Hội trưởng Hội CCB xóm cầm đầu đường dây làm giấy tờ giả để hưởng chế độ chính sách
Các đối tượng đã câu kết với nhau, làm giả cả trăm văn bản là Quyết định 62 nhằm trục lợi chế độ khám, chữa bệnh để bán cho nhiều người. Cầm đầu đường dây này là Hội trưởng Hội Cựu chiến binh xóm Lê Xuân Thu.
TAND huyện Đô Lương (tỉnh Nghệ An) vừa mở phiên tòa hình sự sơ thẩm xét xử các bị cáo: Nguyễn Sỹ Ấn (55 tuổi, trú xã Nhân Sơn, huyện Đô Lương); Nguyễn Bá Dương (49 tuổi, trú xã Nghi Kiều, huyện Nghi Lộc); Lê Xuân Thu (69 tuổi, trú xã Nghi Thịnh, huyện Nghi Lộc); Hồ Đình Trọng (41 tuổi, trú xã Trung Phúc Cường, huyện Nam Đàn) về tội “Làm giả tài liệu của cơ quan, tổ chức”.
Đây là vụ án được dư luận quan tâm, bởi các bị cáo đã dụ dỗ nhiều bị hại tham gia hành vi mua bán bất hợp pháp quyết định “giả” nhằm trục lợi hưởng chế độ khám, chữa bệnh được bảo hiểm xã hội chi trả.
Hồ sơ vụ án thể hiện, trong quá trình làm việc cán bộ xã Hiến Sơn, huyện Đô Lương phát hiện nhiều người đã và chưa từng tham gia quân đội, không thuộc diện được hưởng chế độ theo Quyết định 62/2011/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ quy định về đối tượng tham gia chiến tranh bảo vệ Tổ quốc và làm nhiệm vụ quốc tế nhưng lại được cấp thẻ bảo hiểm y tế miễn phí.
Công an vào cuộc điều tra và từng bước phát hiện đường dây làm giả quyết định trên một cách tinh vi, do nhóm người từ các huyện Đô Lương, Nam Đàn, Nghi Lộc thực hiện.
Người khởi xứng đường dây mua bán Quyết định 62 giả này là Lê Xuân Thu. Năm 2017, Thu làm Hội trưởng Hội Cựu chiến binh xóm nên được biết có chế độ theo QĐ 62. Theo chế độ này, những người được hưởng QĐ 62 sẽ được làm bảo hiểm y tế miễn phí trọn đời và được nhận tiền mai táng phí sau khi chết.
Nhằm thu lợi bất chính, Thu đã nảy sinh ý định làm QĐ 62 giả để bán cho những trường hợp không nằm trong diện này. Để thực hiện điều đó, ông ta nghĩ ra cách lấy phần dấu đỏ ở QĐ 142 của bản thân để chắp nối, đánh máy ghép vào QĐ 62 cho người khác.
Lê Xuân Thu vào TP. Vinh, tìm tới quán photo do Hồ Đình Trọng làm chủ. Lúc đầu, do Thu nói làm Quyết định này chỉ về để hưởng chế độ bảo hiểm nên Trọng đồng ý làm. Với 1 bản Trọng thu từ 50 nghìn đến 100 nghìn đồng. Từ năm 2017 tới khi vụ việc được phát hiện, Trọng đã làm được 100 văn bản là QĐ 62 giả với tổng số tiền khoảng 10 triệu đồng.
Thu còn nhờ Trọng in màu làm quyết định giả này một cách tinh vi. Tháng 6/2019, Thu tới nhà một người bạn tên là Nguyễn Bá Dương cũng là bạn đi bộ đội về. Thu nói với Dương xem có ai cần làm QĐ 62 thì nói Thu làm cho. Mỗi quyết định sẽ lấy từ người có nhu cầu là 1,5 triệu đồng, còn Dương lấy từ 2,5 triệu đến 4,5 triệu đồng. Tổng số tiền ông Dương thu lợi bất chính được khoảng 50 - 60 triệu đồng.
Năm 2020, nghe thông tin Nguyễn Bá Dương làm được QĐ 62 thì Nguyễn Sỹ Ấn liền liên lạc với Dương tìm mối làm quyết định giả này. Ấn đã nhờ Dương làm 35 quyết định giả, thu lợi bất chính 37,1 triệu đồng.
Qua xem xét những văn bản quyết định giả này được làm giả một cách tinh vi từ văn bản đánh máy, nội dung đến con dấu, chữ ký nháy, chữ ký của lãnh đạo đều được làm bằng phương pháp in phun màu. Nếu bằng mắt thường, rất khó để phân biệt được đâu là thật, đâu là giả. Cơ quan chức năng xác định, có 43 trường hợp dùng QĐ 62 giả để làm hồ sơ hưởng chế độ chính sách một cách trót lọt.
Trước bục khai báo, các bị cáo khai do dễ kiếm tiền từ cách làm trên, đồng thời với sự tiếp sức của bị cáo Trọng trong việc làm giả các quyết định một cách đơn giản, giá lại rẻ nên đã cùng nhau móc nối thực hiện các “phi vụ” trục lợi bất chính. Các bị cáo thể hiện sự hối lỗi, xin được giảm nhẹ hình phạt.
Sau khi xem xét vai trò của từng bị cáo trong vụ án, HĐXX tuyên phạt bị cáo Lê Xuân Thu 42 tháng tù giam; bị cáo Nguyễn Bá Dương 36 tháng tù giam; bị cáo Hồ Đình Trọng 30 tháng tù nhưng cho hưởng án treo; bị cáo Nguyễn Sỹ Ấn 24 tháng tù nhưng cho hưởng án treo. Tòa cũng yêu cầu truy thu tổng số tiền 140 triệu đồng mà các bị cáo thu lợi bất chính trong vụ án.