Hội viên phụ nữ vươn lên làm giàu từ cây na
Đó là chị Lương Thị Thúy Diên, sinh năm 1984, hội viên Chi hội Phụ nữ thôn Nam Lân 2, xã Y Tịch, huyện Chi Lăng. Với sự cần cù, chịu khó, những năm qua, gia đình chị Diên đã phát triển hiệu quả mô hình trồng cây na dai đem lại thu nhập 400 triệu đồng mỗi năm.
Những ngày giữa tháng 3/2024, chúng tôi có dịp đến thăm vườn na trồng trên núi đá của gia đình chị Lương Thị Thúy Diên. Đang nhanh tay cắt tỉa những cành na, chị Diên cho biết: Trước đây, kinh tế gia đình tôi gặp rất nhiều khó khăn, thu nhập của gia đình chỉ trông chờ vào mấy sào ruộng. Nhận thấy trồng cây na cho năng suất và hiệu quả kinh tế cao nên từ năm 2010, tôi đã dùng số vốn tích góp được và vay thêm anh em, bạn bè để trồng cây na trên diện tích núi đá trước đây vốn bỏ hoang.
Thời điểm đầu, gia đình chị chỉ trồng với số lượng ít (khoảng 500 cây). Sau khi thấy cây na sinh trưởng và phát triển tốt, phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng và khí hậu ở xã, từ năm 2012, gia đình chị đã vay vốn của Ngân hàng Chính sách xã hội để tiếp tục mở rộng diện tích trồng thêm, đến nay, gia đình chị đã trồng được hơn 3.000 cây na.
Chị Diên chia sẻ: Trong quá trình trồng và chăm sóc cây na, bản thân tôi luôn chủ động tìm tòi, học hỏi những kiến thức chăm sóc na trên mạng xã hội, sách báo để áp dụng vào thực tiễn. Ngoài ra, tôi được tham gia các lớp tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật do các cơ quan chuyên môn của huyện tổ chức tại xã, đặc biệt, tôi được hướng dẫn cách chăm sóc na theo tiêu chuẩn VietGAP nên từ năm 2021 đến nay, gia đình tôi đã biết bọc quả na bằng túi nilon, sử dụng bẫy bả ruồi vàng, áp dụng kỹ thuật chăm sóc, cắt tỉa và cách thu hái, bảo quản quả na đúng kỹ thuật. Nhờ đó, năng suất, chất lượng quả na ngày càng được nâng lên, giá bán cũng cao hơn so với trước đây.
Theo đó, từ vụ na năm 2021 đến nay, trung bình mỗi năm, gia đình chị Diên thu được 12 tấn quả, với giá bán từ 30.000 đến 35.000 đồng/kg. Ngoài phát triển cây na, gia đình chị Diên còn tận dụng diện tích đất ruộng kém hiệu quả sang trồng các loại cây ăn quả như: bưởi, hồng... Hằng năm, trừ các loại chi phí, gia đình chị có thu nhập khoảng 400 triệu đồng/năm từ trồng na và các loại cây ăn quả, tạo việc làm thời vụ cho 4 hoặc 5 lao động tại địa phương.
Không chỉ làm kinh tế giỏi, chị Diên còn là một tổ trưởng tổ tiết kiệm vay vốn của thôn (do Hội Liên hiệp Phụ nữ xã quản lý), hiện nay, tổng dư nợ cho vay ủy thác với Ngân hàng Chính sách xã hội của tổ là trên 1,1 tỷ đồng cho 35 hộ vay. Thông qua đó, đã giúp cho nhiều gia đình được tiếp cận nguồn vốn vay để phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo.
Chị Hoàng Thị Huyên, Chủ tịch Hội Phụ nữ xã Y Tịch, huyện Chi Lăng cho biết: Chị Diên là hội viên phụ nữ tiêu biểu trong phát triển kinh tế tại địa phương. Không chỉ năng động trong phát triển kinh tế gia đình, chị còn nhiệt tình hướng dẫn, chia sẻ kinh nghiệm cho các hội viên phụ nữ khác phát triển kinh tế. Cùng đó, chị còn là Chi hội phó Chi hội Phụ nữ thôn, luôn tích cực tham gia các phong trào, hoạt động thiện nguyện tại địa phương. Điển hình như tháng 11/2023, chị đã cùng với chi hội trưởng chi hội phụ nữ thôn kêu gọi hội viên phụ nữ trong chi hội ủng hộ gia đình chị Lương Thị Như (là hội viên phụ nữ nghèo gặp khó khăn) gần 2 triệu đồng...
Với sự nỗ lực, cần cù, chịu khó trong lao động sản xuất, tháng 1/2024, chị Diên vinh dự được Chủ tịch UBND tỉnh tặng bằng khen vì có mô hình phát triển kinh tế hiệu quả, góp phần vào công cuộc xóa đói giảm nghèo và tạo việc làm cho người lao động tại địa phương.
Nguồn Lạng Sơn: https://baolangson.vn/-5002499.html