Hội thảo khoa học 'Thủ tướng Võ Văn Kiệt - Tầm nhìn phát triển bền vững đồng bằng sông Cửu Long, thích ứng biến đổi khí hậu'
ĐTO - Nhằm chào mừng Ngày Khoa học và Công nghệ Việt Nam và trong khuôn khổ các hoạt động kỷ niệm 100 năm Ngày sinh cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt - nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, Cố vấn Ban Chấp hành Trung ương Đảng, ngày 18/5/2022, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật (Liên hiệp Hội) tỉnh Vĩnh Long phối hợp với Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật Vĩnh Long và Câu lạc bộ trí thức tỉnh Vĩnh Long tổ chức hội thảo khoa học “Thủ tướng Võ Văn Kiệt - Tầm nhìn phát triển bền vững đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), thích ứng biến đổi khí hậu”.
Gần 120 đại biểu là các Giáo sư, Phó Giáo sư, Tiến sĩ của các trường đại học, các nhà khoa học, lãnh đạo các sở, ban, ngành tỉnh Vĩnh Long và Liên hiệp Hội các tỉnh ĐBSCL tham dự hội thảo.
Phát biểu đề dẫn hội thảo, NGND.TS Đặng Huỳnh Mai - nguyên Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo - Phó Chủ tịch Liên hiệp Hội Vĩnh Long cho rằng: Cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt đã để lại những dấu ấn khó phai mờ trong lòng người dân Vĩnh Long nói riêng và Nhân dân cả nước nói chung. Dù với con người vùng đất quê hương - ĐBSCL hay với giới trí thức miền Nam, dấu ấn của một vị lãnh đạo được thể hiện rõ hơn bao giờ hết, từ các hoạt động - chương trình đưa khoa học kỹ thuật vào cuộc sống, cho tới đi sâu vào tâm tư, nguyện vọng và đời sống của giới trí thức khoa học.
Hội thảo diễn ra với mục đích tri ân sự cống hiến của cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt đối với dân tộc, với Quốc gia; đặc biệt là đối với vùng ĐBSCL và tỉnh Vĩnh Long; đồng thời tiếp tục tiếp nối thực hiện những quan điểm, tầm nhìn của cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt gắn với thực hiện chỉ đạo của Trung ương, của Bộ Chính trị và Chính phủ về phát triển bền vững ĐBSCL, thích ứng với biến đổi khí hậu, trong giai đoạn tới.
Tại hội thảo, TS. Nguyễn Văn Đúng - nguyên Chủ tịch Liên hiệp Hội tỉnh Đồng Tháp đã phát biểu tham luận với chủ đề “Thủ tướng Võ Văn Kiệt với chương trình khai phá và phát triển Đồng Tháp Mười”. Qua đó khẳng định chủ trương của Trung ương và biện pháp của các địa phương “tiến công vào Đồng Tháp Mười” là sáng suốt, hoàn toàn đúng đắn và đã thành công, tạo được sự chuyển biến vượt bậc, như một cuộc cách mạng mà bao đời nay chưa làm được. Ngoài ra, có nhiều nội dung tham luận xoay quanh kết quả từ tư duy chiến lược về giáo dục của cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt, những thách thức và cơ hội trong sự phát triển “thuận thiên” thích ứng biến đổi khí hậu...
Trong thời đương nhiệm, Thủ tướng Võ Văn Kiệt đã đưa ra những quyết định đúng đắn, đem lại những đóng góp tích cực và to lớn vào các quá trình hoạch định chính sách, kịp thời và tổ chức thực hiện những công trình quan trọng của đất nước như: thủy điện Trị An, chương trình 10 năm đầu tư khai thác vùng Đồng Tháp Mười (1988-1997), vùng Tứ giác Long Xuyên, chương trình thoát lũ biển Tây, ngọt hóa bán đảo Cà Mau, đường dây tải điện 500 KV Bắc - Nam, đường Bắc Thăng Long - Nội Bài, đường Hồ Chí Minh, nhà máy lọc dầu Dung Quất và phát triển ngành dầu khí, viễn thông, hàng không, các tổng công ty lớn của Nhà nước, các đại học Quốc gia, các khu công nghệ cao, Làng văn hóa các dân tộc Việt Nam... đã làm thay đổi diện mạo của đất nước nói chung, ĐBSCL nói riêng.
Và, trong không gian đầy hồi ức về cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt, GSTS. Võ Tòng Xuân đã có những chia sẻ đầy cảm xúc về những ngày được làm việc với cố Thủ tướng, với tầm nhìn trước thời đại về phát triển kinh tế, phát triển nông nghiệp của khu vực ĐBSCL nói riêng và của cả nước nói chung, và đặc biệt là tư duy chiến lược về giáo dục của cố Thủ tướng.
Thủ tướng Võ Văn Kiệt đã sống một cuộc đời tuyệt đẹp với một nhân cách văn hóa của một đời vì Nhân dân, vì nước, vì lý tưởng của Đảng, nhất là việc coi trọng dân, chân thành lắng nghe ý chí và nguyện vọng của dân, khởi động và phát huy đến mức cao nhất sức mạnh của dân mà có được tầm nhìn vượt xa lên phía trước.