Hội thảo khoa học về bố trí bí thư cấp ủy cấp tỉnh, cấp huyện không là người địa phương
Sáng 19-1 tại Hà Nội, Viện Khoa học tổ chức, cán bộ, Ban Tổ chức Trung ương tổ chức Hội thảo khoa học 'Bố trí bí thư cấp ủy cấp tỉnh, cấp huyện không là người địa phương - Kinh nghiệm và giải pháp'. Đồng chí Lê Minh Thông, nguyên Trợ lý Chủ tịch Quốc hội và đồng chí Lê Việt Trung, Phó Viện trưởng Viện Khoa học tổ chức, cán bộ, Ban Tổ chức Trung ương chủ trì Hội thảo. Tham gia Hội thảo còn có chuyên gia, nhà khoa học, đại diện một số cục, vụ, đơn vị của Ban Tổ chức Trung ương và đại diện ban tổ chức một số tỉnh, như: Thanh Hóa, Lào Cai, Điện Biên…
Phát biểu khai mạc tại Hội thảo, đồng chí Trần Thị Minh, Viện trưởng Viện Khoa học tổ chức, cán bộ, Ban Tổ chức Trung ương (ảnh trên) cho biết, sau khi có Nghị quyết 26, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, các cấp ủy, tổ chức đảng đã quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện và bước đầu đạt được nhiều kết quả quan trọng. Đối với cấp ủy cấp huyện, tại đại hội đảng bộ cấp huyện và tương đương nhiệm kỳ 2020-2025, tổng số bí thư cấp ủy cấp huyện được bầu là 1.141 đồng chí, trong đó có 456 đồng chí không phải người địa phương (chiếm 40%). Đến nay, một số địa phương đã hoàn thành việc bố trí bí thư cấp ủy cấp huyện không là người địa phương. Đối với cấp ủy cấp tỉnh, tại đại hội đã bầu được 27 đồng chí bí thư cấp ủy cấp tỉnh không là người địa phương. Sau Đại hội, chủ trương này tiếp tục được Trung ương đẩy mạnh, đến nay cả nước đã bố trí được 35/63 đồng chí bí thư cấp ủy cấp tỉnh không là người địa phương. Tuy nhiên, bên cạnh kết quả đạt được, việc bố trí bí thư cấp ủy không là người địa phương ở một số nơi vẫn còn gặp một số khó khăn, vướng mắc, một số nơi thực hiện còn chậm, chưa đạt mục tiêu đề ra. “Chính vì vậy, Hội thảo có ý nghĩa rất quan trọng. Với quan điểm phải thực sự khách quan, nhìn thẳng vào sự thật, nói rõ sự thật, rất mong các đồng chí lãnh đạo, các chuyên gia, nhà khoa học trao đổi, thảo luận thẳng thắn, sôi nổi, đánh giá một cách toàn điện kết quả thực hiện và những bài học kinh nghiệm quý qua quá trình thực hiện bố trí bí thư cấp ủy cấp tỉnh, cấp huyện không là người địa phương trong thời gian qua. Đồng thời, tiếp tục đề xuất các giải pháp khả thi, hiệu quả để lãnh đạo, chỉ đạo công tác này trong thời gian tới”, đồng chí Trần Thị Minh nhấn mạnh.
Phát biểu đề dẫn tại Hội thảo, đồng chí Lê Việt Trung, Phó Viện trưởng Viện Khoa học tổ chức, cán bộ, Ban Tổ chức Trung ương cho biết, việc nghiên cứu một cách sâu sắc, toàn diện về chủ trương bố trí bí thư cấp ủy cấp tỉnh, cấp huyện không là người địa phương đòi hỏi phải có được những góc nhìn đa chiều, xem xét, cân nhắc kỹ dưới cả góc độ khoa học và thực tiễn. Ban Chủ nhiệm đề tài rất mong các đồng chí tập trung thảo luận, trao đổi vào 4 vấn đề. Thứ nhất là những ưu, nhược điểm, những thuận lợi và khó khăn khi thực hiện chủ trương bố trí bí thư cấp ủy cấp tỉnh, cấp huyện không là người địa phương. Thứ hai là những kết quả đạt được, các hạn chế và nguyên nhân. Thứ ba là những bài học thực tiễn được rút ra trong quá trình thực hiện chủ chương bố trí bí thư cấp ủy cấp tỉnh, cấp huyện không là người địa phương. Thứ tư là những vấn đề đặt ra và các giải pháp, kiến nghị, đề xuất nhằm thực hiện hiệu quả chủ trương này trong giai đoạn tới.
Tại Hội thảo các đại biểu đã nghe 12 ý kiến phát biểu hết sức cô đọng, trách nhiệm, tâm huyết, trong đó có những vấn đề mang tính lý luận và thực tiễn. Các đại biểu đã đưa ra những thực trạng của việc bố trí bí thư cấp ủy cấp tỉnh, cấp huyện không là người địa phương ở một số địa phương, trong đó các đại biểu đã nêu ra những kinh nghiệm và giải pháp hết sức quý báu.
Phát biểu kết luận tại Hội thảo, đồng chí Lê Minh Thông, nguyên Trợ lý Chủ tịch Quốc hội nhận định, các ý kiến phát biểu tại Hội thảo đã làm rõ vấn đề lý luận chứ không phải là báo cáo tổng kết và những ý kiến phát biểu của địa phương là những ví dụ sinh động cho việc bố trí bí thư cấp ủy cấp tỉnh, cấp huyện không là người địa phương. Đồng chí cũng nhấn mạnh, cơ sở lý luận cần phải phát triển để phù hợp với việc bố trí cán bộ trong điều kiện hiện nay và cho tương lai. Đây là chủ trương nhất quán không phải tình huống để xử lý vấn đề, bởi vậy phải làm một cách bài bản, cho tầm nhìn tới từ quá khứ đến hiện tại.
Đồng chí Lê Minh Thông cũng nhấn mạnh, chúng ta phải làm rõ một số phạm trù, như: bố trí, luân chuyển, quy hoạch, chế độ chính sách và mối quan hệ giữa các phạm trù để thấy chính yếu của từng việc, chứ không thể gộp bố trí với luân chuyển một cách cơ học. Việc bố trí bí thư cấp ủy cấp tỉnh, cấp huyện không là người địa phương là phương thức để kiểm soát quyền lực. Tuy nhiên trong cách bố trí cán bộ cũng nên đưa vào cách tiếp cận mới để tạo đột phá. “Lý luận nên khai thác sâu về kiểm soát quyền lực và phát huy được tầm nhìn mới, cách làm mới. Nên khai thác sâu để nâng tầm lý luận và tính linh hoạt phải được phát triển”, đồng chí Lê Minh Thông lưu ý.