Hội thảo 'Lấy ý kiến Nghị định quy định về khuyến khích phát triển văn học'
Ngày 4/4, tại Hà Nội, Cục Nghệ thuật biểu diễn (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) tổ chức Hội thảo 'Lấy ý kiến Nghị định quy định về khuyến khích phát triển văn học'.

Quang cảnh hội thảo.
Dự thảo Nghị định gồm 7 chương, 34 điều, quy định rõ về: hỗ trợ, đầu tư cho hoạt động văn học; tổ chức trại viết, sáng tác, cuộc thi viết, sáng tác; trao giải thưởng; giới thiệu, quảng bá, phổ biến văn học…
Phát biểu đề dẫn hội thảo, PGS.TS Tạ Quang Đông, Thứ trưởng Văn hóa, Thể thao và Du lịch khẳng định: văn học là một trong những trụ cột của đời sống tinh thần, góp phần định hình bản sắc văn hóa dân tộc, nuôi dưỡng tâm hồn con người và phản ánh những giá trị xã hội. Văn học không chỉ ghi lại những biến động của đời sống mà còn góp phần định hình tư tưởng, bồi đắp nhân cách và xây dựng bản sắc văn hóa của một quốc gia.

PGS.TS Tạ Quang Đông,Thứ trưởng Văn hóa,Thể thao và Du lịch, phát biểu đề dẫn hội thảo.
Trong bối cảnh hội nhập quốc tế và cách mạng công nghiệp 4.0, việc xây dựng một hành lang pháp lý để khuyến khích phát triển văn học trở nên cấp thiết, bảo đảm văn học vừa giữ vững truyền thống, vừa tiếp cận những xu hướng sáng tạo mới.
Dự thảo Nghị định quy định về khuyến khích phát triển văn học không chỉ là một chủ trương đúng đắn mà còn là đòi hỏi cấp thiết trước những vận động mới của đời sống xã hội và sáng tạo nghệ thuật…
Tuy nhiên, PGS.TS Tạ Quang Đông cho rằng, thực tế những năm qua, văn hóa nói chung và văn học nói riêng vẫn còn những khoảng trống và thách thức như: chưa có cơ chế tài trợ, đặt hàng sáng tác đủ mạnh để tạo điều kiện cho các nhà văn theo đuổi những đề tài lớn, có giá trị tư tưởng và nghệ thuật cao. Các trại sáng tác chưa thực sự phát huy hiệu quả, chưa tạo được nhiều tác phẩm có sức ảnh hưởng rộng rãi. Hoạt động quảng bá, phổ biến tác phẩm văn học vẫn còn hạn chế, khiến nhiều tác phẩm hay chưa đến được đông đảo công chúng trong và ngoài nước…

Phát biểu tại hội thảo, PGS.TS Phạm Xuân Thạch, Trưởng Khoa Văn học, Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội, cho rằng dự thảo Nghị định vẫn còn nghiêng quá nhiều về vấn đề quản lý, vấn đề khuyến khích còn ít và chưa rõ.
Vì thế dự thảo, trình Chính phủ ban hành Nghị định Quy định về khuyến khích phát triển văn học là hết sức cần thiết. Qua đó, tạo hành lang pháp lý trong thực thi các chính sách hỗ trợ sáng tác, xuất bản và phát hành cũng như bảo vệ tác quyền, giúp các nhà văn yên tâm sáng tác và thụ hưởng một cách xứng đáng những thành quả lao động sáng tạo của mình, góp phần nâng cao chất lượng sáng tác văn học cũng như nâng cao khả năng tiếp cận độc giả của các nhà văn, các tác phẩm văn học...
Phát biểu tại hội thảo, cơ bản các đại biểu đều đồng tình với chủ trương khuyến khích phát triển văn học. Qua tham luận, nhà văn Vũ Thanh Lịch, Phó Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao tỉnh Ninh Bình cho rằng, nội dung dự thảo Nghị định Quy định về khuyến khích phát triển văn học có nhiều điểm tích cực, tạo cơ sở pháp lý và động lực để nền văn học nước nhà phát triển bền vững, như: xác định rõ vai trò của văn học trong việc gìn giữ và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc; đưa ra cơ chế hỗ trợ sáng tác văn học rõ ràng và hiệu quả từ sáng tác, xuất bản, quảng bá đến tiêu thụ tác phẩm, giúp văn học không chỉ phát triển về nội dung mà còn được tiếp cận rộng rãi hơn tới công chúng.
Về cơ bản, dự thảo Nghị định quy định khá đầy đủ, chi tiết các hoạt động trọng tâm của đời sống văn học hiện nay. Tuy nhiên, theo nhà văn Vũ Thanh Lịch, còn một số nội dung của dự thảo cần bổ sung, điều chỉnh và nghiên cứu như: nên mở rộng chủ đề, đề tài viết, sáng tác tác phẩm văn học cho phù hợp với thực tế đời sống sáng tác văn học. Đồng thời, tạo thuận lợi để thực hiện các điều khoản tiếp theo là quy định về quy trình, tiêu chuẩn tuyển chọn, hỗ trợ các tác phẩm văn học…

Nhà thơ Trần Đăng Khoa, Phó Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam, phát biểu tại hội thảo.
Chung quan điểm với nhà văn Vũ Thanh Lịch, PGS.TS Phạm Xuân Thạch, Trưởng Khoa Văn học, Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội, cho rằng: dự thảo Nghị định vẫn còn nghiêng quá nhiều về vấn đề quản lý, vấn đề khuyến khích còn ít và chưa rõ.
Tên Nghị định là “quy định khuyến khích phát triển văn học” thì nội dung Nghị định cần có những chính sách cụ thể về khuyến khích phát triển văn học. Văn học là hoạt động của toàn xã hội với sự tham gia của nhiều thành phần xã hội, vì thế không nên chỉ tập trung vào hoạt động của cơ quan quản lý nhà nước. Cần có những chính sách cụ thể để huy động mọi nguồn lực xã hội tham gia vào sự nghiệp phát triển xã hội chứ không nên chỉ tập trung vào đầu tư của Nhà nước. Nhà nước cũng cần mở rộng đầu tư, hỗ trợ các tác phẩm có khuynh hướng tiến bộ, tích cực trong đời sống thay vì chỉ hỗ trợ các tác phẩm phục vụ nhiệm vụ chính trị…
Nhà thơ Trần Đăng Khoa, Phó Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam, cũng cho rằng, để thực sự khuyến khích văn học phát triển, cần có thêm cơ chế, chính sách hỗ trợ, khuyến khích nhà văn sáng tác, phổ biến tác phẩm. Việc tổ chức giải thưởng văn học cấp quốc gia là cần thiết nhưng cũng cần chú ý để không trùng với một số giải thưởng khác. Đối với các cuộc thi viết, nên quy định rõ hơn về tiêu chí giám khảo, tránh tình trạng nhà thơ chấm tác phẩm văn xuôi…
Ngoài ra, tại hội thảo, các đại biểu còn tập trung thảo luận, trao đổi một số nội dung cụ thể như: cơ chế tài chính, môi trường sáng tác hỗ trợ, đầu tư cho hoạt động văn học; đổi mới phương thức, tổ chức các trại sáng tác; nâng cao uy tín, chất lượng, giải thưởng văn học quốc gia; chiến lược giới thiệu, quảng bá, phổ biến tác phẩm văn học, dịch thuật, liên kết xuất bản với thị trường quốc tế….