Hội thảo khoa học quốc gia kỷ niệm 50 năm thống nhất
Sự kiện do hai trường đại học đại diện hai miền Nam – Bắc tổ chức, nhằm nhìn lại hành trình lịch sử và thảo luận các định hướng mới.

Đại biểu tham dự hội thảo. Ảnh: HCMUSSH.
Nhân dịp kỷ niệm 50 năm ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2025), Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia TPHCM) phối hợp Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia Hà Nội) tổ chức hội thảo khoa học cấp quốc gia.
Hội thảo với chủ đề “50 năm thống nhất đất nước – Hành trình hướng tới kỷ nguyên mới của dân tộc” đánh dấu lần đầu tiên hai cơ sở đào tạo hàng đầu về khoa học xã hội và nhân văn của hai miền Nam – Bắc cùng tổ chức một sự kiện học thuật quy mô quốc gia. Sự kiện không chỉ có giá trị nghiên cứu mà còn thể hiện tinh thần hòa hợp dân tộc, hướng đến phát triển bền vững.
Phát biểu tại hội thảo, Giáo sư, Tiến sĩ Ngô Thị Phương Lan - Hiệu trưởng Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia TPHCM), khẳng định vai trò của giáo dục nhân văn trong quá trình đổi mới và hội nhập quốc gia.

Giáo sư, Tiến sĩ Ngô Thị Phương Lan - Hiệu trưởng Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia TPHCM). Ảnh: HCMUSSH.
"50 năm thống nhất không chỉ là một dấu mốc thời gian, mà là hành trình dài của đổi mới, hội nhập và phát triển. Trong hành trình đó, vai trò của giáo dục, đặc biệt là giáo dục khoa học xã hội và nhân văn, là nền tảng bền vững để bồi đắp bản lĩnh văn hóa, tinh thần trách nhiệm và khát vọng phát triển của thế hệ trẻ", GS Lan cho hay.
Giáo sư, Tiến sĩ Hoàng Anh Tuấn - Hiệu trưởng Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia Hà Nội) cũng nhấn mạnh giáo dục và tri thức là cầu nối đưa đất nước bước vào kỷ nguyên mới.

Giáo sư, Tiến sĩ Hoàng Anh Tuấn - Hiệu trưởng Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia Hà Nội). Ảnh: HCMUSSH.
"Nếu lịch sử đã nối liền hai miền đất nước bằng chiến thắng 30/4, thì hôm nay, giáo dục và tri thức sẽ tiếp tục là chiếc cầu nối vững chắc, đưa dân tộc bước vào kỷ nguyên mới bằng nhân văn, bằng khoa học và bằng đồng lòng dân tộc", GS Tuấn nói.
Hội thảo thu hút hơn 300 đại biểu, tiếp nhận 130 tham luận từ các học giả trên cả nước. Các nội dung tập trung làm rõ ý nghĩa lịch sử của chiến thắng 30/4 đối với sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước, tổng kết thành tựu và bài học kinh nghiệm trong xây dựng và phát triển kinh tế - xã hội 50 năm sau thống nhất và đề xuất chiến lược phát triển đất nước trong bối cảnh hiện nay.

Đông đảo chuyên gia, nhà khoa học, cán bộ quản lý, nhà giáo và người học tham dự hội thảo. Ảnh: HCMUSSH.