Hồi ức tháng tư

Sư phạm là ngành học đầu tiên, sau khi dạy học một thời gian, tôi công tác trong ngành Tuyên giáo. Đến bây giờ, sau khi trải qua nhiều ngành nghề khác nhau như làm cán bộ Đoàn, tham gia quân đội khi chiến tranh biên giới nổ ra năm 1978, phục viên về học Đại học Bách khoa ngành vô tuyến điện; học tiếp Đại học Hàng hải để làm thủy thủ tàu viễn dương, từng làm lãnh đạo 1 địa phương, rồi lãnh đạo ngành khoa học của tỉnh và cuối cùng, tôi lại trở về với ngành Tuyên giáo. Có lẽ cơ duyên cuộc đời tôi đã gắn với ngành học đầu tiên khi mà cả cuộc đời công tác 45 năm xoay một vòng tròn khép kín.

Hồi ức tháng tư

Kỳ cuối: Cơ duyên cuộc đời gắn với ngành học đầu tiên

 Tác giả bài viết.

Tác giả bài viết.

Những việc đầu tiên sau ngày giải phóng

Hồi đó, phương tiện truyền thông rất hạn chế, kênh thông tin hiệu quả nhất là đài phát thanh, gồm có: Đài Tiếng nói Việt Nam (gọi tắt là Đài Hà Nội) và Đài Phát thanh Giải phóng. Thông tin từ đài phát thanh đến cán bộ, nhân dân rất nhanh, nhưng dân có radio không nhiều, nhất là ở vùng biển như thị xã La Gi. Trong khi đó, mỗi tin, bài, đài chỉ phát 1 lần, do đó nhiều người không nghe được, không nghe chính xác hoặc không nhớ lâu. Nắm được nhu cầu ấy trong bối cảnh không lấy gì gọi là công nghệ thông tin, cả 2 đài trên ngoài phát thanh đọc bình thường, đều có buổi phát thanh đọc chậm mỗi ngày từ 2 - 3 tiếng đồng hồ để cán bộ ghi chép và phổ biến lại cho nhân dân. Mỗi câu, phát thanh viên đọc chậm và đọc lại 2 lần, giống như thầy giáo đọc bài cho học sinh chép vậy. Nhưng thử hình dung, nếu vào thời điểm còn chiến tranh, đạn bay, pháo dội hay địch càn quét vào nơi đang ở thì nghề chép tin chậm này cũng cam go lắm. Nhưng may với tôi, lúc ấy theo đoàn đến tiếp quản thị xã La Gi vào ngày 23/4 thì ngày hôm sau đã được tổ chức giao nhiệm vụ chép lại tin đọc chậm. Có nghĩa, chép tin chậm trong thời bình nên mọi chuyện nhẹ nhàng hơn nhiều so với sức của một cậu bé 15 tuổi đã được đào tạo qua lớp sư phạm trong rừng.

Tôi được cơ quan giao cho chiếc radio (máy thu thanh) để hàng ngày chép tin đọc chậm trên Đài Hà Nội (buổi sáng từ 8 giờ đến 10 giờ) và trên Đài Phát thanh Giải phóng (buổi trưa từ 13 giờ 30 phút đến 15 giờ). Những tin tôi chép vào mấy ngày đầu ấy rất đa dạng, chủ yếu là thắng lợi của quân, dân ta trên các mặt trận quân sự, chính trị, binh vận, ngoại giao và những tin về cuộc tiến công vào Sài Gòn thì rất nhiều, có thể hình dung cuộc tiến công ấy trong thế chiến thắng như chẻ tre. Tôi vừa chép tin vừa tự hào, vừa mừng vui chiến thắng một mình. Tin chép xong ngày nào là tôi chuyển đến bộ phận đánh máy chữ rồi in ra số lượng nhất định để phát cho cán bộ đọc, sau đó phổ biến ra dân. Và trưa ngày 30/4, sau khi chép xong nội dung tin đọc chậm; khi tôi đang nghe tin tức, thì nhận được bản tin giải phóng thành phố Sài Gòn. Thật sự không thể diễn tả được cảm xúc khi đó; tôi lặng người một lúc; rồi chợt như bừng tỉnh; tôi bật dậy. Tôi chạy ngay đến chỗ chú Vũ Hồng và báo tin; tôi nhảy chân sáo đúng điệu của cậu bé 15 tuổi, loan tin với bất cứ ai mà tôi gặp được trên đường, tôi vừa chạy vừa reo to; “Sài Gòn đã giải phóng rồi, Sài Gòn đã giải phóng rồi” cứ lặp đi lặp lại như thế. Chú Vũ Hồng, người vốn điềm đạm vậy mà khi ấy nghe tin cũng reo lên rồi khóc, 2 chú cháu ôm chầm lấy nhau; cùng những người khác trong cơ quan cũng thế, ôm nhau vui mừng rồi khóc ngon lành như những đứa trẻ. Sau đó, bản tin giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước được in ra nhiều bản. Người dân cứ thế chuyền tay nhau đọc miệt mài vì có người vừa đánh vần vừa đọc. Họ thích thế. Dù có cán bộ đọc cho nghe nhưng họ vẫn muốn chính tận mắt mình nhìn thấy dòng tin ấy. Niềm vui quá to lớn, dâng trào như muốn vỡ òa. Niềm vui mà tất cả đã chờ đợi từ rất, rất lâu.

Tôi làm công việc chép tin đọc chậm được khoảng 2 tháng thì dừng, lý do vì lúc này tôi được chú Vũ Hồng cho đi học lớp dạy đánh máy chữ do tỉnh Bình Tuy tổ chức. Lớp này tổ chức tại trung tâm hành chính Bình Tuy, do anh Nguyễn Đình Kiên đứng lớp, thầy giáo chỉ có mình anh Kiên, còn học trò thì có đến hơn 50 người. Lần đầu tiên học đánh máy nhưng thời đó đâu có nhiều máy để thực hành, nên đa số học viên phải vẽ bàn phím lên giấy rồi tập gõ cho quen. Đây là cách đánh chữ bằng 10 đầu ngón tay với những kỹ năng đạt yêu cầu là phải nhanh, chuẩn, cái chính để sử dụng loại máy đánh chữ mới. Loại máy mà khi đánh, người ta nghe cảm nhận như chữ chạy rào rào rồi sau đó được thả tiếng teng như đánh kẻng cho một sự kết thúc và tờ giấy có sẵn chữ trên ấy rơi ra, người đánh máy có thể vừa nghe đài đọc tin chậm vừa đánh lại trên máy chữ này cũng được. Anh Nguyễn Đình Kiên vốn là thầy giáo, với kinh nghiệm sư phạm của anh làm cho tôi say sưa học tập. Những bài giảng dạy kỹ thuật đánh máy ấy khiến tôi, cậu bé 15 tuổi có cảm giác như anh đang mang đến một thế giới hiện đại từ chiếc máy đánh chữ trên. Khi học xong lớp đánh máy chữ, tôi chuyển sang làm văn thư, tôi không còn phải chép tin chậm nữa, không còn cảnh tôi phải chuyển bản viết tay sang cho người đánh chiếc máy chữ với những phím ký hiệu được sắp xếp xung quanh một chiếc vòng bằng đồng có trục ở giữa rồi dùng tay quay đến chữ cần thiết và phủ mực lên ký hiệu để đánh ra giấy. Chép tin chậm là đã chậm rồi, lại qua công đoạn trên góp phần càng chậm hơn, tuy nhiên, dù thế nào, chính những công việc ấy đã làm tròn sứ mệnh lịch sử của nó trong giai đoạn đó và nhờ vậy, cán bộ và nhân dân lúc ấy tiếp nhận những thông tin mới, dù chậm nhưng vẫn như được tiếp thêm niềm tin mãnh liệt cũng như có thêm những quyết tâm trong hành động để chung sức, chung lòng xây dựng quê hương những ngày sau giải phóng.

Cơ duyên cuộc đời

45 năm đã trôi qua, mỗi khi đến ngày gần giải phóng Bình Tuy, giải phóng miền Nam, tôi lại dành thời gian để hồi nhớ lại các sự kiện đã qua của đất nước, của quê hương Bình Tuy; trong đó gắn liền với các kỷ niệm của cuộc đời mình. Trong hàng loạt các điều đáng nói, thì điều đáng nói hơn tất cả là Tỉnh ủy lúc ấy đã có tầm nhìn xa, trông rộng, coi trọng giáo dục, coi trọng đổi mới rất rõ. Tôi ở lứa tuổi 14, 15 may mắn đi qua, theo dòng chảy của bước ngoặt lịch sử đất nước, được trải nghiệm những sự kiện từ lớp sư phạm trong rừng với bao nhiêu gian khổ thiếu thốn khi công cuộc giải phóng đất nước còn trong dự tính; và ngày cùng đoàn quân tiến về tiếp quản thị xã La Gi với biết bao khó khăn, nguy hiểm, bỗng nhận ra rằng, khi đối mặt với thử thách, trở ngại và dám vượt qua những thử thách, khó khăn đó là cách trưởng thành nhanh nhất trong cuộc sống này.

45 năm đã trôi qua, một chặng đường dài trên con đường công tác, ngồi ngẫm nghĩ lại mới thấy cuộc đời với bao nhiêu thăng trầm, với biết bao ngành nghề, lĩnh vực mà tôi đã trải qua. Sư phạm là ngành học đầu tiên, sau khi dạy học một thời gian, tôi công tác trong ngành Tuyên giáo. Đến bây giờ, sau khi trải qua nhiều ngành nghề khác nhau như làm cán bộ Đoàn, tham gia quân đội khi chiến tranh biên giới nổ ra năm 1978, phục viên về học Đại học Bách khoa ngành vô tuyến điện; học tiếp Đại học Hàng hải về công tác trong ngành giao thông; làm giám đốc một doanh nghiệp nhà nước; sau đó được cấp trên cử về làm bí thư một huyện; rồi lãnh đạo ngành khoa học của tỉnh và cuối cùng, tôi lại trở về với ngành Tuyên giáo… Có lẽ cơ duyên cuộc đời tôi đã gắn với ngành học đầu tiên; đó là ngành Tuyên giáo.

Khi cả dân tộc Việt Nam đang sống trong những ngày tháng tư lịch sử, hướng tới kỷ niệm 45 năm ngày giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước; những ngày tháng đầy ý nghĩa với tất cả mọi người; trong đó có tôi. Hôm nay, ngồi nhớ lại tất cả những chuỗi ngày đã qua, với biết bao gian khổ, hiểm nguy, song với một nghị lực phi thường, một ý chí sắt đá không gì lay chuyển nổi đã khơi dậy trong tôi niềm tin và lẽ sống. Cũng chính những tháng năm ấy, đã cho tôi một niềm tự hào, một động lực to lớn để phấn đấu, học tập, lao động và cống hiến cuộc đời mình cho sự nghiệp cách mạng của dân tộc.

Tiến sĩ HỒ TRUNG PHƯỚC

Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy

Nguồn Bình Thuận: http://baobinhthuan.com.vn/xa-hoi/hoi-uc-thang-tu-ky-cuoi-126882.html