Hội thảo trực tuyến toàn quốc về tăng cường kết nối, khắc phục đứt gãy, phục hồi kinh tế
Chiều 13-10, Hội đồng Lý luận Trung ương phối hợp với Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh tổ chức Hội thảo trực tuyến phát triển địa phương với chủ đề:
Chiều 13-10, Hội đồng Lý luận Trung ương phối hợp với Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh tổ chức Hội thảo trực tuyến phát triển địa phương với chủ đề: “Phục hồi kinh tế, thích ứng linh hoạt, an toàn với đại dịch COVID-19; khắc phục đứt gãy kinh tế, tăng cường kết nối giữa các địa phương”. Dự Hội thảo tại điểm cầu Hà Nội có: Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính; Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh Nguyễn Xuân Thắng; lãnh đạo các bộ, ban, ngành Trung ương; đại diện các đại sứ quán, các cơ quan hợp tác phát triển quốc tế tại Việt Nam; các nhà khoa học, các chuyên gia, doanh nghiệp, hiệp hội quốc tế và trong nước.
Dự hội thảo tại điểm cầu tỉnh ta có các đồng chí: Phạm Gia Túc, Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy; Lê Quốc Chỉnh, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, Trưởng đoàn Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh; các đồng chí Ủy viên Ban TVTU, Thường trực HĐND tỉnh; lãnh đạo một số sở, ban, ngành, đơn vị liên quan.
Hội thảo đã nghe lãnh đạo các Bộ: Kế hoạch và Đầu tư, Y tế, Thông tin và Truyền thông trình bày các chuyên đề: Sẵn sàng các kịch bản, phương án, nguồn lực để vừa phục hồi, phát triển kinh tế vừa thích ứng an toàn, linh hoạt, hiệu quả với đại dịch giai đoạn 2022-2023; quản trị và ứng phó với đại dịch COVID-19 tại Việt Nam trong thời gian qua; tăng cường hiệu quả hệ thống thông tin trong phòng, chống đại dịch COVID-19. Đại diện một số địa phương, doanh nghiệp, Hiệp hội cũng chia sẻ các kinh nghiệm thiết thực đã đúc rút trong quá trình vừa phòng, chống dịch bệnh vừa duy trì hiệu quả chuỗi sản xuất, tránh đứt gãy kinh tế có thể tiếp tục phát huy trong giai đoạn tới; thảo luận các giải pháp trọng tâm cần tăng cường phối hợp để đảm bảo tính thống nhất, hiệu quả trong thực thi chính sách, biện pháp vừa phòng, chống dịch vừa phục hồi phát triển kinh tế - xã hội trên toàn quốc, gồm: Nâng cao năng lực, khả năng tự chủ của hệ thống y tế, nhất là y tế cơ sở, dự phòng; tìm kiếm mua, kêu gọi tài trợ trang thiết bị, vật tư y tế, thuốc chữa bệnh, sản xuất vắc-xin trong nước, đẩy nhanh tiến độ tiêm chủng với mục tiêu hết quý I-2022 khoảng 80% dân số tiêm đủ 2 mũi vắc-xin, triển khai tiêm vắc-xin cho trẻ em; giải pháp hỗ trợ tạo sự chủ động cho các cơ sở, doanh nghiệp sớm khắc phục tổn thương do đại dịch, phục hồi và phát triển sản xuất, kinh doanh; chú trọng phục hồi du lịch, kích cầu tiêu dùng trong nước và thúc đẩy xuất khẩu bền vững; chú trọng phát triển kết cấu hạ tầng, khơi thông nguồn lực cho đầu tư; hỗ trợ an sinh xã hội và phát triển thị trường lao động; quản trị rủi ro gắn với ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm các cân đối lớn…
Phát biểu kết luận Hội thảo, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính khẳng định: Hội thảo có ý nghĩa quan trọng, góp phần giúp các địa phương có thêm kiến thức, kinh nghiệm; đặc biệt là gia tăng sự kết nối, thống nhất để điều hành tốt hơn nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội trong bối cảnh toàn quốc thống nhất chủ trương thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19. Các ý kiến thảo luận của các địa phương, ngành chức năng, các chuyên gia sẽ được ghi nhận, xem xét, bổ sung nhằm nâng cao hiệu quả thực hiện công tác phòng chống dịch bệnh, phát triển kinh tế trên toàn quốc. Tuy nhiên, sức khỏe, tính mạng người dân vẫn phải đặt lên trên hết.
Thời gian tới, các ngành, các địa phương, đơn vị cần chú trọng xác định bối cảnh COVID-19 không chỉ có thách thức mà còn là cơ hội để thay đổi, phát triển, chuyển đổi số, thích ứng xanh… Cần đảm bảo công tác lãnh đạo phải tập trung thống nhất; tổ chức thực hiện phải linh hoạt, sáng tạo, phù hợp với thực tế, chú trọng phân cấp, nâng cao chất lượng, trách nhiệm cán bộ thực thi nhiệm vụ, bảo đảm nguồn lực thực thi và tăng cường giám sát; giữ vững kinh tế vĩ mô, đảm bảo cân đối lớn. Chú trọng nâng cao năng lực hệ thống y tế, nhất là y tế cơ sở, để người dân được tiếp cận dịch vụ y tế nhanh nhất, sớm nhất; tăng cường ý thức phòng, chống dịch bệnh của toàn dân. Tập trung khôi phục doanh nghiệp; tăng tổng cung tổng cầu, khôi phục thị trường lao động, chú trọng điều chỉnh chính sách thuế, giảm chi phí đầu vào, mở rộng thị trường; đặc biệt các cấp chính quyền phải hỗ trợ, chia sẻ rủi ro cùng doanh nghiệp. Tập trung chăm lo an sinh xã hội cho toàn dân theo hướng có trọng tâm, trọng điểm, không để ai thiếu ăn, thiếu mặc. Kiểm soát an toàn bảo đảm trật tự xã hội, an dân./.
Tin, ảnh: Thanh Thúy