Hội thảo tổng kết dự án trẻ em gái vị thành niên được bảo vệ khỏi bạo lực
Ngày 10.1, Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Hà Giang phối hợp với Plan International Việt Nam tổ chức hội thảo tổng kết dự án 'Trẻ em gái vị thành niên được học tập và được bảo vệ khỏi bạo lực trên cơ sở giới trong bối cảnh hậu đại dịch Covid-19'.
Được triển khai từ tháng 3.2023 đến tháng 2.2025 tại hai huyện Yên Minh và Mèo Vạc, tỉnh Hà Giang với sự tài trợ của Tập đoàn Beiersdorf thông qua văn phòng Plan International CHLB Đức, dự án hướng tới mục tiêu nâng cao kiến thức và năng lực cho trẻ vị thành niên, hỗ trợ các em tiếp cận giáo dục, qua đó ngăn ngừa bạo lực trên cơ sở giới. Song song với đó, dự án đồng thời tập trung hỗ trợ trường học và cộng đồng địa phương cải thiện môi trường học tập hướng tới chất lượng đồng đều và thân thiện với trẻ em, giúp các em tự tin tiếp tục đến trường sau đại dịch Covid-19.
Trong 2 năm thực hiện, các hoạt động của dự án đã mang lại nhiều kết quả đáng ghi nhận với hơn 110cán bộ ngành giáo dục và chính quyền địa phương tham gia trực tiếp; 5.540 phụ huynh và 4.199 học sinh hưởng lợi từ các chương trình truyền thông và giáo dục. Đặc biệt, 237 giáo viên, trong đó có 142 giáo viên cốt cán đã được tập huấn chuyên sâu về kỹ năng giao tiếp và hỗ trợ tâm lý học sinh. Ngoài ra, 3 trường học tại Lao Và Chải, Lũng Pù và Giàng Chu Phìn đã được xây mới nhà vệ sinh, trong khi toàn bộ 8 trường của dự án cũng đồng thời được hỗ trợ tu bổ các công trình lớp học, khu vệ sinh song song với nâng cấp cơ sở vật chất như mái che, khu lưu trú và bổ sung trang thiết bị học tập.
Phát biểu tại hội thảo, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Hà Giang ông Lâm Thế Hùng chia sẻ: “Dự án được khơi nguồn ý tưởng và triển khai thực hiện trong một bối cảnh rất đặc biệt mà giờ đây khi ngồi lại với nhau để nhìn lại, chúng ta tưởng như vừa mơ một giấc. Tại thời điểm đó, khi dịch Covid-19 vừa qua đi, tình hình kinh tế xã hội trong cộng đồng cũng như tại các nhà trường của tỉnh Hà Giang đã khó khăn lại ngày càng trở nên khó khăn hơn nữa. Trong bối cảnh đó, xuất phát từ yêu cầu thực tế cần có những biện pháp và những hành động thiết thực, kịp thời nhằm bảo vệ trẻ em trong bối cảnh khẩn cấp đó cũng như chuẩn bị cho những tình huống tương tự trong tương lai.” Theo ông Hùng, những kết quả đạt được từ dự án không chỉ mang tính cấp thiết trong thời điểm hiện tại mà còn là nền tảng để phát triển bền vững các dịch vụ hỗ trợ trẻ em tại địa phương.
Quyền Giám đốc Quốc gia Plan International Việt Nam bà Lê Quỳnh Lan nhấn mạnh: “Đầu tư vào con người, đầu tư vào giáo dục là một hành trình rất dài, kết quả có thể không thấy ngay nhưng chúng ta đều biết là hướng tới sự bền vững. Có mặt ở tỉnh Hà Giang hơn 15 năm, Plan International rất mong muốn được nối dài hành trình đồng hành với các cơ quan chính phủ, cơ quan nhà nước các cấp – từ cấp trung ương tới cấp địa phương, đồng hành cùng các đối tác và các nhà trường để cùng nhau, chúng ta thúc đẩy các mảng dịch vụ bảo vệ trẻ em, đặc biệt là các dịch vụ bảo vệ trẻ em trong trường học, thúc đẩy quyền trẻ em, thúc đẩy bình đẳng giới – xây dựng cho các em một tương lai tươi sáng và bền vững hơn.”
Trong phần thảo luận, Phó Trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Mèo Vạc bà Lê Thị Tho cho biết, những nội dung của dự án như tuyên truyền phòng ngừa bạo lực trên cơ sở giới, bạo lực trong môi trường học đường hay nâng cao chất lượng mô hình phòng tham vấn học đường đều nằm trong nhiệm vụ giáo dục của các nhà trường và của ngành giáo dục. Vì thế, ngay cả khi dự án đã kết thúc, những kết quả này, những kiến thức và kỹ năng này vẫn sẽ tiếp tục áp dụng và triển khai trong những năm tới để phát huy. Bà Tho khẳng định, các nhà trường tại Mèo Vạc sẽ nỗ lực duy trì và mở rộng những bài học quý báu từ dự án để tạo môi trường học tập an toàn và bình đẳng hơn cho học sinh.
Kết thúc hội thảo, các đại biểu đã cùng nhau đánh giá các kết quả đạt được từ dự án, đồng thời chia sẻ những bài học kinh nghiệm quý báu. Những kết quả này không chỉ phản ánh sự thành công trong việc bảo vệ trẻ em khỏi bạo lực và nâng cao chất lượng giáo dục tại các trường học ở Hà Giang, mà còn là nền tảng vững chắc để phát triển các mô hình bảo vệ trẻ em tại các địa phương khác trong tương lai.