Hội thảo quốc tế về bảo vệ dữ liệu cá nhân trong môi trường số
Ngày 25/5, Trường ĐH Luật TPHCM phối hợp với Đại sứ quán Pháp tổ chức Hội thảo Quốc tế với chủ đề 'Bảo vệ dữ liệu cá nhân trong môi trường số'.
Theo PGS.TS Bùi Xuân Hải – Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Luật TPHCM, trước tình hình phát triển mạnh mẽ của môi trường số và các thủ đoạn lừa đảo ngày một tinh vi, Hội thảo "Bảo vệ dữ liệu cá nhân trong môi trường số" là một diễn đàn khoa học mang tính thời sự và vô cùng cần thiết.
"Hội thảo là diễn đàn để các nhà khoa học, luật sư, công chứng viên và các chuyên gia trong lĩnh vực pháp lý nói chung trao đổi những vấn đề lý luận, quy định pháp luật và khả năng áp dụng trong thực tiễn các quy định mới của Nghị định về bảo vệ dữ liệu cá nhân, từ đó đưa ra những kiến nghị, góp ý có giá trị"- PGS.TS Bùi Xuân Hải nói.
Bà Emmanuelle Pavillon-Grosser – Tổng lãnh sự Pháp tại TPHCM đánh giá cao sự chuyên nghiệp của Trường Đại học Luật TPHCM trong công tác tổ chức hội thảo. Bà Emmanuelle Pavillon-Grosser hy vọng hội thảo sẽ góp phần thúc đẩy hợp tác trong lĩnh vực pháp luật giữa hai đơn vị, đặc biệt trong bối cảnh kỉ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam - Pháp (1973-2023).
Hội thảo đã nhận được tổng cộng 12 tham luận với hai chủ đề chính: tổng quan về bảo vệ dữ liệu cá nhân và thực thi và bảo vệ dữ liệu cá nhân trong các lĩnh vực cụ thể.
Thông qua phần trình bày tham luận “Vai trò của luật sư trong lĩnh vực bảo vệ dữ liệu cá nhân”, luật sư Isabelle Grenier – Thành viên Ủy ban Kỹ thuật số, Hội đồng các Hiệp hội Luật sư Quốc gia (CNB) Pháp cho rằng với vai trò tư vấn, luật sư có thể hỗ trợ công ty thực hiện việc tuân thủ các quy định của luật GDPR (Luật GDPR là hệ thống các quy định chung của Liên minh châu Âu về quyền và nghĩa vụ của các doanh nghiệp trong việc thu thập và xử lý dữ liệu cá nhân).
Bên cạnh đó, luật sư cũng có thể can thiệp khi xảy ra tranh chấp liên quan đến việc xử lý dữ liệu cá nhân, hoặc vì lợi ích của bên quản lý dữ liệu hoặc cho chủ thể dữ liệu mong muốn bảo vệ quyền lợi và lợi ích hợp pháp của mình.
Luật GDPR quy định hợp đồng phải được ký kết trên nguyên tắc đảm bảo minh bạch và tuân thủ các quy định về bảo vệ dữ liệu cá nhân. Việc không thực hiện nghĩa vụ bảo vệ dữ liệu cá nhân vi phạm quy định của luật GDPR có thể dẫn đến quyết định hủy hợp đồng.
Bàn về “Những điểm mới cơ bản trong Nghị định về Bảo vệ dữ liệu cá nhân”, TS Nguyễn Thị Hoa – Giảng viên Khoa Luật Quốc tế (Trường ĐH Luật TPHCM) đã nêu ra những điểm mới quan trọng liên quan đến quyền của chủ thể có dữ liệu cá nhân và các phương thức bảo vệ dữ liệu cá nhân khi có việc vi phạm các quy định về dữ liệu cá nhân.
Trên thực tế, quyền của chủ thể có dữ liệu cá nhân đã được đề cập đến tại Bộ luật Dân sự 2015. Việc bổ sung và hoàn thiện những quyền này tại Nghị định 13/2023/NĐ-CP về bảo vệ dữ liệu cá nhân là một điểm mới tiến bộ và phù hợp với thực tế hơn.