Hơi thở của mùa xuân

Cái lạnh cắt da cắt thịt đang dần nhường chỗ cho sự dịu dàng ấm áp. Mưa phùn lất phất trên những bông mận trắng trước nhà, chưa đủ để ướt áo nhưng vẫn khiến người ta cảm nhận rõ sự hiện diện của mùa xuân.

Minh họa: Lê Trí Dũng

Minh họa: Lê Trí Dũng

Đang ngồi sửa sang lại mấy cái khèn chuẩn bị cho phiên chợ ngày mai, phiên chợ cuối cùng của năm, bất chợt A Páo thả con dao xuống và lao thật nhanh ra khỏi nhà. Si thấy lạ, lẩm bẩm: “Chả hiểu người kiểu gì nữa”.

A Páo chạy ra con đường có rặng đào rừng. Mưa xuân lắc rắc như muốn đánh thức những nụ hoa còn đang ngái ngủ. Nhìn những nụ hoa chúm chím mà A Páo cứ nghĩ đến đứa con đang nằm trong nôi, da nó cũng trắng hồng, môi nó cũng đỏ như cánh đào rừng này. Nghĩ thế, A Páo thấy vui vui. Bạn bè cứ bảo vợ chồng nhà này không biết đẻ, liền hai đứa con gái mà A Páo lúc nào cũng hớn hở. Nhưng A Páo được đi học, A Páo suy nghĩ khác. Con nào mà chẳng là con. Do vợ chồng mình vất vả sinh ra nên con trai hay con gái A Páo đều thương yêu hết.

A Páo nhớ lại năm trước, theo chỉ đạo của huyện và xã, với cương vị là bí thư chi đoàn anh đã huy động thanh niên trong xã cùng bà con bản Hô Tan ươm trồng, chăm sóc rặng đào rừng dọc hai con đường từ bản vào trung tâm xã, phát triển một số đồi chè sinh thái, vận động bà con đưa hàng hóa xuống chợ phiên mới mở vào mỗi chủ nhật cuối tháng nhằm thu hút khách du lịch, để người dân có thêm thu nhập. Ngày trước bà của A Páo, mẹ của A Páo cũng chẳng biết bán gì đâu, nhà trồng được gì ăn nấy, ăn không hết thì cứ để dành góc nhà, ai cần thì cho thôi. Một năm chắc chỉ xuống chợ huyện một lần vào dịp giáp Tết để sắm sửa ít bánh kẹo, mua thêm cân mỡ với ít thuốc cảm cúm, đau bụng... Bây giờ có chợ phiên rồi, cả bản cả xã cùng nhau xuống chợ, đời sống của người dân vơi bớt khó khăn, và quan trọng là bà con được tiếp xúc với nhiều người nên mở mang thêm kiến thức. Còn đám thanh niên thì vui ra mặt, hôm nào chúng chả muốn có chợ phiên.

Thoạt đầu dân bản Hô Tan còn hoang mang lắm khi nghe cán bộ tuyên truyền: Bà con trồng được cây gì, nuôi được con gì cứ mang xuống chợ phiên để bán; bán được lại có tiền để mua các thứ mà nhà mình không có. Vậy mà lúc đầu ngay cả bà của A Páo, mẹ của A Páo chần chừ mãi. Họ đã quen với việc ngày mùa lên nương, còn lại ở nhà trồng rau, dệt vải. Góc nhà bí đỏ chất một góc cao, ngô ngoài sân trong bếp cũng nhiều, rau ngoài vườn thì nhiều lắm. Là bí thư đoàn, được đi học hỏi nhiều nên A Páo biết, người ngoài huyện và khách du lịch rất chuộng đồ thực phẩm sạch nên A Páo kiên trì động viên bà con.

- Cán bộ ơi, nhỡ không bán được đến trưa rau héo hết thì làm thế nào?

- Bà con yên tâm! Rau sạch mình không lo ế. Nếu hôm nào không bán hết bà con mang về ủy ban xã, đồn biên phòng và trường học, các cán bộ và thầy cô giáo sẽ mua ủng hộ. Bà con cứ yên tâm trồng trọt, chăn nuôi cho tốt nhé!

- Chanh leo nhà Mùa A Sung cũng thu hái được rồi, nhớ hái mang xuống chợ nhé...

Tiếng trò chuyện, trao đổi í ới lẫn trong tiếng gió núi mênh mang. Được đi chợ gần nhà, lại có được đồng ra đồng vào nên bà con thấy phấn khởi vô cùng. Họ hẹn nhau cùng lên nương trẩy ngô, cùng đi đào củ gừng rồi gùi xuống chợ.

***

A Páo lùa đàn dê ra phía sau núi để thả. Bà Thứ chạy ra dặn với theo: “Con nhớ cắt gùi lá dong để sáng mai con Si mang xuống chợ phiên bán bớt nhé, nhà mình nhiều lắm, gói hai đợt bánh cũng chả hết lá được”. A Páo “vâng” rồi xua đàn dê về phía núi.

Núi vẫn mơ màng ngủ. Những giọt sương mai lấp lánh trên những búp cỏ non. Nhìn đàn dê tranh nhau ăn, A Páo thầm biết ơn các cán bộ đã kết nối với ngân hàng chính sách xã hội cho vay vốn phát triển kinh tế. Ở bản Hô Tan này, A Páo là người đầu tiên dám đứng ra vay tiền ngân hàng để chăn nuôi phát triển kinh tế gia đình. Trước đây một số bà con ở bản ở xã cũng từng được vay tiền để chăn nuôi, nhưng cầm tiền về nhà họ lại không dám đi mua con giống, sợ rằng không nuôi được lại phải đền tiền nên tiền cứ gói kỹ, cất kín một chỗ, đến kỳ trả nợ thì đem trả. Có người còn rút ăn tiêu dần, cứ thế đến kỳ thu gốc phải bù vào để mà trả nợ. Nhưng bây giờ thì khác rồi. Thấy A Páo vay tiền đầu tư sản xuất mang lại hiệu quả kinh tế, bà con cũng dần thay đổi nếp nghĩ, nếp làm...

Mùa xuân vẫn ngập ngừng đùa giỡn trên những búp non. Con đường trước mắt trập trùng thăm thẳm, cỏ lau trắng xóa hai bên đồi như đang hát những lời thì thầm của mùa xuân. Nhưng A Páo chỉ nghĩ đến con đường mịt mùng trước mắt đã hằn in dấu chân người bố lúc nào cùng tất bật vội vàng. Chỉ trừ những khi ngồi dưới chái hiên chế tác khèn, còn lại hiếm khi A Páo thấy bố thảnh thơi. Ngực A Páo chợt nhói đau khi nghĩ về bố. Bố đã đi xa gần chục mùa hoa lê rồi mà sao A Páo thấy bố như vẫn đang ngồi cặm cụi nấu đồng rèn lam, chiếc chén nhỏ xíu nặn bằng đất từ thời ông nội để lại đang được bố ủ giữa lửa than hồng rực. Dáng người nhỏ nhắn, chiếc mũ nồi cũ kỹ, gương mặt xương xẩu đầy khắc khổ, A Páo không thể nào quên. Bữa cơm cuối cùng bố ăn vội vàng cùng hai mẹ con trước khi có tín hiệu gọi nhau. Lần đi ấy bố đi mãi không về.

Khoảng gần chục năm trước, trong một lần đi tìm dê lạc, bố A Páo phát hiện những thửa ruộng bậc thang trồng cây thuốc phiện được gieo trồng xen với rau cải và cỏ ngựa đan kín. Nhớ lời cán bộ tuyên truyền về tác hại của thuốc phiện, sau một hồi suy nghĩ rất lâu, cuối cùng bố A Páo đi bộ ba cây số xuống xã báo cáo tình hình. Mấy hôm sau, khi bố A Páo đang ngồi sửa chiếc khèn thì có hai người đến tìm bố, không biết họ nói với nhau những gì mà từ hôm ấy bố A Páo vắng nhà triền miên. Rồi mẹ con A Páo được trưởng bản cho biết bố đã bị bọn người xấu sát hại vì bố đã báo tin và dẫn đường cho lực lượng công an, biên phòng triệt phá thung lũng thuốc phiện. Phải mất nhiều năm mẹ con A Páo mới quen được sự thiếu vắng bố trong ngôi nhà dưới chân núi lúc nào cũng đẫm hơi sương.

***

Mùa xuân về, đất trời rạo rực theo tiếng khèn bồng bềnh da diết. Si gọi đứa con gái năm tuổi dậy. Nó uể oải kêu lạnh quá. Trẻ con cũng thật khó dậy sớm khi gió núi cứ hun hút thế này. Nghĩ vậy nên A Páo nói vọng vào.

- Thế Chi ở nhà ngủ, không đi chợ phiên nữa nhé. Nhưng không đi chợ Tết sẽ tiếc lắm đấy, em bé mà biết đòi đi chợ thì chị Chi cũng chẳng được đi.

A Páo nói xong đã thấy con bé đứng dụi mắt ở hè. Anh lấy áo ấm mặc thêm cho con gái. Trong khi chờ vợ cho đứa nhỏ ăn no để mẹ ở nhà trông cháu, A Páo ra kiểm tra gùi của hai vợ chồng. Gừng tươi, đỗ đen, mộc nhĩ, lá dong, ngô và ba cái khèn, tất cả đã sẵn sàng để xuống chợ phiên.

Hai vợ chồng đeo gùi lên lưng, dắt con gái đi xuống dốc núi. Một buổi sớm thật bình yên. Gió không còn làm run rẩy những bông đào rừng đang chúm chím. Dãy núi trước mắt vẫn trùm chăn bông ngủ ngon lành. Bất chợt bà Thứ chạy ra nói với theo: “Con nhớ mua lá cờ Tổ quốc mới nhé. Tết đến cũng phải thay cờ mới cho đẹp và may mắn cả năm”. Si khẽ “vâng” mà lòng vui khó tả. Cô đang mường tượng đến mùa lễ hội, hương rượu men lá tỏa thơm khắp bản. Lũ trẻ trêu đùa nô nghịch suốt ngày. Cây lê cây mận phấn khởi khoe những mầm non. Cây hồng nhà mẹ Si quả cũng chín vàng lúc lỉu, trưa nay đi chợ về Si sẽ tạt vào thăm mẹ tiện thể xin một cành về bày Tết. Hàng đào rừng mà chồng Si cứ mất ăn mất ngủ lo cây không lớn, lo cây không ra hoa kịp mùa xuân đang đua nhau nở hoa đỏ một góc trời. Si nhìn sang chồng, chả biết A Páo đang nghĩ gì mà mắt mơ màng quá thể.

Mưa xuân nhẹ nhàng đậu trên chiếc khăn thổ cẩm, Si cứ kệ, đấy là quà của mùa xuân tặng Si đấy. Lòng người như đang được ủ men vậy. Si nghe rõ tiếng cỏ cây ca hát, cả tiếng dòng suối mùa cạn cũng đang réo rắt giữa trời xuân. Bất chợt con gái kéo tay Si hỏi:

- Mẹ ơi, cứ khi nào hoa đào nở là Tết về hả mẹ?

- Ừ đúng rồi con ạ! Hoa đào là loài hoa báo xuân, từ ngày xưa tổ tiên nhà mình đã bảo là thấy đào là thấy Tết.

- Thảo nào bố mong hoa đào nở thế mẹ nhỉ? Tết năm nay có cả một đường hoa đào ở bản mình, vui thế cơ mà!

Tiếng đứa trẻ cứ líu ríu suốt dọc đường, chả mấy chốc khu chợ chìm trong sương đã hiện ra trước mắt. Hai vợ chồng giục con rảo bước nhanh hơn. Bất chợt bé Chi reo lên: “Bố ơi trong chợ cũng có mấy cây đào đang nở hoa kìa”. A Páo nhìn con cười âu yếm, cảm nhận thật rõ hơi thở ấm áp của mùa xuân.

Phạm Đào

Nguồn Hà Nội Mới: https://hanoimoi.vn/hoi-tho-cua-mua-xuan-689573.html