Hội thảo 'Sản xuất và phân phối nội dung truyền hình trên môi trường Internet'
Sáng 12-12 tại TP Nha Trang, Khánh Hòa, nằm trong khuôn khổ của Liên hoan Truyền hình Toàn quốc lần thứ 39 đã diễn ra hội thảo 'Sản xuất và phân phối nội dung truyền hình trên môi trường Internet'.
Phát biểu tại Hội thảo, ông Phạm Anh Chiến, Giám đốc Trung tâm sản xuất và kinh doanh nội dung số, Đài Truyền hình Việt Nam: Internet TV không phải là kẻ hủy diệt, đặt dấu chấm hết cho TV truyền thống. Thực tế, truyền hình trực tiếp vẫn đang thống trị về tổng số giờ xem. Tuy nhiên, phải thừa nhận sự thật rằng truyền hình Internet là "ngôi sao" đang lên và OTT là nhân tố hạt nhân. Mặc dù người Việt Nam vẫn dành nhiều thời gian trước màn hình TV truyền thống nhưng họ cũng dành nhiều thời gian cho việc sử dụng các thiết bị khác với kết nối Internet.
Theo khảo sát, cứ 10 khán giả Việt Nam thì có tới 9 người xem VOD ở mọi thể loại, có tới 67% khán giả Việt Nam xem VOD ít nhất 1 lần/ngày, phim ảnh là thể loại VOD được nhiều người Việt Nam xem nhiều nhất, chiếm tới 36% và những thiết bị phổ biến được sử dụng để xem VOD là smartphone, TV thông minh, máy tính bảng, laptop, máy vi tính. Tuy nhiên, 6/10 khán giả Việt Nam khi được khảo sát cho biết cảm thấy phiền khi quảng cáo xuất hiện trong lúc đang xem VOD. Trong khi đó, 53% khán giả nghĩ quảng cáo cung cấp cho họ những thông tin hay về sản phẩm mới khi xem VOD. Đó chính là một trong những điều kiện cho thị trường OTT tại Việt Nam bùng nổ.
Đối với các đài PT-TH địa phương, nguồn nhân lực còn giới hạn và thiếu kinh nghiệm, ngân sách thiếu hụt cho chi thường xuyên, tập khán giả giới hạn và nội dung sản xuất hữu hạn, do đó, việc tự triển khai và phát triển là điều không phải dễ dàng. OTT chính là hướng đi phù hợp cho các đài PT-TH địa phương trong thời đại bùng nổ của các nền tảng số và Đài Truyền hình Việt Nam sẵn sàng trở thành Hub Content với đa nền tảng sẵn sàng kết nối, thương hiệu và quảng bá truyền thông rộng rãi cùng lượng khán giả trong nước và quốc tế đông đảo.
Hội thảo thu hút hàng trăm cán bộ, phóng viên, người làm truyền hình đến từ hơn 100 đơn vị, được trao đổi kinh nghiệm học hỏi lẫn nhau nhằm tiếp tục phát triển nội dung truyền hình trên môi trường Internet.