Hội Xuất bản Việt Nam đồng hành cùng sự phát triển ngành sách
Theo ông Nguyễn Nguyên, Hội Xuất bản Việt Nam có nhiều hoạt động đóng góp vào sự phát triển của ngành sách và phát triển văn hóa đọc.
Thời gian qua, ngành xuất bản đã có những bước phát triển đáng kể. Theo nhiều người làm sách, trên chặng đường phát triển này có dấu ấn rõ rệt của Hội Xuất bản Việt Nam.
Hội Xuất bản Việt Nam, với tư cách là tổ chức nghề nghiệp của người làm sách, giữ vai trò định hướng, dẫn dắt các tổ chức, cá nhân hội viên trong việc xuất bản, quảng bá sách, phát triển ngành xuất bản cả ở bề ngang lẫn chiều sâu.
Trao đổi với Tri thức trực tuyến, ông Nguyễn Nguyên, Cục trưởng Cục Xuất bản, In và Phát hành (Bộ Thông tin và Truyền thông), Phó chủ tịch Hội Xuất bản Việt Nam, đã chia sẻ cụ thể về những bước phát triển của ngành xuất bản cùng những dấu ấn và tầm nhìn của Hội Xuất bản Việt Nam trước thềm Đại hội Xuất bản V.
Hai dấu ấn quan trọng
- Trong những năm qua, ngành sách đã có những bước tiến quan trọng, được thể hiện qua những con số tăng trưởng ấn tượng. Hội Xuất bản Việt Nam có đóng góp như thế nào vào sự phát triển đó, thưa ông?
- Có thể nói, 5 năm qua, xuất bản Việt Nam nằm trong bối cảnh đầy thách thức. Trong đó, dễ thấy nhất là ngành xuất bản đã phải chịu những tác động rất tiêu cực từ đại dịch Covid-19. Tuy nhiên, vượt trên những thách thức ấy, ngành đã có những kết quả mà theo tôi là rất ấn tượng. Chúng ta thấy có sự phát triển mạnh mẽ cả về mặt quy mô, cả về mặt năng lực của các nhà xuất bản, rồi còn sự phát triển về mặt số lượng, chất lượng, sự đa dạng về hình thức của xuất bản phẩm.
Những thông số tích cực của ngành là thành quả của cả một quá trình gây dựng dài. Hội Xuất bản với 5 mục tiêu đã đề ra - phát triển văn hóa đọc, xây dựng nền xuất bản lành mạnh, nâng cao nguồn nhân lực, phát triển công tác hội, đẩy mạnh hội nhập quốc tế - đều đã có những kết quả đáng ghi nhận.
Tôi cho rằng, trong những năm qua, nhận thức rằng gốc của xuất bản là phát triển văn hóa đọc, sự chăm lo, phát triển văn hóa đọc cũng rất được Đảng và Nhà nước quan tâm. Đó chính là tiền đề cho sự phát triển của ngành xuất bản trong thời gian qua.
- Ông ấn tượng với những hoạt động nào của Hội Xuất bản Việt Nam trong 5 năm qua?
- Tôi ấn tượng nhất với hai công việc sau: sự tham gia tích cực của Hội trong phát triển văn hóa đọc; sự phát triển của Giải thưởng sách Quốc gia.
Theo tôi, đường sách TP.HCM đã trở thành mô hình mẫu có tính lan tỏa. Nhiều địa phương cũng đã bắt đầu học hỏi và xây dựng đường sách, vườn sách theo mô hình này. Hơn thế, tôi cho rằng nhiều nước bạn bè cũng có thể đến và học tập mô hình Đường sách TP.HCM.
Giải thưởng Sách Quốc gia trở thành một trong những sự kiện văn hóa quan trọng, thu hút sự quan tâm của cả xã hội, là minh chứng tiêu biểu cho nỗ lực, cố gắng của những người làm công tác xuất bản.
Bên cạnh hai dấu ấn trên, tôi nhận thấy Hội Xuất bản Việt Nam cũng đã tham gia tích cực vào hoạt động hợp tác quốc tế, có nhiều sáng kiến đóng góp trong mỗi lần họp mặt, gặp gỡ các đối tác nước bạn; nhậm chức chủ tịch luân phiên Hiệp hội Xuất bản Đông Nam Á (ASEAN Book Publishers Association - ABPA) nhiệm kỳ 2022-2023.
Những đóng góp khác như tham gia xây dựng chủ trương, chính sách, tổ chức các hoạt động góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cũng rất đáng được ghi nhận.
Bám sát 5 mục tiêu đang thực hiện
- Theo ông, Hội Xuất bản Việt Nam cần đẩy mạnh những hoạt động nào trong nhiệm kỳ tới để phát huy được vai trò của mình với ngành sách?
- Tôi đánh giá giai đoạn 2023-2028 là giai đoạn nhiều thuận lợi. Thuận lợi lớn nhất là sự quan tâm đặc biệt của lãnh đạo Đảng và Nhà nước với sách và xuất bản.
Nhưng ta cũng cần nhớ rằng chúng ta đang bước vào thời đại của VUCA (Volatility - Biến động; Uncertainty - Không chắc chắn; Complexity - Phức tạp; Ambiguity - Mơ hồ). Do vậy, tôi tin rằng các hoạt động xuất bản thời gian tới cần bám sát 5 mục tiêu của giai đoạn trước và thực hiện tốt hơn nữa. Trong đó, một trong những nhiệm vụ trọng tâm là tích cực hoàn thiện thể chế, xây dựng luật xuất bản để ngành xuất bản thực sự vững mạnh.
Chúng ta cũng phải tiếp tục triển khai, phát huy những gì đã làm được, có thêm những sáng kiến đổi mới, nâng tầm Giải thưởng Sách quốc gia. Thời gian qua, công tác này đã có những kết quả tôi cho là rất quan trọng. Song, để có thể phát huy hơn nữa, cần nỗ lực của các cơ quan quản lý cũng như Hội Xuất bản Việt Nam trong công tác triển khai giải thưởng.
Các đề án truyền thông sách cũng nên được đẩy mạnh. Chúng ta cần nhận thức rằng truyền thông sách là bước quan trọng nhất để có thể mở rộng thị trường, mở ra sự phát triển ngành.
Nhiệm kỳ tới, Hội sẽ tập trung thành lập trung tâm bảo vệ tác quyền. Tôi cho rằng bên cạnh các giải pháp để xây như đã nói ở trên, việc tạo ra các giải pháp loại bỏ các hành vi tiêu cực, gian lận cần được triển khai tốt hơn nữa. Trung tâm tác quyền sẽ đóng góp một phần quan trọng vào câu chuyện bảo vệ sự phát triển lành mạnh của ngành xuất bản.
Cuối cùng, tôi cho rằng ta cần tích cực phát triển công tác Hội. Những năm vừa qua, số lượng hội viên cũng đã tăng. Trong thời gian tới, trọng tâm của hội là huy động, tập hợp nhiều hội viên (cả tổ chức lẫn cá nhân) hơn nữa, thành lập liên chi hội địa phương, mở rộng hoạt động hội.
- Ông kỳ vọng thế nào ở nhiệm kỳ tới của Hội Xuất bản Việt Nam?
- Tôi kỳ vọng rất nhiều vào nhiệm kỳ tới. Tôi cho rằng chủ đề “Đổi mới, hội nhập, phát triển” cần được thể hiện cả trong bước phát triển của Hội lẫn của ngành xuất bản nước nhà. Công tác Hội hướng tới đổi mới, gắn chặt các vấn đề quan trọng của phát triển như nâng cao chất lượng nguồn nhân sự, chuyển đổi số, mở rộng hợp tác quốc tế; gắn chặt với sự phát triển của ngành.
Ngành xuất bản hiện nay đang được đẩy mạnh dân tộc hóa nội dung gắn với đa dạng hóa hình thức và đa dạng hóa nền tảng để nâng cao văn hóa đọc.
Ông Nguyễn Nguyên - Cục trưởng Cục Xuất bản, In và Phát hành, Bộ Thông tin và Truyền thông, Phó chủ tịch Hội Xuất bản Việt Nam
Ngành xuất bản hiện nay đang được đẩy mạnh dân tộc hóa nội dung gắn với đa dạng hóa hình thức và đa dạng hóa nền tảng để nâng cao văn hóa đọc. Khi văn hóa đọc lan tỏa rộng khắp nước, ta sẽ hiện thực hóa được khát vọng Việt Nam hùng cường, thịnh vượng.
Tôi cũng muốn ghi nhận rằng hội xuất bản là một trong những hội có sự đoàn kết, hợp tác giữa các hội viên nhất. Hẳn nhiên, các hội viên hội xuất bản đều hoạt động kiêm nhiệm, do vậy, có những hội viên hoạt động tích cực, có những hội viên có thể tích cực hơn.
Song, sự đoàn kết, chung tay cùng nhau thực hiện công tác vẫn nổi bật ở Hội Xuất bản. Với tinh thần như vậy, tôi tin rằng Hội Xuất bản Việt Nam sẽ tiếp tục hoạt thành tốt những nhiệm vụ đề ra.