Hội thảo tham vấn phương án chuyển hạng Khu bảo tồn thiên nhiên Xuân Liên thành Vườn Quốc gia Xuân Liên
Việc nâng hạng Khu bảo tồn thiên nhiên (BTTN) Xuân Liên thành Vườn Quốc gia Xuân Liên là điều rất cần thiết nhằm nâng cao công tác bảo tồn hệ sinh thái tự nhiên, giá trị đa dạng sinh học, các loài động, thực vật quý, hiếm, đặc hữu. Đồng thời, bảo tồn các giá trị văn hóa, lịch sử, bảo vệ môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu, góp phần bảo vệ an ninh quốc phòng, phòng hộ đầu nguồn, khai thác tiềm năng lợi thế của tài nguyên thiên nhiên, phát triển kinh tế bền vững.
Chiều 2-10, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức Hội thảo tham vấn phương án chuyển hạng Khu BTTN Xuân Liên thành Vườn Quốc gia Xuân Liên.
Tham dự hội thảo có đại diện Văn phòng Chính phủ, Cục Lâm nghiệp, Cục Kiểm lâm, Ban Quản lý Dự án VFBC Trung ương, Văn phòng UBND tỉnh, một số sở, ngành, đơn vị, các chuyên gia, nhà khoa học và địa phương có liên quan.
Khu BTTN Xuân Liên được thành lập theo Quyết định số 1476/QĐ-UB ngày 15-6-2000 của Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa, được giao quản lý, bảo vệ và phát triển rừng trên diện tích 24.728,60 ha; trong đó, 23.816,23 ha rừng đặc dụng và 912,37 ha rừng sản xuất. Đây là trung tâm đa dạng sinh học đại diện cho khu vực Tây Bắc, Bắc Trung bộ và phía Đông nước Cộng hòa dân chủ Nhân dân Lào.
Theo kết quả điều tra, Khu BTTN Xuân Liên có 1.228 loài thực vật bậc cao có mạch thuộc 659 chi, 181 họ, trong đó có 56 loài thực vật rừng quý hiếm, có 11 loài thuộc danh mục của IUCN, 39 loài thuộc Sách Đỏ Việt Nam, 22 loài thuộc danh mục của Nghị Định 84/2021/NĐ-CP. Hệ động vật ở Xuân Liên gồm 1.811 loài, thuộc 241 họ, 46 bộ; có 94 loài nguy cấp, quý hiếm, có 34 loài ở mức đe dọa toàn cầu thuộc Danh lục Đỏ IUCN, 56 loài trong Sách Đỏ Việt Nam. Trong đó, có 3 loài đặc hữu hẹp, gồm: Vượn đen má trắng, Mang pù hoạt, Rùa hộp trán vàng bắc.
Bên cạnh những giá trị về đa dạng sinh học, Khu BTTN Xuân Liên còn lưu giữ nhiều cảnh quan thiên nhiên tươi đẹp, độc đáo những thác nước, nhà sàn cổ, những khu làng còn bảo tồn được nguyên vẹn các giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể đặc sắc của các dân tộc Thái - Mường. Khu vực này còn có lòng hồ Cửa Đạt rộng hơn 3.000 ha có giá trị to lớn về hệ sinh thái rừng ngập nước... Đây là tiềm năng và điều kiện thuận lợi để phát triển du lịch sinh thái, nuôi trồng thủy sản, góp phần phát triển kinh tế - xã hội cho địa phương, giảm áp lực đối với rừng đặc dụng và tăng nguồn thu cho khu bảo tồn.
Tại hội thảo, 12 bài tham luận của các đại biểu là các nhà khoa học và các chuyên gia về lĩnh vực nông nghiệp đều khẳng định, việc chuyển hạng khu bảo tồn thành Vườn Quốc gia Xuân Liên là cần thiết, nhằm nâng cao công tác bảo tồn các hệ sinh thái tự nhiên, giá trị đa dạng sinh học, các loài động, thực vật nguy cấp, quý, hiếm, đặc hữu.
Đồng thời, bảo tồn các giá trị văn hóa, lịch sử, bảo vệ môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu, góp phần bảo vệ an ninh quốc phòng, phòng hộ đầu nguồn, khai thác tiềm năng lợi thế của tài nguyên thiên nhiên, phát triển kinh tế bền vững.
Phát biểu kết luận hội thảo, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Cao Văn Cường trân trọng cảm ơn ý kiến tham vấn của các nhà khoa học, nhà nghiên cứu và các đơn vị có liên quan. Đồng thời, nhấn mạnh những ý kiến của các đại biểu chính là cơ sở quan trọng để hoàn thiện phương án chuyển hạng Khu BTTN Xuân Liên thành Vườn Quốc gia Xuân Liên phù hợp với điều kiện của các địa phương, có giá trị lớn trong phát triển du lịch sinh thái, giáo dục môi trường và phát triển kinh tế - xã hội các địa phương vùng đệm.
Cùng với đó, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn giao Ban Quản lý Khu BTTN Xuân Liên cùng với đơn vị tư vấn tiếp tục rà soát các căn cứ pháp lý, đảm bảo tính đầy đủ, tính chính xác và tiếp thu tối đa ý kiến của các đại biểu, hoàn thiện phương án trong thời gian sớm nhất với chất lượng cao nhất.