Hội thi thể thao các dân tộc thiểu số tỉnh Gia Lai 2022: Thắt chặt đoàn kết, nhân lên tình yêu thể thao
Hội thi thể thao các dân tộc thiểu số tỉnh Gia Lai năm 2022 do Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch tổ chức vừa khép lại sau 3 ngày tranh tài sôi nổi, để lại ấn tượng sâu đậm trong lòng khán giả. Hội thi là dịp để đánh giá hoạt động thể thao, công tác bồi dưỡng rèn luyện vận động viên (VĐV) và góp phần thắt chặt tình đoàn kết dân tộc để cùng nhau gìn giữ và phát triển các môn thể thao truyền thống.
Những màn tranh tài gay cấn
Hội thi thu hút 396 VĐV đến từ 15 huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh (thị xã An Khê và huyện Chư Sê không tham gia) tranh tài ở 7 môn gồm: bóng đá nam (5 người); bóng chuyền nam; bắn nỏ (nam, nữ); chạy cà kheo (nam, nữ); đẩy gậy (nam, nữ); kéo co (nam, nữ); việt dã (nam, nữ). Trong 3 ngày diễn ra, hội thi luôn tràn ngập không khí sôi động, các VĐV nỗ lực thi đấu với tinh thần thể thao cao thượng, quyết tâm giành thành tích cao nhất cho đơn vị mình.
Mở đầu hội thi là nội dung việt dã cự ly 3 km đối với nữ, cự ly 5 km đối với nam. Vận động viên các đoàn ở nhiều độ tuổi khác nhau nhưng đều thể hiện quyết tâm giành chiến thắng. Huyện Đak Đoa tiếp tục khẳng định thế mạnh khi giành 4 huy chương vàng ở các nội dung: cá nhân nam/nữ, đồng đội nam, đồng đội nữ. Bên cạnh đó, các VĐV của đoàn còn đạt 1 huy chương bạc cá nhân nam và 1 huy chương đồng cá nhân nữ. Với sức bền và tốc độ vượt trội, em R-Noa (làng Adơk Kông, xã A Dơk, huyện Đak Đoa) đã xuất sắc đoạt huy chương vàng nội dung cá nhân nữ. Em chia sẻ: “Để chuẩn bị cho hội thi, toàn đội việt dã đã nỗ lực tập luyện và thể hiện quyết tâm cao. Em rất vui vì đã giành được huy chương vàng”.
Ở môn bóng chuyền nam đã diễn ra nhiều trận bóng kịch tính, gay cấn ngay từ vòng bảng. Đội bóng chuyền huyện Ia Pa và thị xã Ayun Pa lần lượt vượt qua các đối thủ để góp mặt ở trận chung kết. Nhờ vượt trội về chiến thuật, kỹ thuật cùng sự phối hợp nhịp nhàng, đội bóng chuyền huyện Ia Pa đã giành chiến thắng với tỷ số 3-1, đoạt huy chương vàng.
Nếu như ở các môn bóng đá, kéo co, bóng chuyền đòi hỏi tính tập thể, đoàn kết cao trong thi đấu thì ở các môn cá nhân như: đẩy gậy, bắn nỏ, chạy cà kheo, các VĐV lại thể hiện sự nỗ lực, kỹ thuật cá nhân để đạt thành tích cao nhất. Trong đó, đẩy gậy là môn thể thao có nhiều nội dung với 7 hạng cân nữ và 10 hạng cân nam, đòi hỏi VĐV không chỉ có đôi tay khỏe mà còn phải khéo léo, sử dụng đấu pháp hợp lý, có kỹ thuật tốt.
Sau khi giành huy chương vàng ở nội dung bắn nỏ cá nhân nam, VĐV Puih Quang (huyện Chư Pưh) phấn khởi cho biết: “Dù biết bắn nỏ từ nhỏ, nhưng để đạt thành tích cao tại hội thi lần này, tôi đã tập luyện tích cực trong 3 tuần liền. Tôi rất vui vì đã đoạt huy chương vàng. Hội thi là cơ hội để các VĐV cọ xát, học hỏi và chia sẻ kinh nghiệm cho nhau”.
Thành phố Pleiku là đơn vị có phong trào thể dục thể thao phát triển mạnh khi liên tục xếp vị trí nhất toàn đoàn ở nhiều hội thi. Lần này, đoàn thành phố có 91 VĐV tham gia ở cả 7 nội dung thi đấu. Với ưu thế vượt trội, đoàn VĐV TP. Pleiku tiếp tục bảo vệ vị trí nhất toàn đoàn với 281 điểm, giành 6 huy chương vàng, 13 huy chương bạc và 8 huy chương đồng. Ông Nguyễn Như Thành-Phó Giám đốc Trung tâm Văn hóa-Thông tin và Thể thao TP. Pleiku, Trưởng đoàn VĐV thành phố-cho hay: “Thông qua đại hội thể dục thể thao các xã, phường, chúng tôi đã chọn lựa những VĐV có thành tích tốt tham gia hội thi. Trước khi thi đấu 1 tuần, đơn vị tập trung đội tuyển, tích cực tập luyện với quyết tâm đạt kết quả cao nhất”.
Thắt chặt tình đoàn kết
Sau 3 ngày thi đấu sôi nổi, Hội thi thể thao các dân tộc thiểu số toàn tỉnh năm 2022 đã thành công tốt đẹp. Ở mỗi nội dung thi đấu, các VĐV đều nỗ lực hết mình để mang thành tích về cho địa phương. Ban tổ chức đã trao 35 bộ huy chương cho các VĐV và tập thể đạt thành tích tốt ở các nội dung thi đấu. Trong đó, TP. Pleiku xuất sắc giành giải nhất toàn đoàn với 281 điểm, về nhì là huyện Đak Đoa với 239 điểm, thứ ba là huyện Chư Pưh với 115 điểm.
Hội thi thể thao các dân tộc thiểu số toàn tỉnh được Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch tổ chức thường niên. Tuy nhiên, do dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, hội thi năm 2021 bị gián đoạn cho đến nay mới kết thúc. Trong thời gian diễn ra hội thi, thời tiết ở TP. Pleiku không được thuận lợi, mưa nhiều. Ban tổ chức đã sắp xếp cho VĐV thi đấu ở 3 địa điểm: Nhà Thi đấu tỉnh, Nhà Thi đấu TP. Pleiku, Quảng trường Đại Đoàn Kết. Nhiều khán giả ở huyện Krông Pa, Kbang, Kông Chro và thị xã Ayun Pa không quản ngại xa xôi vẫn đến xem, khích lệ, tiếp sức để các VĐV thi đấu.
Vận động viên Nay H’Khoanh (thị xã Ayun Pa) chia sẻ: “Sau 2 năm bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19, chúng tôi mới có cơ hội tham gia thi đấu giải thể thao vui và hấp dẫn như thế này. Mọi người đến xem và cổ vũ rất đông, điều đó chứng tỏ các môn thể thao truyền thống luôn có sức hấp dẫn riêng. Thi đấu thì phải có người thắng, người thua nhưng tất cả đều vui vẻ, bởi ngoài thi thố tài năng thì đây là cơ hội để mọi người giao lưu học hỏi, góp phần gìn giữ các môn thể thao truyền thống của địa phương”.
Ông Trần Ngọc Nhung-Giám đốc Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch, Trưởng ban tổ chức hội thi-đánh giá: Được sự quan tâm của cấp ủy và chính quyền các địa phương, phong trào thể dục thể thao ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số có bước phát triển nhanh và khá vững chắc. Các môn thể thao dân tộc, các trò chơi dân gian được khôi phục và phát triển, tỷ lệ bà con dân tộc thiểu số tham gia tập luyện thể dục thể thao ngày càng tăng. Các đơn vị đã có sự đầu tư trong tập luyện, chất lượng VĐV nâng cao qua từng giải. “Hội thi là dịp để đồng bào các dân tộc thiểu số xây dựng mối quan hệ đoàn kết, gắn bó, tạo không khí vui tươi lành mạnh, nâng cao sức khỏe và góp phần bảo tồn, phát triển các môn thể thao truyền thống. Qua hội thi, Sở tuyển chọn những VĐV xuất sắc đại diện cho tỉnh tham gia Hội thi thể thao các dân tộc thiểu số toàn quốc khu vực II được tổ chức tại tỉnh Quảng Ngãi vào tháng 6-2022”-ông Nhung nói.