Hội thảo 'Tác động của trí tuệ nhân tạo đối với báo chí - Thách thức và cơ hội'
Ngày 21/8, tại thành phố Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh, Trung tâm Bồi dưỡng Nghiệp vụ báo chí Hội Nhà báo Việt Nam tổ chức Hội thảo với chủ đề 'Tác động của trí tuệ nhân tạo đối với báo chí - Thách thức và cơ hội'.
Dự hội thảo có đồng chí ông Lê Quốc Minh, Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng Biên tập Báo Nhân Dân, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam và lãnh đạo, nhà báo, biên tập viên, phóng viên của các cơ quan báo chí trung ương, địa phương.
Phát biểu khai mạc hội thảo, Giám đốc Trung tâm Bồi dưỡng nghiệp vụ báo chí, Hội Nhà báo Việt Nam Nguyễn Thị Hải Vân cho rằng: Trong thời kỳ 4.0, khi trí tuệ nhân tạo (AI) đang trở thành một phần không thể thiếu trong nhiều lĩnh vực của đời sống xã hội, báo chí với vai trò cầu nối thông tin giữa công chúng và sự kiện không thể nằm ngoài xu thế đó.
Phân tích, đánh giá về những thách thức và cơ hội, tương lai của báo chí trong kỷ nguyên AI, ông Lê Quốc Minh, Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng Biên tập Báo Nhân Dân, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam khẳng định: Không thể phủ nhận vai trò quan trọng của công nghệ nói chung và AI nói riêng trong thế giới thông tin hiện đại.
AI và báo chí hiện là một chủ đề mang tính thời sự và nhận được sự quan tâm rất lớn từ các cơ quan báo chí, truyền thông, cũng như những người làm báo trên cả nước thời gian qua. Chủ tịch Hội nhà báo Việt Nam cho rằng: các công nghệ AI vừa mang lại cơ hội, vừa là mối đe dọa đối với ngành báo chí.
Trong vài thập kỷ qua, các cơ quan báo chí trên thế giới trải qua nhiều khó khăn vì nguồn thu quảng cáo và đặt mua báo in suy giảm. Các công nghệ AI, nếu được ứng dụng và triển khai sớm để tranh thủ tối đa sức mạnh, có thể có tác động tích cực giúp các cơ quan báo chí phát triển bền vững.
“Về cơ hội, AI giúp tiết kiệm thời gian, có thể sử dụng AI như một trợ lý trong tòa soạn để làm những “việc lặt vặt” (bóc băng ghi âm, làm phụ đề...), giúp tòa soạn làm được nhiều việc hơn dù chỉ có nguồn lực hạn chế, xử lý ‘các núi’ dữ liệu... Đồng thời, AI giúp các tòa soạn chinh phục những thị trường mới, các nội dung văn bản cũng như video và audio có thể được dịch sang các ngôn ngữ khác một cách dễ dàng...
Đặc biệt, AI giúp các cơ quan báo chí trong việc lập trình, tìm khuôn thức trong dữ liệu, gợi ý các ý tưởng về nội dung, hỗ trợ công việc biên tập, gợi ý ý tưởng bài viết, lập danh sách bài liên quan để bổ trợ cho một bài viết, đưa ra nhiều phiên bản nội dung khác nhau cho từng đối tượng, sử dụng AI trong dẫn chương trình truyền hình..." - ông Lê Quốc Minh cho biết.
Tuy nhiên, việc sử dụng AI đòi hỏi sự cẩn trọng và hiểu biết sâu sắc về các vấn đề nhân văn và đạo đức. AI dù thông minh nhưng cũng vẫn còn rất nhiều nhược điểm, một trong những điểm yếu lớn nhất chính là AI không phải lúc nào cũng cung cấp những thông tin chính xác.
Mặc dù AI hỗ trợ rất nhiều trong lĩnh vực sáng tạo nội dung và thu thập tin tức, nhưng nó cũng tiềm ẩn rất nhiều rủi ro mà nhiều khi chúng ta không thể nào phát hiện được. Hầu hết các tòa soạn đều cho rằng họ rất muốn sử dụng AI nhưng sẽ có tác động tiêu cực đến niềm tin của công chúng đối với tin tức.
"Việc sử dụng AI có thể dẫn đến sự phụ thuộc quá mức vào công nghệ, làm giảm vai trò của con người trong việc kiểm tra và xác minh thông tin. Đồng thời, có những nội dung AI đưa ra khó có thể kiểm chứng độ chính xác và có thể gây tác động xấu, quy mô lớn đến xã hội. Trong tương lai, nếu AI không còn là trung gian mà trực tiếp đưa thông tin đến thẳng độc giả thì vấn đề đặt ra cho các cơ quan báo chí, các nhà báo là làm thế nào để thích ứng liên tục, cần phải có tư duy thích ứng và hiểu rõ độc giả cần gì và AI tác động đến niềm tin ra sao..." - Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam Lê Quốc Minh nhận định.
Tại hội thảo, các đại biểu được nghe nhiều tham luận về tác động của AI đối với báo chí: "Tác động của AI đối với báo chí - Đáng mừng hơn đáng lo” của nhà báo Lê Xuân Trung - Phó Tổng Biên tập Báo Tuổi trẻ; “Trí tuệ nhân tạo trong cuộc cạnh tranh giữa các công ty công nghệ và các cơ quan báo chí - Cần luật chơi công bằng” của nhà báo Nguyễn Đức Hiển, Phó Tổng Biên tập Báo Pháp luật TP Hồ Chí Minh...
Hội thảo cũng phân tích các case study thành công của AI trong báo chí như: Báo VietnamPlus (Thông Tấn xã Việt Nam), Báo Tuổi trẻ và thảo luận một số đề xuất để nâng cao công tác đào tạo, bồi dưỡng báo chí trong thời đại AI hiện nay.
Tại hội thảo, đại diện các cơ quan báo chí, nhà báo, phóng viên, biên tập viên đã cùng nhau chia sẻ, trao đổi và làm rõ các nội dung liên quan đến những thách thức và cơ hội của trí tuệ nhân tạo AI đối với báo chí trong tương lai, nhằm nâng cao nhận thức và trang bị cho người làm báo các kiến thức, kỹ năng cần thiết về AI.
Hội thảo là hoạt động có ý nghĩa thiết thực để nâng cao công tác bồi dưỡng nghiệp vụ báo chí cho các hội viên, nhà báo nhằm làm chủ công nghệ AI và tạo ra sản phẩm báo chí theo nguyên tắc của nghề nghiệp.
Những ý kiến đóng góp tại hội thảo sẽ là những tài liệu thiết thực, bổ ích đối với công tác bồi dưỡng nghiệp vụ cho các nhà báo, góp phần xây dựng nền Báo chí Cách mạng Việt Nam ngày càng phát triển.