Hồi ức của những người bước qua cuộc chiến

Họ rời gia đình khi tuổi mới đôi mươi và dâng hiến cả cuộc đời cho Tổ quốc. Khi đất nước thanh bình, họ lại bắt tay vào công cuộc dựng xây và chỉ thực sự nghỉ ngơi khi sức khỏe không còn cho phép. Trong suốt những câu chuyện dài về tuổi trẻ của mình, ít nhiều gì họ cũng đôi lần nhắc nhở: 'May mắn làm sao khi vẫn còn sống để trở về'!

Đến năm 2019, Thượng tá Nguyễn Văn Tưa mới chính thức nghỉ ngơi

Đến năm 2019, Thượng tá Nguyễn Văn Tưa mới chính thức nghỉ ngơi

"Đáng ra thì tôi không thể sống đến bây giờ!"

Ngồi dưới gốc thị thơm, Thượng tá Nguyễn Văn Tưa (xã Long Định, huyện Cần Đước) chậm rãi vừa uống trà, vừa kể chuyện. Đối với ông, việc còn sống trở về sau ngày chiến thắng để tiếp tục góp sức mình xây dựng quê hương là điều trên chiến trường ông chưa bao giờ nghĩ tới. Đã quyết tâm đi theo con đường cách mạng nghĩa là không còn tính đến chuyện mất còn và kiên quyết đi đến cuối hành trình mình đã chọn.

Thượng tá Nguyễn Văn Tưa và vợ - bà Phạm Thị Tiến

Thượng tá Nguyễn Văn Tưa và vợ - bà Phạm Thị Tiến

Người cựu chiến binh (CCB) nhớ lại: “Gia đình tôi vốn có truyền thống cách mạng, các anh, các chú đều là giải phóng quân nên 20 tuổi, tôi trốn má tham gia kháng chiến. Được gần 1 năm thì căn cứ bị chỉ điểm nên giặc tấn công, tôi bị bắt và trở thành tù binh Phú Quốc”. Suốt 4 năm ở "địa ngục trần gian", Thượng tá Nguyễn Văn Tưa vẫn thi gan với những đòn roi tra tấn. Không ít lần chết đi sống lại, "chuồng cọp" ông cũng vào rồi ra không nhớ mấy lần nhưng chưa bao giờ ông chùn chân chiến đấu. Khi được hỏi về những đòn tra tấn của kẻ thù, người CCB trầm ngâm: “Như cháu đã biết qua tivi, sách, báo và khi đến thăm di tích, nó là như vậy, thực sự là như vậy cháu ạ!”. Ông chỉ hàm răng trống đi vài chiếc của mình như là minh chứng. Không chỉ bị bẻ răng, ông còn bị đánh đến vỡ gót chân và nhiều thương tích khác. Nhưng điều đó không làm chiến sĩ Nguyễn Văn Tưa lùi bước. Ông vẫn cùng đồng đội tuyệt thực để đấu tranh, chưa một lần lung lay ý chí.

Bao gối thượng tá Nguyễn Văn Tưa thêu trong giai đoạn bị giam tại nhà tù Phú Quốc

Bao gối thượng tá Nguyễn Văn Tưa thêu trong giai đoạn bị giam tại nhà tù Phú Quốc

Khi Hiệp định Giơnevơ được ký, ông trở về trong đợt trao trả tù binh năm 1973 và tiếp tục tham gia chiến đấu tại quê nhà cho đến ngày đất nước hoàn toàn thống nhất. Ông kể: “Đáng ra thì tôi không thể sống đến bây giờ! Lúc đó, nhóm chúng tôi có 5 người, làm trinh sát, mở đường cho bộ đội tấn công đồn giặc. Thường tôi sẽ là người đi trước, dò tìm và gỡ các bẫy mìn của giặc trên đường nhưng hôm đó, đồng đội tôi lại đề nghị đổi vai trò để anh đi trước. Chúng tôi gặp phải mìn gài kíp điện. Mìn nổ. Hai đồng đội của tôi hy sinh, tôi và 1 đồng chí nữa bị thương. Tới bây giờ, mỗi khi nhà có giỗ, tiệc, tôi đều để phần chén, đũa và mời đồng đội về ăn với tôi một bữa cơm”. Nói rồi, người CCB im lặng, đưa mắt nhìn ra xa lắc.

Kháng chiến chống Mỹ thành công, Thượng tá Nguyễn Văn Tưa tiếp tục lên đường làm nghĩa vụ quốc tế tại Campuchia rồi trở về phục vụ trong quân đội với vai trò Chỉ huy trưởng Ban Chỉ huy Quân sự huyện Cần Đước, Chỉ huy trưởng Ban Chỉ huy Quân sự huyện Vĩnh Hưng. Nghỉ hưu, ông tiếp tục tham gia phong trào tại địa phương đến năm 2019 mới chính thức nghỉ ngơi, kết thúc quãng thời gian trên 50 năm cống hiến cho quê hương, đất nước.

Ở tuổi xế chiều, CCB Nguyễn Văn Tưa vẫn luôn dặn dò, nhắc nhở các con hãy sống và làm việc thẳng ngay, biết tự phê bình để tiến bộ và không được làm điều gì có lỗi với truyền thống gia đình.

“Tôi muốn mình có mặt ở miền Nam khi quê hương giải phóng”

Cứ mỗi lúc trở trời, cái chân bị thương của CCB Đinh Tiến Bé (xã Hòa Phú, huyện Châu Thành) lại lên cơn đau nhức. Thuốc giảm đau lúc nào ông cũng để sẵn ở nhà. Đó là cách duy nhất giúp ông vơi bớt cơn đau, có thể đi lại, làm việc được.

Hơn 50 năm đóng góp cho công cuộc giải phóng và xây dựng quê hương, ở độ tuổi ngoài 70, cựu chiến binh Đinh Tiến Bé mới được nghỉ ngơi

Hơn 50 năm đóng góp cho công cuộc giải phóng và xây dựng quê hương, ở độ tuổi ngoài 70, cựu chiến binh Đinh Tiến Bé mới được nghỉ ngơi

Ông bị thương năm 1967, xương bị giập, gãy trong một lần chiến đấu với địch. Từ đó về sau, vết thương tuy lành nhưng vẫn để lại nhiều di chứng. Ông không thể đi lại bình thường được và cứ trở trời là cơn đau lại hành hạ ông. Nhưng điều đó không ngăn được việc ông tận lực, hết lòng phục vụ sự nghiệp giải phóng quê hương. CCB Đinh Tiến Bé kể: “Tôi quê ở huyện Đức Hòa, tham gia kháng chiến năm 1966, khi đó mới 19 tuổi. Tôi xung phong đi miền Đông với hy vọng có thể tham gia đánh giặc, nhận nhiệm vụ vào đội hậu cần, ban đầu tôi buồn lắm nhưng về sau nghĩ lại, dù làm bất cứ công việc gì thì cũng là góp phần đánh giặc nên tôi hết lòng, hết sức với công việc của mình. Sau khi bị thương, tôi vẫn tiếp tục làm hậu cần”.

Không phải ra chiến trường nhưng khó khăn, nguy hiểm của công tác hậu cần cũng không hề ít. Năm 1969, địch phát hiện dấu vết kho trung chuyển hậu cần, nơi ông Bé đang phục vụ. Do đường đi khó khăn, chúng càn quét bằng cách thả bom B52 vào khu vực nghi vấn. Trong suốt 3 tháng liền, bom B52 như cày nát vùng đơn vị trú đóng. Cán bộ, chiến sĩ phải dời địa điểm hết lần này đến lần khác để bảo đảm an toàn.

Cuối năm 1969, CCB Đinh Tiến Bé được điều động ra Hà Nội học tập. Tuy nhiên, nỗi nhớ quê và khao khát được góp phần vào công cuộc giải phóng quê hương đã thôi thúc ông làm đơn xin trở vào Nam. Người CCB chia sẻ: “Khi đó, tôi về làm việc ở Ban Kinh tài. Tôi xin về vì muốn mình có mặt ở miền Nam khi quê hương giải phóng. Đến giây phút hòa bình, mình vẫn còn sống thì đó là niềm hạnh phúc lớn lao. Tôi đi học và làm việc tại Công ty Bách hóa Vải sợi Long An, cùng anh em đồng nghiệp trải qua giai đoạn giá - lương - tiền. Đó là thời điểm vô cùng vất vả!”.

Đến năm 1985, ông xin nghỉ vì lý do sức khỏe nhưng khi về quê lại không từ chối lời đề nghị của địa phương, ông tiếp tục tham gia công tác với các vai trò: Bí thư chi bộ, trưởng ấp, chủ tịch Hội CCB, chi hội trưởng chi hội CCB đến năm 2020 thì mới cho phép mình được nghỉ ngơi.

Dù chính thức nghỉ ngơi, an hưởng nhưng mỗi ngày cựu chiến binh Đinh Tiến Bé vẫn dành thời gian chăm vườn rau, ao cá

Dù chính thức nghỉ ngơi, an hưởng nhưng mỗi ngày cựu chiến binh Đinh Tiến Bé vẫn dành thời gian chăm vườn rau, ao cá

Dù là thương binh, đi lại khó khăn, sức khỏe hạn chế nhưng chưa bao giờ CCB Đinh Tiến Bé thảnh thơi công việc. Ông cùng vợ chăm lo cho các con, biến mảnh đất biền trũng thấp thành nền nhà, vườn cây, ao cá, nuôi 2 người con hoàn thành chương trình đại học, có việc làm và cuộc sống ổn định. Nói về điều đó, ông cười: “Theo quan niệm của tôi, không học là không làm gì được nên bằng mọi giá phải lo cho con. Dù gia đình khó khăn, dù tôi phải chạy đôn chạy đáo nhưng nhất định phải lo cho con học hành”. Giờ đây, khi đã chính thức được an hưởng, nghỉ ngơi, CCB Đinh Tiến Bé vẫn ngày ngày nuôi cá, chăm vườn và xem đó là niềm vui trong cuộc sống./.

Thu Lam

Nguồn Long An: https://baolongan.vn/ho-i-u-c-cu-a-nhung-nguoi-buoc-qua-cuoc-chien-a154189.html