Hội thảo 'Những nội dung mới và điểm nhấn trong dự thảo các văn kiện trình Đại hội XIII của Đảng'
Ngày 26-9, tại Hà Nội, Hội đồng Lý luận T.Ư; Tạp chí Cộng sản phối hợp tổ chức Hội thảo: 'Những nội dung mới và điểm nhấn trong dự thảo các văn kiện trình Đại hội XIII của Đảng'.
Ngày 26-9, tại Hà Nội, Hội đồng Lý luận T.Ư; Tạp chí Cộng sản phối hợp tổ chức Hội thảo: “Những nội dung mới và điểm nhấn trong dự thảo các văn kiện trình Đại hội XIII của Đảng”.
Dự hội thảo có các đồng chí: Phùng Hữu Phú, Phó chủ tịch Thường trực Hội đồng Lý luận T.Ư; Đoàn Minh Huấn, Ủy viên dự khuyết T.Ư Đảng, Tổng Biên tập Tạp chí Cộng sản cùng đại diện các đồng chí lãnh đạo bộ, ban, ngành T.Ư và đông đảo các chuyên gia, các nhà khoa học…
Tại hội thảo, gần 30 tham luận và ý kiến phát biểu của các đồng chí lãnh đạo ban, bộ, ngành ở T.Ư và các nhà khoa học đã tập trung phân tích, làm rõ nhiều nội dung lớn, phức tạp, mới, điểm nhấn của dự thảo các văn kiện trình Đại hội XIII của Đảng như: đánh giá tổng thể sự phát triển của đất nước sau 35 năm đổi mới và bài học kinh nghiệm; tầm nhìn, mục tiêu phát triển với các dấu mốc quan trọng của đất nước; việc đổi mới mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế; vai trò đột phá của khoa học - công nghệ và đổi mới sáng tạo trong giai đoạn mới; xây dựng và phát huy nguồn lực con người trong thời kỳ mới; kiến tạo hệ thống phúc lợi xã hội tiến bộ, bền vững; bảo đảm công bằng xã hội…
Bàn về xây dựng thể chế thu hút, phân bổ và sử dụng hiệu quả các nguồn lực phục vụ phát triển kinh tế- xã hội đất nước, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển nêu việc sử dụng cơ chế thị trường như thế nào và vai trò của Nhà nước như thế nào cho hợp lý để thu hút, phân bổ và sử dụng nguồn lực là vấn đề cần làm rõ quan điểm để có thể hoàn thiện thể chế, thu hút, phân bổ và sử dụng nguồn lực. Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển nêu quan điểm cần thống nhất thu hút, phân bổ và sử dụng nguồn lực để phát triển phải dựa trên nguyên tắc kinh tế thị trường là chủ yếu, lấy vai trò của Nhà nước là cần thiết và quan trọng. Đó là điều kiện cần và đủ, đó là hai mặt cân đối của một thể chế huy động, phân bổ và sử dụng nguồn lực, không chỉ hiệu quả mà còn là sự công bằng và bảo đảm định hướng xã hội chủ nghĩa.
Theo Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Văn Thạo, Phó Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương, Đại hội XIII của Đảng diễn ra khi toàn Đảng, toàn dân đang nỗ lực phấn đấu thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XII, Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm (2011 - 2020), trong bối cảnh tình hình thế giới, khu vực diễn biến phức tạp, nhanh chóng, khó dự báo, ảnh hưởng nhiều mặt đến nước ta. Bên cạnh đó, đất nước đang đứng trước nhiều thời cơ, thuận lợi và nhiều khó khăn, thách thức đan xen, nhiều vấn đề mới, quan trọng, phức tạp đang đặt ra, đòi hỏi Đại hội XIII phải có những quyết định đúng đắn, kịp thời, mạnh mẽ để giải quyết, giữ vững ổn định chính trị, kinh tế, phát triển đất nước nhanh, bền vững trong nhiệm kỳ 5 năm và chiến lược 10 năm. Đồng thời, Đại hội XIII cần có tầm nhìn xa hơn, đến giữa thế kỷ 21, năm 2045, kỷ niệm 100 năm thành lập Nước.
Nhiều đại biểu đi sâu phân tích những điểm mới trong công tác xây dựng Đảng, xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa như: thực hiện nguyên tắc tập trung dân chủ trong tổ chức và hoạt động của Đảng; cơ chế phân công, phối hợp và kiểm soát quyền lực giữa các cơ quan nhà nước; về phân cấp, phân quyền đi đôi với kiểm tra, giám sát trong xây dựng nhà nước pháp quyền ở Việt Nam… qua đó, đóng góp nhiều ý kiến, kiến nghị sửa đổi, bổ sung phù hợp với điều kiện, tình hình đất nước và thế giới.
Phát biểu ý kiến kết luận hội thảo, đồng chí Phùng Hữu Phú, Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng Lý luận T.Ư ghi nhận các ý kiến đóng góp tâm huyết và xây dựng của các nhà khoa học, nhà lãnh đạo. Ban Tổ chức sẽ tập hợp các ý kiến chuyển tới Tiểu ban Văn kiện Đại hội XIII của Đảng, Tổ biên tập Văn kiện, với Trung ương để có thêm hướng lựa chọn các phương án tối ưu khi trình bày những vấn đề mới, khó, phức tạp trong dự thảo các văn kiện trình Đại hội XIII của Đảng, trước khi công bố để lấy ý kiến rộng rãi của nhân dân.