Hội thảo thực tiễn hành nghề luật sư và kinh nghiệm xử lý các tình huống vi phạm đạo đức, quy tắc nghề nghiệp

Sáng 14/8, Học viện Tư pháp, Viện Hợp tác quốc tế Đức về pháp luật và Đoàn Luật sư liên bang, Cộng hòa Liên bang (CHLB) Đức cùng phối hợp tổ chức hội thảo 'Chia sẻ thực tiễn hành nghề luật sư và kinh nghiệm xử lý các tình huống vi phạm đạo đức, quy tắc nghề nghiệp'.

Quang cảnh Hội thảo.

Quang cảnh Hội thảo.

Phát biểu khai mạc Hội thảo, PGS.TS Nguyễn Minh Hằng, Phó Giám đốc Học viện Tư pháp cho biết, trong khuôn khổ triển khai Chương trình Đối thoại Nhà nước pháp quyền giữa Bộ Tư pháp Việt Nam và Bộ Tư pháp CHLB Đức, giai đoạn từ năm 2010 đến năm 2023, Học viện Tư pháp đã triển khai nhiều hoạt động hợp tác với một số đối tác từ CHLB Đức nhằm nâng cao chất lượng đào tạo các chức danh tư pháp của Học viện Tư pháp thông qua việc tổ chức các tọa đàm, hội thảo, các phiên tòa giả định, đoàn ra, xây dựng học liệu, tài liệu, giáo trình.

 PGS.TS Nguyễn Minh Hằng, Phó Giám đốc Học viện Tư pháp phát biểu khai mạc Hội thảo

PGS.TS Nguyễn Minh Hằng, Phó Giám đốc Học viện Tư pháp phát biểu khai mạc Hội thảo

Tiếp nối các thành công trên và nhằm triển khai Chương trình Đối thoại Nhà nước pháp quyền giữa Bộ Tư pháp Việt Nam và Bộ Tư pháp CHLB Đức, giai đoạn từ năm 2022 đến năm 2025, Học viện Tư pháp phối hợp với Viện Hợp tác quốc tế Đức về pháp luật và Đoàn Luật sư liên bang, Cộng hòa liên bang Đức tổ chức hội thảo “Chia sẻ thực tiễn hành nghề luật sư và kinh nghiệm xử lý các tình huống vi phạm đạo đức, quy tắc nghề nghiệp” tạo cơ hội cho giảng viên cơ hữu và thỉnh giảng của Học viện, đặc biệt là học viên các chương trình đào tạo luật sư, chương trình đào tạo chung nguồn thẩm phán, kiểm sát viên, luật sư của Học viện Tư pháp, học hỏi những kỹ năng, kinh nghiệm cần thiết trong việc học hỏi những kỹ năng, kinh nghiệm hành nghề luật sư trên thực tế và xử lý các tình huống vi phạm đạo đức, ứng xử nghề nghiệp luật sư từ các chuyên gia là các luật sư giỏi và có bề dày kinh nghiệm của CHLB Đức.

Để hội thảo đạt kết quả cao, PGS.TS Nguyễn Minh Hằng mong muốn các đại biểu tham dự và các học viên tích cực đóng góp ý kiến, trao đổi, thảo luận với các chuyên gia từ CHLB Đức.

Tại Hội thảo, TS. Lê Mai Anh, Nguyên Phó Giám đốc Học viện Tư pháp, giảng viên Khoa Đào tạo Luật sư, Học viện Tư pháp đã trình bày tổng quan hành nghề luật sư tại Việt Nam và thực tiễn hành nghề. Theo đó, TS Lê Mai Anh nhấn mạnh, nghề Luật sư hiện nay ở Việt Nam được biết đến với sứ mệnh thiêng liêng là bảo vệ quyền con người, quyền công dân, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của các cá nhân, tổ chức, cơ quan, bảo vệ sự độc lập của tư pháp, góp phần bảo vệ công lý, công bằng, phát triển kinh tế - xã hội và xây dựng nhà nước pháp quyền Việt Nam xã hội chủ nghĩa . Đây là sứ mệnh nghề nghiệp được khẳng định và đúc rút từ nhiều thập kỷ phát triển của nghề Luật sư ở Việt Nam, trải qua các giai đoạn xây dựng và phát triển đất nước.

TS. Lê Mai Anh, Nguyên Phó Giám đốc Học viện Tư pháp, giảng viên Khoa Đào tạo Luật sư trình bày tại Hội thảo

TS. Lê Mai Anh, Nguyên Phó Giám đốc Học viện Tư pháp, giảng viên Khoa Đào tạo Luật sư trình bày tại Hội thảo

Đánh giá chung về hệ thống và môi trường thể chế pháp lý bảo đảm và thúc đẩy sự phát triển của Nghề luật sư tại Việt Nam, TS.Lê Mai Anh cho rằng, thể chế cứng và thể chế mềm không ngừng thiết lập và củng cố, phát triển; môi trường thể chế và hệ thống thể chế điều chỉnh Nghề luật sư ở Việt Nam qua các giai đoạn phát triển là chịu sự tác động sâu sắc của xu thế phát triển kinh tế - xã hội trong nước, khu vực và quốc tế; nhu cầu sử dụng dịch vụ pháp lý luật sư ngày càng tăng, thúc đẩy sự phát triển của thị trường dịch vụ pháp lý tại Việt Nam, đặc biệt từ sau đại dịch covid-19.

Đồng thời, TS.Lê Mai Anh cho biết hiện nay, đa phần các Luật sư và Tổ chức hành nghề luật sư vẫn tập trung phần lớn ở những thành phố lớn, nơi có điều kiện kinh tế - xã hội phát triển mạnh, như Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh và những địa phương đang trong tốp có sự phát triển nhanh về kinh tế, văn hóa, xã hội. Theo số liệu báo cáo tổng kết của 63 địa phương và Liên đoàn Luật sư Việt Nam thì số lượng Luật sư hành nghề thực tế đến nay đã đạt tới con số hơn 18.200 luật sư. Trung bình mỗi năm tăng thêm gần 1.000 luật sư (tính từ thời điểm Luật Luật sư ra đời cho đến nay). Ngoài số lượng Luật sư và Tổ chức hành nghề luật sư Việt Nam thì tính đến tháng 12/2022, Việt Nam hiện có 93 tổ chức hành nghề luật sư nước ngoài (37 chi nhánh, 56 công ty luật) và hơn 300 luật sư nước ngoài (như Anh, Pháp, Đức, Bỉ, Hoa Kỳ, Canada, Nhật Bản…) hiện đang hoạt động tại Việt Nam.

Tại Hội thảo, các đại biểu đã được nghe bà Swetlana Schaworonkowa, Luật sự và cố vấn pháp lý cao cấp, Đoàn Luật sư liên bang Đức giới thiệu về hệ thống Đoàn Luật sư tại Đức (các Đoàn Luật sư khu vực; Đoàn Luật sư liên bang Đức (BRAK); nguyên tắc tự quản…).

Hội thảo diễn ra trong 2 ngày 14-15/8 với các nội dung cụ thể về hành nghề luật tại Đức (các quy định của pháp luật về nghề nghiệp, cấp phép hành nghề luật sư tại Đức, quyền lợi và nghĩa vụ của nghề luật bao gồm cả những quy tắc đạo đức, cơ cấu tổ chức, luật sư chuyên ngành, luật sư nước ngoài tại Đức); những vấn đề chung của quy tắc đạo đức và ứng xử nghề nghiệp luật sư trong quan hệ với khách hàng và thực tiễn thực hiện quy tắc tại Việt Nam; Những vấn đề chung của quy tắc đạo đức và ứng xử nghề nghiệp luật sư trong quan hệ với đồng nghiệp, cơ quan tiến hành tố tụng, cơ quan, nhà nước khác và thực tiễn thực hiện quy tắc này tại Việt Nam…

Một số hình ảnh tại Hội thảo

M.Tâm

Nguồn Pháp Luật VN: https://baophapluat.vn/hoi-thao-thuc-tien-hanh-nghe-luat-su-va-kinh-nghiem-xu-ly-cac-tinh-huong-vi-pham-dao-duc-quy-tac-nghe-nghiep-post521818.html