Hội thảo khoa học tại HIU: Tích hợp tinh hoa cổ truyền và y học hiện đại
Tại hội thảo, các giáo sư quốc tế đã cập nhật những thông tin mới về ứng dụng y học cổ truyền trong điều trị chăm sóc sức khỏe mà trên thế giới đang áp dụng.
Trường Đại học Quốc tế Hồng Bàng (HIU) đã tổ chức thành công Hội thảo khoa học “Những nghiên cứu mới trong lĩnh vực Y học cổ truyền kết hợp Y khoa hiện đại thu hút hơn 400 đại biểu, gồm đội ngũ giáo sư, tiến sĩ, bác sĩ chuyên ngành Y học cổ truyền đang công tác tại các bệnh viện lớn, các cơ sở y tế và chuyên gia đến từ nhiều lĩnh vực liên quan như đào tạo, điều trị, châm cứu, dược liệu, xoa bóp, dưỡng sinh… Đặc biệt các giáo sư quốc tế đã cập nhật những thông tin mới mẻ về ứng dụng y học cổ truyền trong điều trị chăm sóc sức khỏe mà trên thế giới đang áp dụng.

Đại biểu tham dự hội thảo là các lãnh đạo, chuyên gia tại các bệnh viện lớn và các cơ quan ban ngành trên toàn quốc.
Hội thảo khoa học này là một minh chứng cho thấy sự kết hợp giữa Y học cổ truyền và Y học hiện đại đang trở thành một xu hướng quan trọng trong chăm sóc sức khỏe. Việc kết hợp này giúp tận dụng được ưu điểm của cả hai hệ thống y học, từ đó cung cấp phương pháp điều trị toàn diện và hiệu quả hơn cho người dân.

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Phạm Huy Hùng, Phó Trưởng Khoa Y, Trường Đại học Quốc tế Hồng Bàng phát biểu khai mạc hội thảo. Thầy có kinh nghiệm hơn 40 năm công tác và đào tạo phát triển ngành Y học cổ truyền kết hợp Y khoa hiện đại.
Theo Giáo sư Fang-Pey Chen – Trưởng khoa Y học cổ truyền Đại học National Yang Ming Chiao Tung, Đài Loan (Trung Quốc) chia sẻ, Y học cổ truyền hay cụ thể là châm cứu có thể kết hợp cùng Y học hiện đại để mang đến những hiệu quả tích cực điều trị trong các trường hợp bệnh nhân bệnh phì đại tuyến tiền liệt lành tính, cải thiện di chứng sau phẫu thuật khối u não, điều trị bệnh lý thần kinh ngoại biên người bệnh ung thư hay hội chứng suy nhược người cao tuổi.

Giáo sư Fang-Pey Chen – Trưởng khoa Y học cổ truyền Đại học National Yang Ming Chiao Tung, Đài Loan (Trung Quốc) chia sẻ tại hội thảo.
Giáo sư Chang-su Na – Giám đốc Trung tâm nghiên cứu y học trọng điểm quốc gia, Đại học Dongshin, Hàn Quốc đã giới thiệu về liệu pháp châm cứu kết hợp laser xâm lấn trong điều trị rối loạn cơ xương khớp - một công nghệ mới đầy tiềm năng và hiệu quả tại Hàn Quốc. Đây là giải pháp hướng đến một hệ thống châm cứu an toàn, hiệu quả và thuận tiện hơn, kim châm cứu sẽ đưa laser trực tiếp vào mô sâu, thậm chí một bác sĩ sẽ có thể nhiều bệnh nhân cùng lúc.
Nhận định về sự phát triển của nền Y học cổ truyền trên thế giới, Thạc sĩ, bác sĩ Lê Minh Luật, Giảng viên khoa Y học cổ truyền, Đại học Y dược Thành phố Hồ Chí Minh cho biết Y học cổ truyền và châm cứu đã lan tỏa đến hơn 196 quốc gia trên toàn thế giới (theo nghiên cứu của WHO - 2019 và các báo cáo thường niên của Hội liên hiệp châm cứu thế giới WFAS).
Đưa Y học cổ truyền trở thành xu hướng chăm sóc sức khỏe - một cách phù hợp, hiệu quả và trên hết là an toàn dựa trên các bằng chứng khoa học mới nhất - có thể giúp thu hẹp khoảng cách tiếp cận cho hàng triệu người trên thế giới.
Rất nhiều nghiên cứu giá trị đã được chia sẻ tại hội nghị như: "Ứng dụng kỹ thuật chuyên sâu Y học cổ truyền - Cấy chỉ PDO" - Thầy thuốc ưu tú, Bác sĩ Chuyên khoa II Đỗ Tân Khoa – Giám đốc Bệnh viện Y học cổ truyền Thành phố Hồ Chí Minh; “Hiệu quả phục hồi của phác đồ phối hợp châm cứu cải tiến - vật lý trị liệu - thuốc Y học cổ truyền trên bệnh nhân thiếu sót vận động sau đột quỵ 3 tháng” - Tiến sĩ, Bác sĩ Nguyễn Văn Tùng, Giảng viên Trường Cao đẳng Y tế Khánh Hòa”; “Vai trò day bấm huyệt trong điều trị các triệu chứng rối loạn hành vi tâm lý ở bệnh nhân Alzheimer’s” - Bác sĩ Chuyên khoa II Đỗ Thanh Liêm, Trưởng khoa Y học cổ truyền Bệnh viện 30/4 Bộ Công an; “Phương pháp cấy chỉ cải tiến trong nâng cơ khắc phục di chứng của liệt 7” - Thạc sĩ, Bác sĩ Bùi Phương Mai, giảng viên Học viện Y dược học cổ truyền Việt Nam.

Thầy thuốc ưu tú, Bác sĩ Chuyên khoa II Đỗ Tân Khoa – Giám đốc Bệnh viện Y học cổ truyền Thành phố Hồ Chí Minh chia sẻ tại hội thảo.
Từ những chia sẻ thực tế về sự kết hợp giữa Y học cổ truyền và Y học hiện đại đang được áp dụng, hay những xu hướng, định hướng của Y học cổ truyền trong tương lai mà các diễn giả trình bày tại chương trình, các bác sĩ, nhà nghiên cứu, giảng viên, sinh viên tham gia có thể cập nhật thêm nhiều kiến thức hữu ích, mở rộng mạng lưới chuyên môn trong lĩnh vực y học.
Hiện nay, tất cả các địa phương tại Việt Nam đều có bệnh viện chuyên khoa Y học cổ truyền và hầu hết các bệnh viện đa khoa, phòng khám Đông y và cơ sở y tế đều kết hợp Y học cổ truyền và Y học hiện đại.
Chính phủ đã ban hành Chương trình phát triển y dược cổ truyền, kết hợp y dược cổ truyền với y dược hiện đại đến năm 2030, với mục tiêu 100% các tỉnh/ thành có bệnh viện đa khoa y dược cổ truyền và 95% bệnh viện hiện đại có khoa Y – Dược cổ truyền.
Nhu cầu chăm sóc sức khỏe bằng Y học cổ truyền kết hợp với Y học hiện đại cho người dân tại Việt Nam và quốc tế rất lớn, vì vậy nhà nước sẽ tập trung hỗ trợ công tác đào tạo nguồn nhân lực Y học cổ truyền cung cấp cho các cơ sở khám chữa bệnh trong toàn quốc, các nước trong khu vực và thế giới.

Sinh viên ngành Y học cổ truyền trong một giờ học thực hành tại HIU.
Chương trình Bác sĩ Y học cổ truyền tại HIU được xây dựng trên cơ sở kết hợp các môn về Y học hiện đại và chương trình học chuyên sâu vào Y học cổ truyền.
Với mạng lưới quan hệ chặt chẽ giữa HIU và các đối tác, sinh viên học tập tại HIU sẽ có cơ hội được thực tập tại các bệnh viện chuyên khoa lớn ở Thành phố Hồ Chí Minh và làm việc tại những bệnh viện Y học cổ truyền, Khoa Y học cổ truyền tại những bệnh viện đa khoa, tỉnh, thành phố lớn hay tuyến quận, huyện, cơ sở y tế… trên cả nước.
Sinh viên của ngành cũng được cung cấp nhiều kỹ năng chăm sóc và điều trị như khám chữa bệnh, kê đơn, bốc thuốc, điện châm, châm cứu, xoa bóp, bấm huyệt… từ đó có thể mở phòng khám và điều trị bệnh tại nhà.
Đặc biệt sinh viên có cơ hội đi trao đổi học tập, nghiên cứu tại các trường đại học quốc tế đào tạo Y học cổ truyền tại Đài Loan, Trung Quốc, Hàn Quốc.
Năm học 2025 - 2026, HIU công bố chính sách ổn định học phí suốt khóa học giúp tân sinh viên yên tâm học tập tại môi trường quốc tế, không lo lắng về tài chính. Bên cạnh đó còn có nhiều học bổng hấp dẫn cho khối ngành Sức khỏe như: Học bổng trị giá 120 triệu đồng/4 năm cho các ngành Y, Răng Hàm Mặt; Học bổng trị giá 60 triệu đồng/6 năm cho ngành Y học cổ truyền. Đặc biệt là 500 suất lap top dành cho sinh viên có thành tích nổi bật trong học tập và hoạt động ở lớp 12.