Hội viên phụ nữ vươn lên khá giả từ mô hình chăn nuôi bò

Thời gian qua, Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Thuận Hưng, huyện Mỹ Tú (Sóc Trăng) đã triển khai nhiều mô hình, giải pháp giúp hội viên, nhất là hội viên nghèo có điều kiện phát triển kinh tế, trong đó, nổi bật là mô hình chăn nuôi bò đã và đang mang lại hiệu quả thiết thực, giúp hội viên nâng cao thu nhập, thoát nghèo bền vững.

Đến thăm gia đình chị Võ Thị Nữ, một trong những hộ nuôi bò hiệu quả ở ấp Tà Ân A2, xã Thuận Hưng chúng tôi được biết, trước đây, gia đình chị thuộc diện hộ nghèo của xã, kinh tế gặp rất nhiều khó khăn do thiếu vốn sản xuất. Nhờ được sự quan tâm hỗ trợ của các cấp, các ngành, đặc biệt là Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Thuận Hưng nên năm 2014, gia đình chị được vay 10 triệu đồng từ Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội huyện để phát triển kinh tế gia đình. Từ số vốn trên, chị đã quyết định mua một con bò cái về nuôi. Nhờ ham học hỏi, cần cù, chịu khó và mạnh dạn áp dụng khoa học kỹ thuật trong chăn nuôi nên mỗi năm, bò đều sinh sản được bê con. Nhận thấy mô hình chăn nuôi hiệu quả, chị mạnh dạn vay thêm vốn để đầu tư mở rộng chuồng trại, tăng đàn bò, mua máy vắt sữa bò tự động. Từ đó, đàn bò của gia đình chị không ngừng tăng số lượng qua mỗi đợt sinh sản, số bò hiện nay đã có 10 con.

Hội viên phụ nữ Lâm Thị Ánh Tuyết, ấp Tà Ân B, xã Thuận Hưng, huyện Mỹ Tú (Sóc Trăng) với mô hình chăn nuôi bò hiệu quả. Ảnh: HUỲNH NHƯ

Hội viên phụ nữ Lâm Thị Ánh Tuyết, ấp Tà Ân B, xã Thuận Hưng, huyện Mỹ Tú (Sóc Trăng) với mô hình chăn nuôi bò hiệu quả. Ảnh: HUỲNH NHƯ

Hay gia đình chị Lâm Thị Ánh Tuyết ở ấp Tà Ân B, xã Thuận Hưng cũng là một điển hình tiêu biểu vượt khó, vươn lên khá giả từ mô hình chăn nuôi bò. Thông qua Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Thuận Hưng, chị Tuyết được vay vốn từ Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội huyện để mua 1 con bò giống (bò thịt) về nuôi. Sau thời gian nuôi, chị thấy không hiệu quả cao, nên chị chuyển sang mô hình nuôi bò sữa. Nhờ sự cần mẫn, siêng năng chịu khó tìm tòi học hỏi và tham gia các lớp tập huấn kỹ thuật nuôi bò do hội phụ nữ huyện, xã phối hợp với các đơn vị tổ chức nên số lượng đàn bò của chị cũng được nâng lên qua từng năm, có thời điểm chị nuôi gần 20 con bò.

Chị Tuyết chia sẻ: “Nuôi bò sữa phải siêng năng, chịu khó tắm cho bò mỗi ngày, vệ sinh chuồng trại sạch sẽ trước khi vắt sữa và phòng, chống một số bệnh về da, móng, tiêu hóa là bò có thể phát triển bình thường và cho nguồn sữa ổn định”. Chị còn xây dựng hầm biogas xử lý chất thải, tận dụng làm chất đốt sinh hoạt trong gia đình, đất ruộng thì trồng cỏ cho bò ăn bổ sung để giảm bớt chi phí thức ăn. Với số bò đang cho sữa là 4 con, bình quân lượng sữa tươi trên 50kg/ngày, với giá dao động từ 11.000 - 12.000 đồng/kg, chị cũng thu về hơn 500.000 đồng/ngày từ tiền bán sữa (chưa trừ chi phí).

Chị Lý Kim Buối - Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Thuận Hưng cho biết: “Chăn nuôi bò sữa đã trở thành một trong những nghề đem lại nguồn thu nhập chính của nhiều hội viên, phụ nữ trên địa bàn xã Thuận Hưng. Sở dĩ chị em chọn nuôi bò là vì nhẹ công chăm sóc, tận dụng phụ phẩm nông nghiệp làm thức ăn cho bò giảm chi phí trong chăn nuôi, cùng với đó chị em phụ nữ chăn nuôi bò còn được các chương trình, dự án của tỉnh, huyện hỗ trợ về con giống, máy băm cỏ, kỹ thuật nuôi và chăm sóc bò… Hiệu quả từ việc nuôi bò, đời sống của nhiều hội viên phụ nữ, đặc biệt là chị em phụ nữ dân tộc Khmer đã thoát nghèo bền vững, vươn lên thành hộ khá, giàu”.

Hiện nay, Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Thuận Hưng còn duy trì và quản lý nhiều tổ, nhóm chăn nuôi bò hiệu quả như: Câu lạc bộ bò sữa với 235 thành viên, Tổ chăn nuôi bò sữa với 275 thành viên, vừa thành lập mới 1 Tổ hợp tác bò thịt với 12 thành viên thuộc ấp Thiện Bình… Hiệu quả của mô hình chăn nuôi bò sữa đã giải quyết được việc làm tại chỗ cho chị em hội viên, phụ nữ trên địa bàn, tạo nguồn thu nhập ổn định, đóng góp thiết thực vào sự phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương.

HUỲNH NHƯ

Nguồn Sóc Trăng: https://www.baosoctrang.org.vn/doan-the/hoi-vien-phu-nu-vuon-len-kha-gia-tu-mo-hinh-chan-nuoi-bo-72926.html