Hội thảo khoa học quốc gia về 50 năm nền văn học, nghệ thuật Việt Nam sau ngày thống nhất đất nước

Chiều 18/4, tại Hà Nội đã diễn ra Hội thảo khoa học quốc gia '50 năm nền văn học, nghệ thuật (VHNT) Việt Nam sau ngày thống nhất đất nước (30/4/1975 – 30/4/2025) – Những vấn đề đặt ra và định hướng phát triển'.

Hội thảo do Ban Tuyên giáo và Dân vận Trung ương phối hợp với Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam, Liên hiệp các Hội VHNT Việt Nam tổ chức. Đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo và Dân vận Trung ương dự và chủ trì hội thảo.

Phát biểu đề dẫn hội thảo, PGS.TS Nguyễn Duy Bắc, Phó Giám đốc thường trực Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh khẳng định: Nhận thức rõ về vị trí, vai trò đặc biệt của VHNT trong sự nghiệp cách mạng của dân tộc và nhân dân, Đảng Cộng sản Việt Nam luôn quan tâm đến lĩnh vực quan trọng này. Các văn kiện của Đảng qua các kỳ đại hội đều nhấn mạnh vai trò to lớn của VHNT đối với việc xây dựng con người mới, bồi dưỡng tâm hồn, nhân cách, đạo đức xã hội, khơi dậy khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc.

Nghị quyết số 23-NQ/TW ngày 16/6/2008 của Bộ Chính trị (khóa X) về “Tiếp tục xây dựng và phát triển VHNT trong thời kỳ mới” khẳng định: “VHNT là nhu cầu thiết yếu, thể hiện khát vọng chân, thiện, mỹ của con người; là một trong những động lực to lớn trực tiếp góp phần xây dựng nền tảng tinh thần của xã hội và sự phát triển toàn diện của con người Việt Nam”. Đảng ta luôn trân trọng, khuyến khích đội ngũ văn nghệ sĩ sáng tạo, đồng thời đặt yêu cầu cao về tính tư tưởng, tính nhân văn, tính dân tộc và tính nhân loại trong mỗi tác phẩm.

Trưởng Ban Tuyên giáo và Dân vận Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa phát biểu tại hội thảo.

Trưởng Ban Tuyên giáo và Dân vận Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa phát biểu tại hội thảo.

Theo PGS.TS Nguyễn Duy Bắc, 50 năm qua, nền VHNT nước nhà đã kế thừa xứng đáng truyền thống của một nền VHNT “yêu nước và nhân văn, gắn bó máu thịt với nhân dân và dân tộc”; đồng thời, cùng sự tiếp sức mạnh mẽ từ tư tưởng đổi mới, VHNT đã nỗ lực vươn lên, phát triển toàn diện, phản ánh và góp phần hiện thực hóa khát vọng phát triển đất nước. Tuy nhiên, chúng ta cũng phải thẳng thắn nhìn nhận, VHNT sau 50 năm ngày đất nước thống nhất vẫn còn một số hạn chế, đặt ra nhiều vấn đề cấp thiết cho công tác quản lý, sáng tạo, lý luận-phê bình và phổ biến tác phẩm VHNT.

Về nội dung và giá trị tư tưởng, VHNT đương đại vẫn thiếu vắng những tác phẩm có giá trị tư tưởng và nghệ thuật cao, tương xứng với tầm vóc công cuộc đổi mới do Đảng ta khởi xướng, lãnh đạo và chiều sâu văn hóa – lịch sử của dân tộc. Một bộ phận sáng tác còn xa rời hiện thực, chạy theo thị hiếu dễ dãi, thiên về thương mại, giải trí, thiếu bản lĩnh chính trị – tư tưởng.

Đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa và lãnh đạo các đơn vị dự hội thảo.

Đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa và lãnh đạo các đơn vị dự hội thảo.

Về đội ngũ văn nghệ sĩ, hiện nay đang tồn tại khoảng cách thế hệ rõ rệt. Lớp nghệ sĩ có sáng tác từ trước với vốn sống phong phú và chiều sâu tư tưởng đang dần lui vào hậu trường do tuổi tác, sức khỏe; trong khi đó, lực lượng trẻ tuy năng động, sáng tạo, tiếp cận nhanh với cái mới nhưng lại thiếu chiều sâu trải nghiệm và định hướng giá trị vững chắc. Về cơ chế, chính sách phát triển VHNT, thực tiễn cho thấy có độ trễ đáng kể giữa các chủ trương, chính sách và thực tiễn phát triển mạnh mẽ của VHNT. Các quy định, mô hình quản lý truyền thống chưa bắt nhịp được với đặc thù sáng tạo mới, khiến không gian phát triển của VHNT vẫn còn không ít ràng buộc và bị động. Sự thiếu liên kết chặt chẽ giữa các thiết chế văn hóa – giáo dục – truyền thông, nhà nước – xã hội – thị trường và công nghiệp văn hóa đang làm chậm quá trình hình thành một hệ sinh thái sáng tạo VHNT năng động, đa/liên ngành và bắt kịp xu thế thời đại…

PGS.TS Nguyễn Thế Kỷ tham luận tại hội thảo.

PGS.TS Nguyễn Thế Kỷ tham luận tại hội thảo.

Tham luận tại hội thảo, PGS.TS Nguyễn Thế Kỷ, Phó Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương kiêm Trưởng ban Lý luận phê bình văn học nghệ thuật và nhiều đại biểu tập trung phân tích bối cảnh lịch sử, xã hội tác động đến sự phát triển của nền VHNT Việt Nam trong 50 năm qua; đánh giá khách quan, toàn diện thực trạng của VHNT, đề xuất các giải pháp cụ thể, thiết thực để phát triển VHNT Việt Nam trong bối cảnh mới. PGS.TS Lê Thị Ngọc Điệp phân tích sự biến đổi về thị hiếu thẩm mỹ của công chúng và những tác động đối với nền VHNT Việt Nam từ năm 1975 đến nay. Đại tá, TS.NSND Nguyễn Thị Thu Hà phân tích sâu về nghệ thuật múa Việt Nam sau 50 năm thống nhất đất nước, đề xuất nhiều giải pháp phát huy nghệ thuật múa, đặc biệt là múa dân gian dân tộc. PGS.TS Bùi Hoài Sơn chỉ ra nhiều vướng mắc và đề xuất 4 nhóm giải pháp nhằm hoàn thiện chủ trương, chính sách phát triển VHNT phù hợp với đặc thù sáng tạo và yêu cầu của thời đại…

Kết luận hội thảo, Trưởng Ban Tuyên giáo và Dân vận Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa cho biết, hội thảo đã nhận được 138 tham luận đến từ các nhà khoa học, chuyên gia, nhà nghiên cứu, các đồng chí lãnh đạo, quản lý trên lĩnh vực văn hóa, VHNT ở các cơ quan trung ương và địa phương. Nội dung các tham luận đã đề cập, phản ánh nhiều vấn đề, từ bối cảnh lịch sử, văn hóa, đến sự phát triển, kết quả và những đóng góp của nền VHNT Việt Nam 50 năm từ sau ngày thống nhất đất nước; đồng thời nêu những khuyến nghị, giải pháp nhằm tiếp tục xây dựng nền VHNT Việt Nam ngày càng phát triển, góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu trong kỷ nguyên mới - kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam.

Hội thảo có nhiều ý kiến tâm huyết của các chuyên gia, nhà khoa học, nhà nghiên cứu VHNT.

Hội thảo có nhiều ý kiến tâm huyết của các chuyên gia, nhà khoa học, nhà nghiên cứu VHNT.

Đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa yêu cầu, từ kết quả của hội thảo, các cấp, các ngành, địa phương, cơ quan, đơn vị, đội ngũ các nhà nghiên cứu, lý luận, phê bình và văn nghệ sĩ cả nước tiếp tục quan tâm, triển khai đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp đề ra; thực hiện có hiệu quả các nghị quyết, chỉ thị của Đảng, nhất là các nội dung Nghị quyết Đại hội XIV tới đây về văn hóa, VHNT. Các nhà khoa học, chuyên gia, nhà lý luận, phê bình tiếp tục học nghiên cứu, nhận diện đầy đủ hơn nữa quy luật và các xu hướng vận động; đặc biệt đi sâu phân tích những khó khăn, vướng mắc và đề xuất giải pháp, phát huy những kết quả đã đạt được, tiếp tục xây dựng và phát triển nền VHNT Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, thấm nhuần tinh thần dân tộc, dân chủ, nhân văn và khoa học.

“Trong triển khai thực hiện, chúng ta cần nêu cao dũng khí bảo vệ chân lý, bảo vệ cái đúng, cái hay, cái đẹp, kiên quyết đấu tranh, phê phán những biểu hiện lệch lạc, sai trái trong đời sống VHNT. Khẳng định vai trò kết tinh, hội tụ và phát huy mạnh mẽ truyền thống văn hóa, tư tưởng của cha ông; nghiên cứu thấu đáo lý luận văn nghệ mác-xít, tư tưởng Hồ Chí Minh về VHNT, đồng thời tiếp thu hiệu quả tinh hoa lý luận nhân loại trong quá trình xây dựng và hoàn thiện hệ thống lý luận xây văn nghệ và hệ giá trị VHNT Việt Nam”, đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa khẳng định.

Các nhà quản lý, chuyên gia, nhà nghiên cứu, văn nghệ sĩ dự hội thảo.

Các nhà quản lý, chuyên gia, nhà nghiên cứu, văn nghệ sĩ dự hội thảo.

Trưởng Ban Tuyên giáo và Dân vận Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa đề nghị, đội ngũ văn nghệ sĩ và các nhà hoạt động VHNT bám sát hơn nữa, đắm mình vào thực tiễn sinh động của đất nước, phát huy trách nhiệm xã hội, nghĩa vụ công dân, khám phá và sáng tạo, không ngừng mở rộng phạm vi, chiều sâu chiếm lĩnh hiện thực; lý giải và cắt nghĩa sâu sắc những vấn đề mới, quan trọng, phấn đấu sáng tạo nhiều hơn nữa những tác phẩm hấp dẫn, sâu sắc về nội dung tư tưởng, mới mẻ về hình thức.

Các ban, bộ, ngành trung ương và các địa phương tiếp tục quán triệt đầy đủ, sâu sắc và thực hiện hiệu quả các nghị quyết của Đảng về văn hóa, VHNT và những ý kiến chỉ đạo quan trọng của đồng chí Tổng Bí thư Tô Lâm tại Hội nghị gặp mặt đại biểu văn nghệ sĩ toàn quốc, ngày 30/12/2024. Đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao hơn nữa nhận thức về vị trí, vai trò rất quan trọng của VHNT, từ đó nêu cao tinh thần trách nhiệm, có những quyết sách phù hợp, tạo động lực cho đội ngũ văn nghệ sĩ sáng tạo và cống hiến. Trong quá trình thể chế hóa các quan điểm, chủ trương của Đảng thành luật, hệ thống cơ chế, chính sách cần đảm bảo tính đồng bộ, khoa học, sát thực tế; trọng tâm là đảm bảo tự do sáng tạo, cải thiện điều kiện làm nghề, giải phóng và thúc đẩy tiềm năng sáng tạo của đội ngũ văn nghệ sĩ…

Hoa Nguyễn

Nguồn CAND: https://cand.com.vn/chuyen-dong-van-hoa/hoi-thao-khoa-hoc-quoc-gia-ve-50-nam-nen-van-hoc-nghe-thuat-viet-nam-sau-ngay-thong-nhat-dat-nuoc-i765591/