Hội thảo khoa học xây dựng tập tình huống lãnh đạo quản lý
Ngày 14-4, Trường Chính trị tỉnh tổ chức Hội thảo khoa học cấp tỉnh về xây dựng tập tình huống lãnh đạo, quản lý và phương án xử lý tình huống cho cán bộ lãnh đạo, quản lý xã, phường, thị trấn.
Dự hội thảo có Phó Giáo sư, Tiến sỹ Lê Văn Trung, Tổng Biên tập Tạp chí Pháp luật về quyền con người, Viện Quyền con người, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh; lãnh đạo một số ban Đảng Tỉnh ủy và lãnh đạo các huyện ủy, thành ủy.
Cấp cơ sở (xã, phường, thị trấn) là nơi trực tiếp thực hiện các mục tiêu nhiệm vụ của hệ thống lãnh đạo, quản lý, là nơi người dân sinh sống và làm việc. Do đó hoạt động diễn ra ở cơ sở vô cùng đa dạng, phong phú. Xử lý tình huống lãnh đạo, quản lý ở cơ sở góp phần tạo nên sự thống nhất về tư tưởng, chính trị, sự đoàn kết thống nhất của Đảng, sự đồng thuận trong nhân dân, tăng cường khối đoàn kết toàn dân. Khi những tình huống được xử lý hợp tình, hợp lý những mâu thuẫn trong tình huống được giải tỏa nhân dân tạo niềm tin cho nhân dân với sự lãnh đạo của cấp ủy Đảng, sự chỉ đạo của chính quyền địa phương. Đây là vấn đề cốt yếu quyết định sự tín nhiệm và sự gắn bó của người dân với Đảng, là một động lực to lớn tạo ra phong trào hành động cách mạng của quần chúng.
Tại hội thảo đã có 8 ý kiến tham luận, phân tích, góp ý dự thảo tập tình huống lãnh đạo, quản lý và phương án xử lý tình huống cho cán bộ lãnh đạo, quản lý xã, phường, thị trấn. Trọng tâm là về kết cấu, nội dung các tình huống, căn cứ pháp lý xử lý, quy trình xử lý tình huống; cách thức lấy thông tin và xử lý thông tin, xây dựng tình huống đa dạng, sát thực tế. Bên cạnh đó đại biểu cũng nêu sự cần thiết trong việc phân loại từng tình huống theo đúng nhóm chủ đề, nội dung; xây dựng quy trình xử lý tình huống theo từng bước để thực hiện hiệu quả, đảm bảo thông tin chính xác; đảm bảo tính dân chủ trong việc thực hiện…
Những góp ý, giải pháp này sẽ là cơ sở để Trường Chính trị tỉnh bổ sung, chỉnh sửa hoàn thiện đề tài, đáp ứng yêu cầu khoa học và thực tiễn đề ra. Đây là hội thảo có ý nghĩa khoa học và thực tiễn góp phần nâng cao chất lượng cán bộ lãnh đạo cấp xã; nâng cao sự tín nhiệm giữa người dân, cấp ủy đảng và chính quyền địa phương, từng bước xây dựng hệ thống chính trị, chính quyền vững mạnh từ cơ sở.