Hồi ức những ngày đầu tiếp quản Sài Gòn, bảo vệ Dinh Độc Lập

Bộ đội về đến cầu Thị Nghè trưa 30/4/1975, người dân Sài Gòn mang cờ ra chào đón như đón người thân về nhà, mời nước dừa, trái cây…

“50 năm đất nước thống nhất, tôi may mắn vẫn khỏe mạnh, chứng kiến từng ngày thành phố đổi thay. Ngày vui mà nước mắt tôi chảy dài vì cảm xúc lẫn lộn. Cuộc đời lính lăn lộn khắp chiến trường Đông Nam bộ từ năm 1966, nhưng có lẽ những ngày làm nhiệm vụ quân quản ở Sài Gòn sau 30/4 để lại cho tôi nhiều bài học nhất”, Thiếu tướng Nguyễn Ngọc Doanh, nguyên Phó Tư lệnh Chính trị Quân đoàn 4, bắt đầu câu chuyện với phóng viên Báo Điện tử VTC News.

Bà con mang nước dừa, trái cây đón bộ đội

Là đơn vị từng chiến thắng và cắm cờ trên tòa tỉnh trưởng Phước Long ngày 6/1/1975, trong chiến dịch Hồ Chí Minh, Sư đoàn 7, Quân đoàn 4 nhận nhiệm vụ đánh hướng Đông Bắc vào giải phóng Sài Gòn, cũng là một trong 5 cánh quân được nhận lá cờ từ tay chỉ huy mặt trận Hoàng Cầm, để vào cắm trên nóc Dinh Độc Lập ngày 30/4/1975.

Nhưng nhiệm vụ đã không thể thực hiện kịp, vì đêm 29 rạng sáng 30/4, trên đường tiến quân về Sài Gòn, khi đến cầu Suối Máu - Biên Hòa thì gặp địch đánh chặn, Sư đoàn 7 buộc phải chiến đấu suốt đêm 29/4.

Thiếu tướng Nguyễn Ngọc Doanh, khi đó là Chính ủy Trung đoàn 141, Sư đoàn 7, Quân đoàn 4 kể sáng sớm 30/4, đơn vị vào đến cầu Gành (cầu Hóa An – Biên Hòa hiện nay) thì cầu đã bị đánh sập 2 nhịp, buộc phải quay về phía ngã ba Vũng Tàu. Và đến Sài Gòn phải làm nhiệm vụ đánh vào Bộ tư lệnh hải quân ở cảng Ba Son, Dinh Gia Long, chiếm đài phát thanh, nên đến 12 giờ trưa 30/4, Sư đoàn 7 mới về đến Dinh Độc Lập, chậm 30 phút so với Quân đoàn 2 và không thể thực hiện kịp nhiệm vụ cắm cờ.

Xe tăng quân giải phóng tiến vào dinh Độc Lập ngày 30/4/1975. (Ảnh: TTXVN)

Xe tăng quân giải phóng tiến vào dinh Độc Lập ngày 30/4/1975. (Ảnh: TTXVN)

Tiến quân vào Sài Gòn, bên cạnh các trở ngại, ngăn chặn của địch ở vòng ngoài, những người lính chúng tôi hết sức ngỡ ngàng, xúc động là bà con ùa ra hai bên đường chào đón.

“Tôi nhớ đến cầu Thị Nghè, lúc đó tên đường là Hồng Thập Tự, người dân mang cờ ra chào đón như đón người thân về nhà. Các cô, các mẹ mang trái cây, nước dừa ra mời bộ đội. Bà con cũng mang tâm lý tò mò, ra nhìn xem bộ đội thế nào, vì trước đó nhiều thông tin tuyên truyền bộ đội ốm yếu, 7 anh bộ đội đu tàu lá đu đủ không gãy.

Nhưng gặp bộ đội, các chị các mẹ kêu lên: quân giải phóng đẹp trai quá. Chúng tôi lại xuống xe nói chuyện, xin bà con cho tiếp tục đi làm nhiệm vụ”, thiếu tướng Nguyễn Ngọc Doanh chia sẻ.

Là người trực tiếp tham gia mở đường về giải phóng Sài Gòn, vượt qua những trận đánh ác liệt, liên tục từ Phước Long đến Lâm Đồng, Xuân Lộc, Biên Hòa, ông Doanh nói trong lòng ông nghĩ Sài Gòn cũng sẽ bị tổn thất, bị phá hoại nặng nề trong ngày giải phóng.

Nhưng về đến nơi, thấy thành phố bình yên, người dân cười tươi hạnh phúc, lúc đó ông mới kịp nghĩ đến đường lối chiến tranh nhân dân đúng đắn của Đảng, Bác Hồ đề ra.

Lực lượng giải phóng mang theo cờ và ảnh chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh ngày 30/4/1975. (Ảnh: Jacques Pavlovsky/Sygma/CORBIS)

Lực lượng giải phóng mang theo cờ và ảnh chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh ngày 30/4/1975. (Ảnh: Jacques Pavlovsky/Sygma/CORBIS)

“Nhiệm vụ giải phóng Sài Gòn thành công là nhờ các lực lượng bên trong thành phố, bao gồm Biệt động thành, lực lượng binh vận, đặc công đã tài tình, khéo léo. Chúng tôi sau đó còn được biết đặc công của chúng ta đã luồn sâu cắt hết những dây mìn địch cài ở cầu Đồng Nai, cầu Rạch Chiếc và cầu Sài Gòn, vô hiệu hóa tất cả”, ông Doanh nhớ lại.

Sài Gòn giải phóng, Quân đoàn 4 được giao nhiệm vụ quân quản ở Sài Gòn - Gia Định với 9 quận và 2 huyện.

Trong đó, Trung đoàn 141 của ông được giao quản lý các địa bàn Quận 1, Bình Thạnh và Thủ Đức và bảo vệ Dinh Độc Lập. Ông Doanh được bầu vào Thường vụ Quận ủy Quận 1.

Những người lính đi làm dân vận

Những ngày đầu sau giải phóng, tình hình khá lộn xộn, nhất là cướp bóc, xã hội đen. Ông Doanh kể trong tuần đầu tiếp quản, tình hình yên ắng nhưng chỉ 1 tuần sau, cướp bóc bùng lên khiến người dân hoang mang.

Những người lính mới từ chiến trường về, nhiều anh em chưa biết đi Honda nhưng cũng leo lên xe rượt đuổi cướp để bảo vệ người dân. Lúc đó, bộ đội quân quản chỉ bắt cướp và giữ lại, đợi bộ phận kiểm soát quân sự đến xử lý.

Yêu cầu với các bộ chiến sĩ làm nhiệm vụ quân quản những ngày sau giải phóng rất nghiêm khắc, chặt chẽ, đặc biệt với đơn vị ông còn có nhiệm vụ bảo vệ Dinh Độc Lập. Trong lòng ông và các chiến sĩ luôn thấm nhuần thực tế để giải phóng được Sài Gòn, thống nhất đất nước, chúng ta đã hy sinh xương máu quá nhiều, nên trong hòa bình, xây dựng bảo vệ đất nước thì tinh thần, phẩm giá, bản chất anh bộ đội Cụ Hồ càng phải được khẳng định.

Và quan trọng hơn hết là phải chân thành, đề cao trách nhiệm để nhân dân Sài Gòn tin tưởng, đồng hành thì nhiệm vụ quân quản mới thành công.

Nhân dân thành phố Sài Gòn mít tinh chào mừng Ủy ban Quân quản thành phố ra mắt 7/5/1975. (Ảnh: TTXVN)

Nhân dân thành phố Sài Gòn mít tinh chào mừng Ủy ban Quân quản thành phố ra mắt 7/5/1975. (Ảnh: TTXVN)

Ông luôn nhắc các đơn vị muốn ổn định phát triển thì đầu tiên trật tự trị an phải giữ, các băng nhóm tội phạm phải bị triệt phá. Và chính những người lính phải thắng được những cám dỗ trước mắt.

Ngay những ngày đầu, Trung đoàn 141 của ông Doanh được giao đột phá, thí điểm làm nhiệm vụ vận động nhân dân tham gia thành lập khóm (tổ dân phố bây giờ), tổ đoàn kết để cứu đói cho nhân dân và kêu gọi các sĩ quan chế độ cũ ra trình diện. Ông cho biết phường Tân Định, là phường trung tâm, được chọn thực hiện đầu tiên.

Quá trình đi vận động nhân dân, vì không nắm được tình hình nên gặp rất nhiều khó khăn. Nhưng trong khó khăn đó, chúng tôi cũng đã gặp được nhiều người từng làm việc ở chế độ cũ rất có kiến thức, trách nhiệm, cùng vận động nhân dân tham gia và khoảng một tháng sau, chính quyền khóm, tổ đoàn kết, tổ dân vận ở phường Tân Định đã được thành lập.

“Một kỷ niệm tôi nhớ mãi lúc đó khi cấp dưới đi làm nhiệm vụ những ngày đầu, thường là cán bộ chính trị làm nhiệm vụ vận động nhân dân. Có một đồng chí khi nói chuyện với một gia đình xong xin phép đi nhà khác, thì có cô con gái ra đứng ở cửa ôm chặt anh cán bộ lại, ngăn không cho đi mà nhất định phải ở lại ăn cơm cùng gia đình.

Các thành viên trong tổ không biết xử lý sao nên chạy đến báo tôi. Lúc đó tôi đang bệnh, nằm truyền dịch tại trạm xá trên đường Đinh Tiên Hoàng phải tháo vội ống truyền chạy đến để giải quyết sự việc", Thiếu tướng Nguyễn Ngọc Doanh kể.

Gần 90 tuổi, đau đáu của vị tướng già là hơn 1.000 hài cốt đồng đội ở Bình Phước vẫn chưa thể đưa về.

Gần 90 tuổi, đau đáu của vị tướng già là hơn 1.000 hài cốt đồng đội ở Bình Phước vẫn chưa thể đưa về.

Những ngày sau giải phóng, tham gia làm nhiệm vụ quân quản ở Sài Gòn là thời gian mang đến cho ông Doanh và đồng đội nhiều cảm xúc, nhiều bài học kinh nghiệm về công tác dân vận nhất; cũng là khoảng thời gian rèn luyện bản lĩnh người lính.

Ông nói người lính chiến đấu ở chiến trường gian khổ, khi về thành phố cái gì cũng bỡ ngỡ, đối mặt với thực tế cuộc sống có nhiều tình huống rất đời thường nhưng cũng bối rối, không biết ứng xử ra sao.

"Tôi nhớ một buổi tối chủ nhật, chúng tôi mời người dân họp lại để bầu tổ đoàn kết. Chỉ điều đơn giản nhất khi ổn định trật tự là mời bà con vào ngồi ghế, vì đây là thói quen trước đó người dân đi họp phải có ghế ngồi.

Nhưng người điều hành cuộc họp lại nói: mời đại diện, mời tổ công tác và bộ đội vào ngồi ghế, mà lẽ ra là phải mời bà con trước. Điều đơn giản vậy mà chúng tôi cũng ứng xử chưa đúng và bị bà con phàn nàn.

Chuyện nhỏ vậy nhưng làm tôi nhớ mãi, để rút kinh nghiệm, nhắc nhở anh em đi làm việc, nhất là vận động nhân dân phải luôn phải chủ động lường trước những tình huống có thể xảy ra. Đó cũng là những kinh nghiệm để bộ đội quân quản dần quen, làm tốt nhiệm vụ", người lính già nhớ lại.

Ông nói cũng nhờ sự chân thành, biết nghe và xin lỗi của bộ đội mà những câu chuyện tuyên truyền, đồn đoán, hiểu lầm về quân giải phóng dần xóa bỏ. Hiệu quả đầu tiên bộ đội chủ lực thực hiện tốt bà con thấy rõ là dẹp và giữ được trật tự trị an, vận động cứu đói cho nhân dân.

Ông cho biết những ngày sau đó, có việc gì bà con đều chủ động thông báo, chia sẻ. Nhờ vậy bộ đội chủ động ứng phó tình hình từ công việc cho đến sinh hoạt. Như chuyện Sài Gòn có triều cường, ngày nào, thời điểm nào nước lên bộ đội không hề biết. Buổi tối anh em trải chiếu ngủ dưới sàn nhà, đang ngủ nước lên ướt hết. Sau này nhờ người dân thì những khó khăn này cũng bớt đi.

Bà con đã tin tưởng vào bộ đội quân quản, vào chính quyền mới, yên tâm làm ăn, đời sống dần cải thiện dần. Ông nói trong chiến tranh, cận kề cái chết mình không sợ, đã chiến đấu và giành được hòa bình, thì bây giờ nhiệm vụ quân quản không làm tròn, người dân đói khổ, khó khăn thì chúng tôi có lỗi. Dù với người lính, những công việc này không phải dễ dàng.

Sau gần 2 năm thực hiện nhiệm vụ quân quản, Quân đoàn 4 rời Sài Gòn, để lại ấn tượng tốt đẹp trong lòng nhân dân.

Khi vào thăm Quân đoàn 4, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã rất hài lòng. Đại tướng tặng cho đơn vị một câu rất ngắn gọn: Các đồng chí “vào thành vững như thành".

Nguồn VTC: https://vtcnews.vn/hoi-uc-nhung-ngay-dau-tiep-quan-sai-gon-bao-ve-dinh-doc-lap-ar938601.html