Hội trường 15 tỷ ở Hậu Giang sập mái vì 'rút ruột', sai thiết kế: Trách nhiệm của ai?
Hàng loạt sai phạm dẫn đến việc mái hội trường UBND thị trấn Ngã Sáu vừa đưa vào sử dụng đã bị sập. Trong đó, nguyên nhân chủ yếu được xác định do công trình bị 'rút ruột', sai thiết kế nghiêm trọng.
Sập mái hội trường là do công trình bị “rút ruột”, sai thiết kế
Liên quan vụ sập mái Hội trường thị trấn Ngã Sáu (huyện Châu Thành, tỉnh Hậu Giang), mới đây, Sở Xây dựng tỉnh Hậu Giang đã có báo cáo kết quả giám định nguyên nhân vụ việc cho thấy, hội trường bị sập do công trình bị 'rút ruột', sai thiết kế nghiêm trọng.
Cụ thể, Viện Khoa học Công nghệ xây dựng (Bộ Xây dựng) đã chỉ ra nhiều nguyên nhân trực tiếp được dẫn đến sự cố sập Hội trường thị trấn Ngã Sáu. Cụ thể như: kết cấu mái thép thi công không đảm bảo khả năng chịu lực; vít liên kết một số vì kèo không đúng chủng loại (loại C thay cho B2); số lượng vì kèo mái ít hơn thiết kế 21 kèo; kết cấu mái không có hệ thống giằng chéo theo thiết kế; không có bản tính toán thiết kế kết cấu từ móng đến mái...
Ngoài ra, đơn vị chức năng còn chỉ ra nhiều nguyên nhân gián tiếp dẫn đến sự cố sập mái hội trường như, Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng thực hiện chưa đầy đủ trách nhiệm, nhiệm vụ. Cụ thể, lựa chọn tổ chức, cá nhân tham gia dự án khi chưa đáp ứng năng lực, thiếu kiểm tra, giám sát để xảy ra sự cố công trình. Nhà thầu thi công không có lý lịch máy móc, thiết bị vốn có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn lao động khi đưa vào công trình; thi công chưa tuân thủ quy định hồ sơ thiết kế được duyệt, không mua bảo hiểm đối với người lao động,…
Điều đáng nói, các đơn vị tham gia thực hiện công trình trên gồm Công ty TNHH Tư vấn đầu tư xây dựng Vĩnh Phát (đơn vị khảo sát địa hình, lập báo cáo kinh tế kỹ thuật xây dựng), Công ty TNHH Tư vấn đầu tư xây dựng Tân Hưng Phát (đơn vị tư vấn thẩm tra), Công ty TNHH Tư vấn thiết kế và Xây dựng 379 (đơn vị giám sát thi công) và Công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ Huỳnh Trân (đơn vị thi công).
Tuy nhiên, nhiều đơn vị tham gia thực hiện công trình này chưa có chứng chỉ hoạt động xây dựng của tổ chức theo quy định tại Thông tư số 17/2016 của Bộ Xây dựng.
Trách nhiệm của ai?
Tổng thiệt hại từ sự cố sập mái ở Hội trường UBND thị trấn Ngã Sáu là hơn 500 triệu đồng, trong đó phần mái bị sập thiệt hại hơn 430 triệu đồng, chi phí kiểm định hơn 387 triệu đồng. Dư luận đặt ra câu hỏi về trách nhiệm của cá nhân, tổ chức liên quan vụ việc trên.
Trao đổi với PV Kiến Thức, Luật sư Hoàng Tùng, Trưởng Văn phòng Luật sư Trung Hòa (Đoàn Luật sư TP Hà Nội) cho rằng, theo quy định tại Nghị định số 46/2015 về quản lý chất lượng và bảo trì công trình xây dựng, đối với mỗi một công trình xây dựng, phía chủ đầu tư và ban quản lý dự án đầu tư xây dựng sẽ phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về những vấn đề liên quan đến thực hiện công trình, chất lượng và bảo trì công trình xây dựng.
Đối với sự việc hội trường UBND thị trấn Ngã Sáu bị sập mái, các cơ quan chức năng kết luận, nguyên nhân là có hành vi “rút ruột” công trình, thi công sai thiết kế thì Ban quản lý dự án đầu tư huyện Châu Thành sẽ là đơn vị đầu tiên phải chịu trách nhiệm về sự việc và hậu quả này.
Do đó, các cơ quan ban ngành cần phải thanh tra, điều tra làm rõ trách nhiệm của từng cá nhân tham gia thực hiện các công việc và trong ban quản lý dự án này.
“Cần làm rõ các cá nhân có ai thiếu trách nhiệm trong nhiệm vụ, công việc của mình dẫn đến việc lựa chọn các tổ chức, cá nhân tham gia dự án khi chưa đáp ứng yêu cầu năng lực, thiếu trách nhiệm trong kiểm tra giám sát dẫn đến hậu quả nêu trên để tiến hành xử lý theo quy định của pháp luật”, Luật sư Hoàng Tùng cho hay.
Hành vi thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng nêu trên có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng theo điều 360 Bộ luật hình sự năm 2015 sửa đổi bổ sung năm 2017 với hình phạt cao nhất có thể lên đến 12 năm tù.
Luật sư Hoàng Tùng cho rằng, các đơn vị nhà thầu trong quá trình thực hiện dự án xây dựng hội trường nêu trên cũng phải chịu trách nhiệm về hậu quả nêu trên.
“Cần phải tiến hành xem xét các cá nhân, tổ chức có liên quan đến sự việc trên có hành vi vi phạm nào không? Hành vi đó có liên quan đến hậu quả nêu trên không? Sai phạm ở đâu và sai phạm như thế nào để tiến hành xử lý theo đúng quy định của pháp luật”, Luật sư Tùng cho hay.
Đối với các đơn vị tham gia thực hiện công trình chưa có chứng chỉ hoạt động xây dựng sẽ bị xử phạt theo quy định tại khoản 2 Điều 23 Nghị định 139/2017/NĐ-CP về quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động đầu tư xây dựng; khai thác, chế biến, kinh doanh khoáng sản làm vật liệu xây dựng, sản xuất, kinh doanh vật liệu xây dựng; quản lý công trình hạ tầng kỹ thuật; kinh doanh bất động sản, phát triển nhà ở, quản lý sử dụng nhà và công sở thì phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng.
Đây là mức phạt áp dụng cho tổ chức, đối với cá nhân thì áp dụng 1/2 mức phạt nêu trên.
Đồng thời, tổ chức hoạt động xây dựng trong trường hợp trên còn bị áp dụng hình thức xử phạt bổ sung là đình chỉ hoạt động xây dựng từ 6 tháng đến 12 tháng theo quy định tại Điểm c Khoản 4 Điều 23 Nghị định 139/2017/NĐ-CP.
Đối với hành vi “ rút ruột” công trình, thi công sai thiết kế, luật sư Hoàng Tùng cho rằng, hành vi này là vi phạm pháp luật.
“Đây là hành vi nguy hiểm gây ảnh hưởng lớn đến chất lượng công trình và sự an toàn của người dân. Cần phải tiến hành điều tra làm rõ xem ai là người rút ruột công trình? Rút ruột bao nhiêu? Bởi hành vi này có dấu hiệu của “ tham ô tài sản””, Luật sư Hoàng Tùng nêu ý kiến.
Điều 353 BLHS năm 2015 sửa đổi bổ sung năm 2017 quy định về Tội tham ô tài sản: “Người nào lợi dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản mà mình có trách nhiệm quản lý trị giá từ 2.000.000 đồng đến dưới 100.000.000 đồng hoặc dưới 2.000.000 đồng nhưng thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm:..”
Nếu giá trị phần công trình bị rút ruột càng lớn thì mức xử phạt càng nặng có thể lên tới chung thân hoặc tử hình.
Luật sư Hoàng Tùng cho rằng, thực tế hiện nay tình trạng rút ruột công trình diễn ra rất phổ biến từ các công trình nhỏ cho đến lớn. Ngoài nguyên nhân từ phía các cá nhân muốn kiếm lợi ra thì nguyên nhân chủ yếu là do khâu tiến hành chọn nhà thầu còn nhiều lỏng lẻo và sự có mặt của căn bệnh “ lại quả” cho chủ đầu tư nên xảy ra tình trạng các nhà thầu tuy không đủ, không đạt năng lực và yêu cầu vẫn trúng thầu dẫn đến các sự cố, hậu quả như trên.
Do vậy, các cơ quan, tổ chức ban ngành cần quán triệt nghiêm khắc vấn đề này để tránh tình trạng nêu trên tiếp tục tái diễn.
Mời độc giả xem video Công an vào cuộc vụ sập mái Hội trường ở Hậu Giang: