lãnh đạo các Nhà trường: Học viện Ngân hàng; Trường Đại học Ngoại thương; Trường Đại học Thương mại; Trường Đại học Ngân hàng Thành phố Hồ Chí Minh; Trường Đại học Chu Văn An; Trường Đại học Đại Nam; Đại diện lãnh đạo các Ngân hàng: BIDV chi nhánh Hà Đông, BIDV chi nhánh Tây Hồ, HDbank chi nhánh Hà Nội; Quỹ Môi trường Việt Nam; Đại diện Lãnh đạo và học viên cao học Học viện Ngân hàng Lào và hơn 50 nhà khoa học đến từ các trường đại học, học viện, viện nghiên cứu.
Phát biểu khai mạc và báo cáo đề dẫn Hội thảo, Nhà giáo Nhân dân, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Tô Ngọc Hưng - Hiệu trưởng Nhà trường, cho biết, Hội thảo đã thu hút được sự quan tâm và nhận được nhiều bài viết tham gia của nhiều nhà khoa học, nhà quản lý và giảng viên của một số trường đại học; lãnh đạo và cán bộ quản lý của một số hiệp hội nghề nghiệp, doanh nghiệp. Trên cơ sở đó, Ban Biên tập đã chọn lọc 30 bài viết về các vấn đề liên quan đến chủ đề Hội thảo.
Hội thảo gồm 2 phiên chuyên đề, trong đó, có 6 bài tham luận, 6 ý kiến phát biểu thảo luận thêm được trình bày trực tiếp tại Hội thảo.
Nhìn chung, các tham luận và ý kiến thảo luận đều đảm bảo đúng trọng tâm của vấn đề và có nội dung, hàm lượng khoa học cao, góp phần quan trọng vào thành công của Hội thảo. Nội dung các tham luận và ý kiến phát biểu thảo luận trực tiếp phản ánh khá toàn diện, sâu sắc về chủ đề Hội thảo.
Phát biểu kết luận Hội thảo, Nhà giáo Nhân dân, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Tô Ngọc Hưng ghi nhận và đánh giá cao các ý kiến tham luận, đánh giá, thảo luận sôi nổi của các đại biểu.
Đây là những ý kiến tâm huyết, có giá trị lý luận và thực tiễn cao, được đúc rút ra từ nhiều nghiên cứu khoa học và thực tiễn phong phú từ các đại biểu, chuyên gia, giảng viên, nhà khoa học; qua đó, đã làm rõ hơn cơ sở lý luận và thực tiễn về Fintech và tiền kĩ thuật số; thực trạng, xu hướng áp dụng và phát triển Fintech, tiền kĩ thuật số trên thế giới và Việt Nam; qua đó, đề xuất các giải pháp phát triển Fintech, ứng xử hợp lí với tiền kĩ thuật số, phù hợp với chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách và pháp luật của Nhà nước.
Hội thảo “Công nghệ tài chính (Fintech) và Tiền kỹ thuật số (Digital currency) tại Việt Nam” thành công tốt đẹp, tạo nên dấu ấn nổi bật trong hoạt động đào tạo và nghiên cứu khoa học cho nhà trường.