Hồi ức về thuở huy hoàng của châu Âu
'Thế giới những ngày qua' là một trong những hồi ký nổi tiếng của thế kỷ XX. Nó vừa gợi lên một cách hoàn hảo, vừa mô tả sự hủy hoại của thế giới mà Xweig yêu quý.
Stefan Zweig là nhà văn, nhà báo, nhà viết kịch người Áo nổi tiếng trên thế giới. Ông đã tự tử chỉ sau một ngày hoàn thành cuốn hồi ký của mình, Thế giới những ngày qua.
Cuốn sách là biên niên sử tập trung ba thời kỳ nối tiếp nhau: Thời cực thịnh của thành Vienna trước chiến tranh; Thế chiến I và những năm hậu chiến của châu Âu; giai đoạn đầu tiên dưới thời Hitler.
Hơi thở dài cho một thế giới đã mất
Cuốn hồi ký là những quan điểm nối tiếp của Zweig về ý nghĩa cuộc sống, nỗi tuyệt vọng của ông với thái độ không khoan nhượng khi chủ nghĩa độc đoán, chủ nghĩa phát xít ngày càng lan rộng và niềm tiếc thương cho một thế giới ông từng biết nay đã lụi tàn.
Trong phần lớn cuốn sách, Zweig dùng tài năng của mình khơi gợi một thời châu Âu mà ông đã đánh mất. Cuốn hồi ký không chỉ là tự truyện, mà còn là một lời thở dài cho thế giới đã mất, minh chứng cho các giá trị cốt lõi bị bào mòn, chủ nghĩa nhân văn và nỗ lực xây dựng văn hóa nghệ thuật sụp đổ.
Thế giới những ngày qua chính là bức thư tuyệt mệnh dài hơn 450 trang đầy đau đớn và bi tráng. Nó được viết dưới góc nhìn của người đàn ông sinh ra và lớn lên trong những ngày suy tàn của Đế chế Áo - Hung, khi Thế chiến I vùi dập niềm tin mong manh của ông và khiến ông nghĩ rằng người châu Âu đã nhận được bài học đích đáng.
Nhưng mọi thứ không như Zweig nghĩ. "Tôi được nuôi dưỡng ở Vienne, một thành phố lớn hai nghìn năm lịch sử, thủ đô của nhiều quốc gia, và tôi đã phải từ biệt nó như một kẻ tội phạm, trước khi bản thân nó chịu sỉ nhục để chỉ còn là thành phố tỉnh lẻ của Đức", tác giả viết.
Ông hoài niệm về Vienne, trung tâm của nền văn minh hiện đại, với sự phát triển bền vững, một thời thịnh trị chưa từng có, văn hóa và chính trị đạt tới đỉnh cao.
Ông tự hào "những người Nibelungen đã tới đây, từ nơi đây đã chói lọi khắp thế giới chòm bảy ngôi sao nhạc sĩ bất tử: Gluck, Haydn, Mozart, Beethoven, Schubert, Brahms và Strauss".
Vienne đầu những năm 1900 là địa điểm quy tụ nhiều bộ óc vĩ đại trong giới chính trị như Stalin, Trotsky, Hitler, mà có lẽ họ đã cùng sống trong một khu, nhâm nhi cùng một tiệm cà phê.
Nhưng niềm tự hào về một thành phố tập trung tinh hoa của nhân loại không kéo dài được bao lâu, chiến tranh thế giới lần I nổ ra, cuốn theo các quốc gia cùng tham chiến.
Zweig là người yêu nước điển hình, nhưng hơn tất thảy, ông luôn coi mình là một công dân yêu chuộng hòa bình, tư tưởng vượt trên tầm tư tưởng quốc gia hẹp hòi và chủ nghĩa dân tộc thái quá.
Ông sớm nhận ra sự điên rồ của chiến tranh nên đã từ chối gia nhập quân đội, chỉ an phận thủ thường làm một thủ thư tại Sở lưu trữ Chiến tranh và sống ở một ngôi nhà trên núi.
Sau này, nơi đây giống như dành cho tinh hoa hội tụ. Zweig đón tiếp những học giả xuất chúng như H.G. Wells, Thomas Mann, James Joyce... từ khắp nơi trên thế giới.
Ánh sáng về một thời quá vãng
Theo trình tự thời gian, Zweig đưa người đọc đi từ thời điểm chủ quan với những điềm báo cay đắng nhưng không được ai chú ý, qua giai đoạn giữa các cuộc chiến tranh và đêm trước sự trỗi dậy của Hitler.
Cuốn sách cũng theo đó trở nên u ám và tuyệt vọng hơn. Khi gần kết thúc tác phẩm, bóng ma quá khứ nặng nề trong từng lời nói của Zweig.
"Tôi gửi lời chào tất cả bạn bè của mình. Mong sao họ còn nhìn thấy bình minh sau đêm dài. Tôi, tôi quá sốt ruột, tôi đi trước họ", ông viết.
Một ngày sau khi vợ ông gửi bản thảo đến nhà xuất bản, cả hai đã uống thuốc độc và chết trong vòng tay nhau ở Brazil, khi họ đã quá mệt mỏi để chờ đợi những ngày tốt đẹp.
Stefan Zweig là nhà văn, nhà viết kịch lỗi lạc người Áo, xuất thân trong một gia đình gốc Do Thái giàu có. Những năm 1920-1930, ông được xem là một trong những tác giả Đức ngữ nổi tiếng nhất trên thế giới.
Những sáng tác quan trọng và nổi tiếng của ông có thể kể đến: Truyện vừa và truyện ngắn Bức thư của người đàn bà không quen (1922), Hai mươi tư giờ trong đời một người đàn bà (1927); tiểu thuyết Nỗi xót thương nguy hiểm (1939).
Tầm ảnh huởng của Zweig còn âm vang đến nhiều đạo diễn hiện đại, mà thể hiện rõ ràng trong phim truyện của Wes Anderson. Chính nhà làm phim cũng thừa nhận mình đã bị "Zweig hóa" trong bộ phim The Grand Budapest Hotel rất nhiều. Một không gian ngập tràn đau thương mất mát, cùng nỗi u hoài bao trùm bộ phim.
Zero Moustafa, ông chủ của khách sạn cũ kỹ đã phải thốt lên: "Tôi nghĩ thế giới của ông ấy đã biến mất trước cả khi ông bắt đầu sống trong nó. Nhưng ông đã giữ cho ảo ảnh ấy một ánh sáng thật huy hoàng".
Tờ Puskhin Press từng dành cho ông những lời hoa mỹ như "tác giả có các tác phẩm được dịch ra nhiều thứ tiếng nhất ở thập niên 1930".
Nguồn Znews: https://zingnews.vn/hoi-uc-ve-thuo-huy-hoang-cua-chau-au-post1213140.html