Hội thảo về cuộc chiến bảo vệ biên giới phía Bắc và Tây Nam
Theo Phó Ban Tuyên giáo Thành ủy TP.HCM, hai chiến thắng ở biên giới Tây Nam và biên giới phía Bắc là kết quả của tinh thần đoàn kết, chính nghĩa và khát vọng hòa bình của nhân dân Việt Nam.
Sáng 20-7, Ban Tuyên giáo Thành ủy TP.HCM và Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn (ĐH Quốc gia TP.HCM) tổ chức hội thảo khoa học với chủ đề “TP.HCM với cuộc chiến đấu bảo vệ Tổ quốc ở biên giới Tây Nam, biên giới phía Bắc và 10 năm thực hiện nghĩa vụ quốc tế tại Phnômpênh, Campuchia”.
Cuộc hội thảo nằm trong chuỗi hoạt động kỷ niệm 40 năm cuộc chiến bảo vệ Tổ quốc ở biên giới Tây Nam, biên giới phía Bắc (1979 - 2019) và 30 năm hoàn thành nghĩa vụ quốc tế tại Campuchia (1989 - 2019).
Đến dự hội thảo có ông Trần Lưu Quang – Phó Bí thư Thường trực Thành ủy TP.HCM, cùng nhiều nguyên lãnh đạo của TP.HCM và lãnh đạo các cơ quan Trung ương và khu vực phía Nam.
Chi viện sức người, sức của cho tuyến đầu Tổ quốc
Phát biểu tại hội thảo, ông Lê Văn Minh – Phó Ban Tuyên giáo Thành ủy TP.HCM, cho biết trong vòng 15 tháng diễn ra cuộc chiến bảo vệ biên giới Tây Nam, cùng với việc xây dựng, củng cố hậu phương, chi viện vật chất và tinh thần cho tiền tuyến, TP.HCM đã lần lượt tiễn đưa các đơn vị thuộc Trung đoàn Gia Định, Trung đoàn Quyết Thắng, Trung đoàn thi công cơ giới, lực lượng dân quân tự vệ, Tổng đội TNXP và nhân dân tình nguyện thuộc nhiều tầng lớp trong xã hội lên biên giới làm nhiệm vụ chiến đấu và phục vụ chiến đấu.
“Đã có không ít những người con ưu tú của TP mang tên Bác mãi mãi nằm lại nơi chiến trường, hy sinh máu xương của mình vì độc lập, tự do của Tổ quốc” – ông Minh nói.
Theo ông Minh, khi cuộc chiến bảo vệ biên giới Tây Nam, giúp đỡ nhân dân Campuchia dần đi đến hồi kết thì quan hệ Việt Nam và Trung Quốc cũng xấu đi rất nhiều, bởi lẽ Trung Quốc không đạt được mục đích gây áp lực với Việt Nam trong vấn đề Campuchia.
Ngày 17-2-1979, Trung Quốc đã gây chiến tranh quy mô lớn xâm lược Việt Nam trên toàn tuyến biên giới phía Bắc. Trước tình hình đó, cùng quân dân cả nước, một lần nữa nhân dân TP.HCM lại làm tốt vai trò của hậu phương lớn, chi viện sức người, sức của cho tuyến đầu Tổ quốc chống quân xâm lược. Sau đó, quân đội Trung Quốc đã rút về nước và chúng ta đã thực hiện thành công sứ mệnh bảo vệ Tổ quốc vẹn toàn.
“Hai chiến thắng vẻ vang trên là kết quả của tinh thần đoàn kết, chính nghĩa và khát vọng hòa bình của nhân dân Việt Nam” – ông Minh nói.
Ngày 18-2-1979, ở mặt trận biên giới Tây Nam, hiệp ước hòa bình hữu nghị và hợp tác toàn diện giữa hai nước Việt Nam – Campuchia được ký kết, Chính phủ cách mạng Campuchia đề nghị các đơn vị quân tình nguyện Việt Nam tiếp tục giúp đỡ nhân dân Campuchia giữ vững thành quả cách mạng vừa mới giành được.
Ông Minh cho biết trên tinh thần quốc tế trong sáng, chí tình chí nghĩa, thủy chung, lực lượng vũ trang cả nước nói chung và TP.HCM nói riêng đã tổ chức, triển khai nhiều đoàn chuyên gia các ngành sang giúp Campuchia xây dựng lực lượng vũ trang, củng cố chính quyền cách mạng, hỗ trợ trên mọi lĩnh vực kinh tế, xã hội… vượt qua nạn đói, bệnh dịch, từng bước khôi phục sản xuất, ổn định đời sống.
Sự thật lịch sử không thể xuyên tạc
Trong cuộc hội thảo này, ông Lê Văn Minh đề nghị các đại biểu thảo luận, phân tích làm rõ nhiều vấn đề. Trong đó có vai trò hậu phương trực tiếp của TP.HCM, sự phối hợp chặt chẽ, hiệu quả trong quá trình tham gia chiến đấu, phục vụ chiến đấu giữa TP.HCM với các tỉnh biên giới Tây Nam và biên giới phía Bắc trong các trận chiến bảo vệ Tổ quốc (1975 - 1989); phối hợp với quân và dân Campuchia đánh đổ chế độ diệt chủng góp phần thắng lợi bảo vệ vững chắc Tổ quốc.
Đồng thời làm sâu sắc hơn vai trò của TP.HCM cùng cả nước thực hiện nghĩa vụ quốc tế, giúp bạn Campuchia, trực tiếp tại thủ đô PhnômPênh (1979 - 1989), giúp đất nước Campuchia hồi sinh đất nước, bước vào kỉ nguyên hòa bình, hòa hợp dân tộc và phát triển.
Tại hội thảo, nhiều đại biểu cho rằng quân tình nguyện Việt Nam cùng với lực lượng vũ trang mặt trận dân tộc cứu nước Campuchia đã đánh đổ Pôn Pốt, cứu nhân dân Campuchia thoát khỏi thảm họa diệt chủng và sau đó là 10 năm Việt Nam giúp Campuchia hồi sinh. Đây là sự thật lịch sử nhưng một thời gian dài đã bị các thế lực thù địch hiểu sai, bị xuyên tạc.
Ông Lê Hồng Liêm, Phó Chủ tịch Trung ương Hội hữu nghị Việt Nam–Campuchia, cho rằng thực tế lịch sử đã chỉ ra rằng tình đoàn kết hữu nghị hợp tác giữa nhân dân hai nước Việt Nam và Campuchia đã trải qua nhiều thăng trầm thử thách nhưng không có gì lay chuyển được, là di sản vô giá của mỗi dân tộc, là động lực phát triển của mỗi nước.
PGS-TS Phan Xuân Biên, Viện Nghiên cứu Phát triển TP.HCM nhận định đây là cuộc chiến đấu tự vệ chính đáng để bảo vệ Tổ quốc. “Trong cuộc ra quân, tiến về biên giới những năm tháng ấy, lịch sử ghi đậm dấu ấn của nhiều đoàn đại biểu của TP.HCM lên mặt trận thăm hỏi, tặng quà, động viên...” – ông Biên nói và cho biết chiến trường biên giới Tây Nam còn ghi dấu các lãnh đạo của TP.HCM lúc ấy như Bí thư Thành ủy Võ Văn Kiệt, Chủ tịch UBND TP Vũ Đình Liệu, Thiếu tướng Trần Hải Phụng... đã đến tận các chốt biên giới thăm hỏi, động viên cán bộ, chiến sĩ bám trụ, dũng cảm chiến đấu giữ vững biên cương Tổ quốc.