Hồi ức chân thực của một người lính thời chống Mỹ cứu nước
Nhân đọc tập Ký - Tản văn Tìm dấu chân xưa của Trần Ngọc Phượng, Nhà xuất bản Hội Nhà văn.
Tìm dấu chân xưa là tập sách thứ 5 của cựu chiến binh Trần Ngọc Phượng. Có thể nói đây là tập sách mà Trần Ngọc Phượng giãi bày được nhiều hơn hếtnỗi lòng của anh về những năm tháng gian lao, vất vả trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Những người trực tiếp tham gia chiến đấu như Trần Ngọc Phượng còn sống sót và trở về sau cuộc chiến đó là điều may mắn, là niềm hạnh phúc vô bờ. Bởi còn biết bao nhiêu người đã ngã xuống vì sự bình yên, đẹp giàu của Tổ quốc khi họ chưa kịp gặp lại người thân yêu của họ. Thậm chí có người ra đi mãi mãi, cho đến hôm nay sau nửa thế kỷ vẫn chưa tìm được hài cốt...
Tập sách gồm 16 bài viết ghi lại những cảm xúc chân thực của chính Trần Ngọc Phượng về những năm tháng gian lao mà hào hùng, khi mà cả dân tộc phải oằn mình tập trung tất cả cho cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Là người lính, trực tiếp tham gia chiến đấu trong những năm tháng ác liệt nhất nên những gì Trần Ngọc Phượng viết đều là những điều tâm huyết nhất, thật nhất, sống động nhất... về những gì anh đã trải qua, anh từng chứng kiến và nếm trải. Ở đó là những suy tư rất đời, rất người. Anh nhìn nhận vấn đề một cách thấu đáo và mang tính biện chứng cao. Với anh, nói hết những gì anh biết, anh nghe thấy, anh chứng kiến đó chính là nghĩa cử, là trách nhiệm; phần nào thể hiện sự tôn kính, sự biết ơn đối với nhân dân, bạn bè, đồng chí, đồng đội... của mình.
Những năm tháng ấy, chính là hành trang, là động lực, là sức mạnh, là niềm tin yêu bất diệt để anh sống, chiến đấu và làm việc hết mình cho đến ngày hôm nay.Thế hệ những thanh niên thời chống Mỹ cứu nước như Trần Ngọc Phượng thật đáng để chúng ta trân trọng,ngưỡng mộ và biết ơn. Bởi chính sức trẻ, sự nhiệt huyết và lòng yêu nước các anh đã gác lại mọi cái riêng tư cá nhân để đi theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc.
Lòng yêu nước đã ăn sâu trong huyết mạch của người lính Trần Ngọc Phượng. Chính điều ấy đã thôi thúc anh sống trọn vẹn bằng ý thức, niềm tin và trách nhiệm công dân cao cả của mình.Phẩm chất của người lính bộ đội cụ Hồ, cốt cách của một người chiến sĩ kiên trung luôn thôi thúc Trần Ngọc Phượng phải sống, chiến đấu, làm việc một cách tốt nhất có thể trong khả năng và sự cố gắng của bản thân mình.
Những điều anh viết về những năm tháng chiến tranh ác liệt ấy, người đọc không khỏi rưng rưng xúc động. Chính người trong cuộc kể lại nên lại càng thuyết phục hơn. Những chi tiết, con người, hành động, việc làm cụ thể và cả những quan sát, theo dõi ở các chiến trường, trận đánh khác... cũng đều được Trần Ngọc Phượng xâu chuỗi và phản ánh một cách rõ ràng, mạch lạc. Tất cả đều như những thước phim tư liệu quý về một thời đoạn lịch sử hào hùng nhưng đầy bi thương. Bởi sự sống và cái chết mong manh, những mất mát về con người không thể nào kể hết, nói hết. Nỗi đau dai dẳng, chất chồng đến thời hậu chiến và sẽ kéo dài... Bởi chiến tranh là đi kèm với đau thương và mất mát. Vết thương chiến tranh, nhất là vết thương lòng sẽ luôn đeo bám với những người thân yêu, ruột thịt và cả những người đồng đội, đồng chí của họ may mắn còn sống đến hôm nay.
“Mậu Thân đi qua. Bao người ngã xuống để tạo ra thế đứng, một thắng lợi chiến lược được mang tính bước ngoặt của cuộc chiến tranh chống Mỹ. Thế đứng ấy là dáng đứng Việt Nam tạc vào thế kỷ, là dáng đứng hiên ngang của anh giải phóng quân trên đường băng Tân Sơn Nhất...
Tiểu đoàn 605 của tôi vào Nam tháng 9 năm 1965, bổ sung cho Q5 (E5) công trường 5 (F5). Sau các trận Ông Đồn, Núi Đất rồi đến Mậu Thân, sống sót bị thương còn lại không đến trung đội. Có thể tôi là lính thông tin vô tuyến nên may mắn còn sống sót đến bây giờ.
Nhiều xác anh em còn lại trong thành phố. Hàng chục năm sau vẫn chưa tìm được hết các mộ chôn tập thể hàng trăm người ở Huế, ở các sân bay Biên Hòa, Tân Sơn Nhất...
Rung chuyển non sông, chấn động địa cầu
Đồng đội tôi đã hy sinh dũng cảm
Chưa đến được tận cùng chiến thắng
Súng trên tay ôm mảnh đất quê hương
Bao máu xương tạo ra bước ngoặt
Thế tiến công, tạc dáng đứng Việt Nam
Bao xương cốt còn trong lòng đất
Những hố chôn tập thể vẫn đang tìm”.
Những gì anh nói, anh viết đều rất rõ ràng, rành mạch không hề giấu giếm cho dù đó có thể là niềm vui hay nỗi buồn. Với tư cách là một chiến sĩ cách mạng, Trần Ngọc Phượng luôn đấu tranh với bản thân mình trên suốt chặng đường chiến đấu. Đôi lúc quá khó khăn, nguy hiểm, đói rét, bệnh tật, lằn ranh giữa sự sống và cái chết cận kề nhưng không làm anh gục ngã, anh đã vượt qua chính mình để chiến đấu vì một ngày mai tươi sáng...
Trần Ngọc Phượng hồi tưởng: “Mậu Thân để lại bao kỷ niệm sâu sắc trong đời lính của tôi. Năm 1968 tôi được bầu là Chiến sĩ thi đua. Sau đợt xuống đường, tôi được kết nạp vào Đảng đợt 19/5 trong đợt tổng tấn công chồm lên đợt 2. Lễ kết nạp được tổ chức sau trận càn phản kích của địch đánh vào căn cứ Bảo Bình, Long Khánh. Dũng cơ yếu, người bạn thân thiết đã hy sinh ngay cạnh tôi vì mảnh pháo dọn đường của địch xuyên đúng vào tim.
Những năm 1969, 1970, 1971 tiếp theo tình hình rất căng thẳng. Ta lại phải bắt đầu xây dựng các cơ sở bị bể. Mỹ dùng chiến thuật không vận đổ quân bắn phá khắp nơi. Một số người không chịu được cực khổ, ác liệt đã ra chiêu hồi. Bọn chúng khai báo linh tinh, dẫn đường chỉ điểm. Cứ mỗi lần như vậy phải dời cứ đào hầm...
Năm 1972, ta mở chiến dịch Nguyễn Huệ, xe tăng ta đã tấn công giải phóng Bình Long, tạo điều kiện cho việc thành lập Thủ đô Lộc Ninh của Chính phủ Cách mạng Lâm thời miền Nam Việt Nam và đàm phán tại Hội nghị Paris.
10 năm sống trong rừng, đã đi qua các chiến dịch Mậu Thân, Nguyễn Huệ, lòng bồi hồi xúc động trước cảnh tượng hùng vĩ của những đoàn quân tiến vào giải phóng Sài Gòn trong chiến dịch Hồ Chí Minh 1975. Các đoàn quân nối tiếp nhau trùng trùng điệp điệp, xe pháo ầm ầm tiến vào năm cửa ô trong không khí hào hùng nổi dậy của nhân dân” (Ký ức Mậu Thân).
Thư nhà là bài viết gây được nhiều sự cảm thông và sẻ chia nhất từ bạn đọc. Đó là niềm vui, sự mong mỏi tin tức từ gia đình mà bao nhiêu năm qua Trần Ngọc Phượng không thể liên lạc được (do sự chia cắt và khốc liệt của chiến tranh). Năm 1973, Trần Ngọc Phượng nhận được bức thư của gia đình, tức là sau 8 năm đằng đẵng từ lúc anh lên đường vào Nam chiến đấu, đây là lần đầu tiên anh có thông tin từ những người thân yêu, ruột thịt nhất của mình. Những nét chữ của cha cùng với bao tin tức quý giá về gia đình làm chotim anh thắt lại vì vui mừng. Cả nhà vẫn khỏe chỉ có điều có nhiều thay đổi sau gần hai đợt chiến tranh phá hoại của giặc Mỹ.
Là người nặng tình nên Trần Ngọc Phượng không lúc nào nguôi quên, mà lúc nào cũng nghĩ về người thân, gia đình mình ở nơi quê nhà Nam Định. Tháng 9/1965, anh rời Nam Định vào Nam, lúc đó không kịp từ biệt gia đình. Đọc những dòng nhật ký anh viết,làm người đọc không khỏi nghẹn ngào. “Khi đoàn tàu dừng ở ga Nam Định chờ tránh tàu lúc gần 10 giờ tối, thành phố vùa bị Mỹ ném bom, chìm trong bóng đêm. Tiếng còi báo động, tiếng xe cứu thương, tiếng người kêu khóc thảm thiết. Thành phố mất điện, trên trời thỉnh thoảng lóe lên vệt sáng của đạn pháo phòng không, của những ngọn đèn pha. Trên sân ga các đội tự vệ hối hả dọn đống gạch đổ nát, tìm kiếm những người bị thương. Cách đây 2 tháng trong trận ném bom đầu tiên vào Nam Định, địch đã phá hủy kho dầu và giết chết nhiều người dân ở ngay phố hàng Nâu của mình. Từ đây về nhà mình không xa mà không đi được. Khi tàu chuyển bánh, mình ngoái nhìn thành phố nơi gia đình mình sinh sống mà lòng nặng trĩu như đang tuột dần vòng tay gia đình. Nơi ngôi nhà nhỏ cuối phố có bà, ba, chị và hai em mình đang vật lộn với cuộc sống khổ cực trong chiến tranh. Gia đình mình nghèo. Sau khi mẹ mất, ba mình đưa 4 người con từ Sài Gòn ra Nam Định...
Năm 1962 đang học lớp 10 mình đi bộ đội. Tháng 9/1965 tưởng rằng hết nghĩa vụ mình sẽ là quân nhân chuyên nghiệp kiếm tiền phụ giúp gia đình, thì nhận được lệnh vào Nam gấp. Mình ân hận chưa làm gì để phụng dưỡng cha, để thay chị gánh vác gia đình. Mình cảm thấy có lỗi, dù lỗi ấy không phải tại mình. Nỗi niềm ấy cứ day dứt mãi. Cả nước chiến tranh. Mình ra đi nhẹ cánh chim bay, để lại sau lưng cả gia đình với bao khó khăn chồng chất...”.
Chính lá thư nhà của cha làm cho Trần Ngọc Phượng thêm niềm tin yêu và hy vọng. Đó là động lực để anh chiến đấu và sẽ cố gắng sống xứng đáng với niềm tin yêu của gia đình và quê hương.
10 năm trực tiếp tham gia chiến đấu ở chiến trường, tham gia nhiều trận chiến, đi đến nhiều nơi, gặp rất nhiều người, qua nhiều vùng đất, chứng kiến không biết bao cảnh tượng bi hùng... Có lẽ ám ảnh nhất đối với Trần Ngọc Phượng là sự hy sinh của những người đồng chí, đồng đội. Có người đang cùng hành quân bên anh thì bị trúng pháo và gục ngã (Dũng cơ yếu)... Bao nhiêu sự hy sinh dồn dập, có những trận đánh ta tiêu hao lực lượng quá nhiều!
Trần Ngọc Phượng nhớ tất cả từ khi mình bước chân vào Nam cho đến lúc đất nước hoàn toàn độc lập: anh đi những đâu, làm những gì, gặp những ai... và cả những băn khoăn, trăn trở, day dứt, xót thương về những điều đã xảy ra, những thứ đang hiện hữu ở hiện tại. Tất cả được anh kể lại rất cụ thể, chi tiết trong các bài: Tết rừng, Ký ức Mậu Thân, Ngã ba Cây Cầy, Đồng Đội, Thư nhà, Tình rừng, Bà Rịa thân thương, Cảm xúc tháng Tư, Đám cưới lính, Dọc đường miền Trung, Giỗ bạn, Lời thề ấy đi cả đời chưa trọn...
Với Trần Ngọc Phượng, cuộc sống ở rừng vô cùng phong phú: vui, buồn lẫn lộn. Nhưng cái bi thương luôn hiện diện trên mọi bước đường. Trong Tình rừng, có đoạn kể về một câu chuyện đau lòng của chị Chín Nụ. Đọc mà tim tôi nhói đau, nhưng trong hoàn cảnh bức thiết ấy không thể có giải pháp khác hơn. “Năm 1969 lính Mỹ, Úc mở cuộc càn quét lên núi Mây Tào, quyết tiêu diệt bệnh viện K76A và bắt sống thương bệnh binh đang điều trị ở đây. Chúng phục kích bao vây chung quanh chân núi. Đơn vị quyết định mở đường rừng, khiêng cáng dìu hàng trăm thương binh luồn rừng vượt qua vòng vây của địch. Đoàn đi trong đêm khẩn trương và giữ im lặng tuyệt đối. Trong đoàn có chị Chín Nụ bế theo đứa con mới sinh được mấy tháng. Khi gần đến trảng nơi địch đóng quân bỗng đứa bé khóc ré lên. Mọi người nhìn nhau lo lắng. Nếu địch phát hiện thì nguy. Chị Chín Nụ vội bịt mũi đứa bé. Khi vượt qua được vòng vây thì đứa bé đã tắt thở. Chị Chín ôm đứa con khóc ngất. Mọi người nhìn nhau đau đớn...”.
Cái nhìn nhân văn, tử tế, đầy nghĩa khí của người lính được thể hiện rõ nét trong bài Cảm xúc Tháng Tư. Sau chiến tranh, đất nước hòa bình, bao người lính chiến thắng trở về mang trong mình vết thương chiến tranh, di họa chất độc màu da cam vẫn đeo bám và cả những đói nghèo, khó khăn, bệnh tật. Tuy vậy, họ vẫn sống với một niềm tin yêu bất diệt.
Điều đặc biệt, ở tập Tìm dấu chân xưa bên cạnh 16 bài viết bằng văn xuôi thì ở phần phụ lục có 14 bài thơ được Trần Ngọc Phượng viết bằng cảm xúc của một người lính thực thụ, có những bài chép vội trên đường hành quân, lúc nghỉ trưa, hay ban đêm nơi rừng sâu, núi thẳm, ánh sáng hiếm hoi... Những bài thơ chép trên giấy pơ luya mà anh còn giữ lại cho đến hôm nay như là kỷ vật quý của đời lính. Tôi có may mắn được anh trực tiếp cho xem những bài thơ chép tay qua thời gian đã ố màu. Có những bài ghi chép cẩn thận, có những bài thơ chép vội và sửa đi sửa lại nhiều lần. Những dòng chữ ấy là tâm trạng, là cảm xúc và cả những suy tư của một con người luôn sống vị tha, đa cảm. Bài thơ Khóc bạn, Trần Ngọc Phượng viết tặng Dũng, người bạn thân thiết đã hy sinh cạnh anh trong trận chống càn tháng 6/1968 tại Bảo Bình, Long Khánh. Đó là tiếng khóc nghẹn, đau đớn đến sững sờ, thảng thốt! Mới đấy mà bạn đã vĩnh viễn rời xa!...
Dũng chết rồi, Dũng không còn nữa/ Tim không đập và ngực không còn thở/ Dũng chết rồi có phải thật không?/ Gương mặt đây máu vẫn tươi hồng/ Mắt nhắm lại hiền lành như giấc ngủ/ Ta bàng hoàng không sao tin được/ Dũng bỏ mình đi không nói đến một lời/ Hỡi bạn quê hương thương mến ơi/ Ta sống với nhau mấy mùa mưa nắng/ Bom đạn quanh mình sống chết vào ra/ mà nay đành phải cách xa/ Quân thù đã giết bạn ta mất rồi/ Máu xương đồng chí ta ơi!/ Xót xa căm giận sục sôi trong lòng/ Không bao giờ và chẳng bao giờ nữa/ Dù chỉ là trong một phút giây/ Nghe xôn xao quen thuộc đâu đây/ Một điệu dân ca Dũng thường hay hát/ Từ bữa nay cơm ăn, đói, no, mặn, nhạt/ Đường hành quân bão táp mưa sa/ Mỗi dòng sông ta qua/ Mỗi con đường ta bước/ Sao xót xa lòng ta muốn khóc/ Dũng thân yêu, Dũng chẳng còn đâu/ Chỉ còn đây nấm mộ đắp cao/ Chỉ còn đây mảnh đất này Long Khánh/ Mà năm tháng là tình sâu nghĩa nặng/ In dấu chân ta sương gió mấy mùa/ Thắm máu anh em mình vì độc lập tự do/ Ta lao tới quân thù/ Đuổi không còn tên xâm lược/ Đất nâng chân ta đất nóng bỏng căm hờn/ Đau thương không làm ta rơi nước mắt/ Món nợ này không thể nào quên.
Xuyên suốt trong Tìm dấu chân xưa của Trần Ngọc Phượng là bối cảnh của cả một thời kỳ lịch sử biến động và không thể nào quên. Vẻ đẹp tính cách, lòng yêu nước, niềm tự hào dân tộc được thể hiện rõ nét qua từng con người, từng số phận và của cả một dân tộc. Ở đó, là hình ảnh những chiến sĩ chiến đấu hết mình vì nền độc lập tự do cho Tổ quốc, những bà mẹ, những ông bố, những người dân luôn che chở, đùm bọc, giúp đỡ... góp phần làm nên cuộc kháng chiến thắng lợi hoàn toàn. Giờ đây, khi đất nước đã hòa bình, có độ lùi về thời gian, người chiến sĩ Trần Ngọc Phượng thuở nào vẫn nhớ như in từng thời khắc, từng dấu mốc, từng kỷ niệm vui buồn của đời lính...
Đại thắng mùa xuân 1975, đã mở ra một trang sử mới, Bắc - Nam sum họp một nhà, giang sơn thu về một mối, niềm vui như vỡ òa... Nhưng những vết thương chiến tranh vẫn còn đó, công lao, máu xương của các anh hùng, sự đùm bọc, cưu mang, chở che của nhân dân, sự hy sinh vô bờ của những người thân yêu ruột thịt... vẫn luôn nhắc nhớ mỗi người trong chúng ta phải luôn biết ơn, phải luôn phấn đấu để sống có ý nghĩa ở cuộc đời này.
Trong phần cuối của Thư nhà, Trần Ngọc Phượng giãi bày trong đẫm đầy nước mắt: “Chiến tranh rồi cũng qua. Hai năm sau, từ thành phố Sài Gòn sau giải phóng còn gần như nguyên vẹn, mình lên tàu Thống Nhất về thăm gia đình. Mọi người trong gia đình ôm chầm lấy nhau mà khóc. Thành phố xơ xác tan hoang sau chiến tranh, vẫn chưa kịp thu dọn. Nhà ga đổ nát. Tòa Thị chính nơi có 3 con rồng phun nước bị phá hủy hoàn toàn. Tòa nhà Câu lạc bộ có kiến trúc rất đẹp bên đường, chỉ còn đống gạch vụn. Nhưng may sao vẫn còn nguyên vẹn cột cờ biểu tượng của thành phố. Lá cờ hiên ngang tung bay trước gió trong tiếng còi tầm quen thuộc giữ nhịp sống của thành phố Dệt. Cuộc sống mới không kém phần cam go lại bắt đầu.
Nửa thế kỷ đã trôi qua. Bà, ba, chú em út, nhiều người thân trong gia đình và bạn bè mình đã thành thiên cổ. Mỗi lần về quê mình thích đạp xe đi quanh các phố: “Thành phố như bàn tay/ Ta ấp vào lồng ngực/ Đường phố như chỉ tay/ Dọc ngang trong ký ức”.Mình đidọc sông Đào, con sông đã chảy qua một thời tuổi thơ gian khó ấm áp tình thương của mình. Con sông nay vẫn mải miết như xưa những cảnh vật đã có nhiều thay đổi: “Con sông bây giờ, cũng đã khác xưa/ Không còn Bến Nứa, không còn con đò/ Mộ Bà, mộ Cha bên sông lộng gió/ Chỉ còn nỗi nhớ, mênh mang đôi bờ””.
Người cựu chiến binh Trần Ngọc Phượng khẳng định bằng những lời tâm huyết. “50 năm đã trôi qua. Những người lính Mậu Thân còn sống sót đang sống những ngày cuối đời hiểu hơn ai hết: Có Mậu Thân, Mỹ mới xuống thang đàm phán. Có 81 ngày đêm Thành Cổ Quảng Trị, có 12 ngày đêm Điện Biên Phủ trên không đánh bại cuộc tập kích máy bay B52 của Mỹ vào Hà Nội mới có Hiệp định Paris. Có 30 năm kháng chiến trường kỳ với bao hy sinh không thể kể xiết của toàn dân tộc mới có Đại thắng mùa Xuân thống nhất đất nước năm 1975. Không ai quên và được phép lãng quên lịch sử”.