Hồi ức của những người con vùng quê cách mạng
Tự hào với truyền thống quê hương cách mạng, trong không khí phấn khởi kỷ niệm 75 năm Cách mạng Tháng Tám thành công (19-8-1945 - 19-8-2020), ông Nguyễn Văn Biền (sinh năm 1937), kể với chúng tôi: 'Thời còn niên thiếu, tôi tích cực tham gia các phong trào của địa phương và được nghe các đồng chí lãnh đạo truyền đạt nhiều nội dung quan trọng về chủ trương, đường lối của Đảng, phương thức lãnh đạo của Đảng và đặc biệt là được tiếp cận nhiều kênh thông tin ca ngợi quê hương cách mạng Thiệu Tiến nói riêng, huyện Thiệu Hóa nói chung.
Di tích lịch sử cách mạng Nhà thờ họ Vương - địa chỉ đỏ của cán bộ, đảng viên và Nhân dân trong tỉnh.
Nhiều lần tham gia sinh hoạt chi bộ và trò chuyện với các cụ lão thành cách mạng tại quê nhà, tôi được nghe các cụ kể lại bối cảnh làng quê xã Thiệu Tiến trước năm 1930, quá trình thành lập chi bộ đảng đầu tiên của huyện Thiệu Hóa và đặc biệt là từ khi có Đảng lãnh đạo, phong trào cách mạng ở quê nhà tiếp tục phát triển mạnh mẽ mặc dù bị nhiều thế lực đàn áp. Đỉnh cao đó là khởi nghĩa giành chính quyền tháng 8-1945.
Các cụ kể, bọn phong kiến tay sai bắt nhiều chiến sĩ cách mạng của ta hòng đàn áp phong trào cách mạng, nhưng cấp trên vẫn bí mật cử người về hoạt động, phong trào cách mạng tiếp tục phát triển với sự ra đời của các tổ chức: Nông hội đỏ, hội phụ nữ cứu quốc, hội thanh niên cứu quốc... là cơ sở, nền tảng để các chí sĩ yêu nước tiếp tục vận động Nhân dân cùng tham gia đấu tranh ở những giai đoạn cách mạng tiếp theo. Nhiều cuộc mít tinh diễn ra ở chợ Đu (Thiệu Chính), chợ Lăng (Thiệu Ngọc)... đòi giảm sưu cao thế nặng, giảm tô... khiến bọn phong kiến tay sai và thực dân Pháp lo sợ. Ở Thiệu Tiến còn hình thành lực lượng tự vệ ngay từ năm 1942, từ 1 trung đội sau tăng lên 5 trung đội bí mật tổ chức luyện tập, chuẩn bị vũ khí để khởi nghĩa giành chính quyền và xã Thiệu Tiến là địa phương có lực lượng tự vệ đông nhất huyện tham gia khởi nghĩa Cách mạng Tháng Tám 1945”.
Hơn 60 năm tuổi Đảng, ông Nguyễn Văn Biền càng tự hào hơn mỗi khi có ai đó nhắc đến quê hương mình. Ở lứa tuổi của ông, nhiều người đã về với tổ tiên, có người không còn minh mẫn, nhưng ông thì vẫn nhớ nhiều chi tiết về những năm tháng cách mạng đầy gian truân nhưng anh dũng, tự hào vô cùng. Ông say sưa kể tiếp cho chúng tôi nghe: “Trong tiềm thức của tôi và nghe các thế hệ cha anh đi trước kể lại, trước năm 1945, quê tôi rất nghèo, 90% hộ đói, thiếu học và bị đàn áp bóc lột, nhưng phong trào cách mạng thì hăng hái lắm. Tôi được dìu dắt và giác ngộ cách mạng từ rất sớm nên tham gia đội thiếu niên Tiền Phong của xã và tham gia hô khẩu hiệu ủng hộ cách mạng lâm thời năm 1945. Tôi cầm cờ chạy dọc bờ sông, trong làng hô vang các khẩu hiệu cùng với các anh, chị khua trống, đánh nồi tạo tiếng vang, người cầm cuốc, cầm gậy..., ai có gì cầm nấy cứ thế chạy đến sân đình phá kho thóc; làng trên, xóm dưới mọi người truyền tin cho nhau và các xã lân cận, như Thiệu Ngọc, Thiệu Vũ, Thiệu Minh, Thiệu Toán... bà con cùng các chí sĩ cách mạng kéo lên trên phủ (huyện) phá kho chứa thóc, đấu tranh lật đổ chính quyền tay sai... Càng lớn lên, tôi nhận thức được rằng, Đảng ra đời và lãnh đạo cách mạng đem lại quyền lợi cho Nhân dân, từ chỗ người dân không có ruộng, không có đất sản xuất, phải chịu sưu cao, thuế nặng thì sau Cách mạng Tháng Tám giành chính quyền, người dân quê tôi đã được chia ruộng, giảm đóng tô, thuế... Cá nhân tôi đã lựa chọn cho mình con đường đi theo Đảng để được trưởng thành và đóng góp nhiều hơn cho quê hương đó là nhập ngũ năm 1962 rồi công tác tại Bộ Cơ khí luyện kim (nay là Bộ Công Thương) đến năm 1982 nghỉ chế độ BHXH tại địa phương”.
Trong suốt thời kỳ đấu tranh giành chính quyền (1930 - 1945), Thiệu Hóa là một trong những trung tâm cách mạng, là cơ sở tin cậy của Xứ ủy Bắc Kỳ, Xứ ủy Trung Kỳ và Đảng bộ tỉnh Thanh Hóa; là nơi diễn ra nhiều sự kiện quan trọng, có tính chất quyết định đến thắng lợi của cách mạng tỉnh Thanh Hóa. Xã Thiệu Tiến và nhiều vùng quê khác đã trở thành “căn cứ” kháng chiến. Tự hào với quê hương cách mạng, đồng chí Lê Thanh Quảng, Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy xã Thiệu Tiến cho chúng tôi biết thêm: “Sinh ra trong gia đình có truyền thống yêu nước, ông nội tôi là cán bộ Tiền khởi nghĩa, bố tôi là công nhân rồi đi bộ đội và từng làm bí thư chi bộ, tôi đã luôn nỗ lực phấn đấu, cống hiến và tham gia làm bí thư chi đoàn, bí thư chi bộ thôn Phúc Lộc 1, hiện nay là Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy xã. Dẫu là thế hệ sau, nhưng chúng tôi luôn tự hào và phát huy truyền thống yêu nước. Vào mỗi dịp kỷ niệm các ngày trọng đại của đất nước, của tỉnh, địa phương, đảng ủy xã và các tổ chức chính trị, chi bộ Phúc Lộc (nay là chi bộ Phúc Lộc 1) thường tổ chức ôn lại truyền thống, đón tiếp nhiều đoàn đến tham quan, tìm hiểu lịch sử tại địa chỉ đỏ Di tích cách mạng Nhà thờ họ Vương”.
Hòa bình lập lại, xã Thiệu Tiến cũng như nhiều vùng quê cách mạng khác vẫn tiếp tục đi đầu trong lao động, sản xuất; tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân. Đồng thời tham gia có hiệu quả các phong trào thi đua yêu nước do các cấp, các ngành phát động. Năm 2015, xã Thiệu Tiến đã đạt chuẩn nông thôn mới. Đồng chí Bí thư Đảng ủy xã Nguyễn Tiến Quế tự hào cho biết: “Trong quá trình thực hiện nhiệm vụ chính trị, xã luôn quan tâm giáo dục truyền thống cho cán bộ, đảng viên nêu cao truyền thống đoàn kết trong Đảng và trong Nhân dân, giữa Đảng với Nhân dân, luôn đấu tranh với những biểu hiện sai trái trong tư tưởng cũng như hành động, từ đó tạo ra sức mạnh to lớn để hoàn thành mọi nhiệm vụ”.
Ngày nay, trên quê hương Thiệu Tiến, Di tích lịch sử cách mạng Nhà thờ họ Vương được các cấp ủy, chính quyền quan tâm bảo vệ, trùng tu, tôn tạo và trở thành địa chỉ đỏ của cán bộ và Nhân dân trên địa bàn toàn tỉnh. Truyền thống văn hóa, yêu nước, cách mạng của vùng đất bên dòng sông Chu sẽ luôn là nguồn lực tinh thần quan trọng để đảng bộ, chính quyền và Nhân dân Thiệu Tiến đoàn kết, xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp, văn minh.