Hội thảo lấy ý kiến đóng góp Dự án sản xuất lúa sinh thái kết hợp nuôi thả sếu tự nhiên và Đề án phát triển sinh kế vùng đệm Vườn Quốc gia Tràm Chim
Vừa qua, UBND huyện Tam Nông đã tổ chức hội thảo lấy ý kiến đóng góp của các chuyên gia và các sở, ngành tỉnh để triển khai Dự án sản xuất lúa sinh thái kết hợp nuôi thả sếu tự nhiên và Dự án phát triển sinh kế vùng đệm Vườn Quốc gia (VQG) Tràm Chim. Tham dự có Phó Giáo sư - Tiến sĩ Nguyễn Văn Kiền, Giám đốc Mekong Organics; Tiến sĩ Nguyễn Trọng Minh - Cố vấn sản phẩm Dự án du lịch bền vững VietMekong Farmstay; Thạc sĩ Nguyễn Hoài Bảo - Giảng viên Trường Đại học Khoa học Tự nhiên - Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh và đại diện các sở, ngành tỉnh, VQG Tràm Chim.
Theo đó, 2 dự án sẽ được triển khai từ năm 2023 - 2032. Đối với Dự án sản xuất lúa sinh thái kết hợp nuôi thả sếu tự nhiên sẽ được triển khai tại 2 xã giáp với khu A4 VQG Tràm Chim là xã Phú Đức và Tân Công Sính; lộ trình đến năm 2025 sẽ nhân rộng mô hình sản xuất lúa sinh thái lên 200ha và đến năm 2032 là hơn 900ha. Riêng Dự án phát triển sinh kế vùng đệm VQG Tràm Chim được triển khai tại 5 xã, thị trấn vùng đệm VQG Tràm Chim là: Phú Thọ, Phú Đức, Phú Hiệp, Tân Công Sính và thị trấn Tràm Chim; dự án sẽ triển khai các mô hình: sản xuất lúa 3 vụ, sản xuất lúa kết hợp nuôi vịt và cá tự nhiên, sản xuất cây ăn trái có giá trị kinh tế cao.
Tại hội thảo, các chuyên gia và sở, ngành đã đóng góp ý kiến cho 2 dự án: Để mô hình tạo được sự lan tỏa và nhân rộng, huyện cần xây dựng chuỗi liên kết trong sản xuất lúa nhằm thực hiện hiệu quả chuỗi liên kết tiêu thụ bền vững. Đây cũng là nền tảng để từng bước phục hồi lại điều kiện sống thích hợp khi thực hiện công tác bảo tồn sếu tại VQG Tràm Chim; tăng cường tuyên truyền để người dân thấy được ý nghĩa của dự án để tích cực tham gia; huyện nên phối hợp với các đơn vị có liên quan và một số hộ nông dân tham gia mô hình thực hiện các tuor du lịch sinh thái trải nghiệm. Thông qua việc trải nghiệm, nghe, nhìn, khách du lịch sẽ có niềm tin nhiều hơn với các sản phẩm gạo của mô hình, từ đó tạo đầu ra ổn định cho hạt gạo sinh thái.
Qua nghe ý kiến đóng góp của các chuyên gia và sở, ngành tỉnh, lãnh đạo UBND huyện Tam Nông đã tiếp thu và giải trình các nội dung có liên quan đến 2 dự án, đồng thời sẽ hoàn chỉnh dự án để triển khai thực hiện trong thời gian tới.