Hôm nay 21/10, khai mạc Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIV
Ngày 21/10, Quốc hội khóa XIV nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam khai mạc trọng thể Kỳ họp thứ 8 tại Nhà Quốc hội, Thủ đô Hà Nội.
Thời gian qua, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ, Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội, các Đoàn đại biểu Quốc hội, các vị đại biểu Quốc hội và các cơ quan, tổ chức, cá nhân hữu quan đã khẩn trương chuẩn bị các nội dung trình Quốc hội; tổ chức tiếp xúc, nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của cử tri để phản ánh với Quốc hội tại kỳ họp.
Theo chương trình, từ 7h15 sáng ngày 21/10, các vị đại biểu Quốc hội đặt vòng hoa và vào Lăng viếng Chủ tịch Hồ Chí Minh. Từ 8h00, Quốc hội họp phiên trù bị để thảo luận và biểu quyết thông qua Chương trình kỳ họp thứ 8.
Đúng 9h00, Quốc hội họp phiên khai mạc tại Hội trường Diên Hồng, Nhà Quốc hội.
Dành 60% thời gian cho công tác xây dựng pháp luật
Tại kỳ họp thứ 8, Quốc hội làm việc trong thời gian 28 ngày, khai mạc ngày 21/10 và bế mạc vào 27/11.
Đây là kỳ họp cuối năm 2019 - năm thứ 4 của nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIV, năm khởi đầu của quá trình chuẩn bị tổ chức Đại hội Đảng bộ các cấp, tiến tới Đại hội toàn quốc lần thứ XIII của Đảng. Tại kỳ họp này, theo thông lệ của chương trình nghị sự kỳ họp cuối năm, Quốc hội chủ yếu tập trung phần lớn thời gian cho công tác xây dựng pháp luật (17 ngày, chiếm tỉ lệ hơn 60% tổng thời gian của kỳ họp).
Bên cạnh đó, Quốc hội cũng dành thời gian cho việc xem xét, quyết định các vấn đề kinh tế-xã hội, ngân sách nhà nước, giám sát và các vấn đề quan trọng khác (11 ngày, trong đó có 3 ngày dành cho hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội).
Về công tác lập pháp, Quốc hội tiến hành xem xét, thông qua 13 dự án luật và cho ý kiến đối với 9 dự án luật khác.
Cụ thể các dự án luật, nghị quyết được Quốc hội xem xét, thông qua gồm Bộ luật Lao động (sửa đổi); Luật Chứng khoán (sửa đổi); Luật Thư viện; Luật Lực lượng dự bị động viên; Luật Dân quân tự vệ (sửa đổi); Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cán bộ, Công chức và Luật Viên chức; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Kiểm toán Nhà nước; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Quốc hội (theo quy trình tại một kỳ họp)…
Quốc hội sẽ thông qua Nghị quyết phê chuẩn Hiệp ước bổ sung Hiệp ước Hoạch định biên giới quốc gia năm 1985 và Hiệp ước bổ sung năm 2005 giữa Việt Nam và Campuchia; Nghị định thư Phân giới cắm mốc biên giới trên đất liền giữa Việt Nam và Campuchia; Nghị quyết về xử lý tiền thuế nợ đối với người nộp thuế không còn khả năng nộp ngân sách nhà nước (theo quy trình tại một kỳ họp); Nghị quyết về thí điểm không tổ chức HĐND tại các phường thuộc quận, thị xã của Hà Nội (nếu có); xem xét, quyết định việc miễn tiền cấp quyền khai thác khoáng sản và khai thác tài nguyên nước (đưa vào Nghị quyết chung của kỳ họp)...
Tại kỳ họp này, Quốc hội sẽ xem xét các báo cáo về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội và ngân sách nhà nước năm 2019; quyết định kế hoạch phát triển kinh tế -xã hội, dự toán ngân sách nhà nước, phương án phân bổ ngân sách Trung ương năm 2020 (trong đó có nội dung về việc bổ sung dự toán ngân sách nhà nước năm 2019 (vốn ngoài nước) cho 3 tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Bình, Trà Vinh và vốn viện trợ không hoàn lại của Chính phủ Ireland cho các xã đặc biệt khó khăn thuộc Chương trình 135); xem xét Báo cáo nghiên cứu khả thi về dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành giai đoạn 1…
Ngoài ra, Quốc hội sẽ xem xét các báo cáo công tác của Chánh án TAND Tối cao, Viện trưởng Viện KSND Tối cao; các báo cáo của Chính phủ về công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật, công tác thi hành án và công tác phòng, chống tham nhũng năm 2019.
Miễn nhiệm Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến và Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật
Tại kỳ họp này, Quốc hội sẽ xem xét, quyết định công tác nhân sự. Cụ thể, ngày 25/11, Quốc hội tiến hành quy trình miễn nhiệm Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Nguyễn Khắc Định. Thủ tướng cũng trình đề nghị phê chuẩn việc miễn nhiệm Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến.
Sau khi tiến hành bỏ phiếu kín để tiến hành miễn nhiệm các cá nhân trên, Quốc hội sẽ phê chuẩn và thông qua nghị quyết về việc miễn nhiệm đối với ông Nguyễn Khắc Định và bà Nguyễn Thị Kim Tiến.
Ngày hôm sau, Quốc hội sẽ nghe báo cáo về dự kiến nhân sự bầu Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Ủy ban Thường vụ sẽ trình Quốc hội quyết định danh sách người ứng cử do đại biểu Quốc hội giới thiệu hoặc tự ứng cử. Nhân sự này sẽ được xem xét bằng hình thức bỏ phiếu kín.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội sau đó trình danh sách đề cử để Quốc hội bầu Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật. Việc bầu nhân sự này cũng được tiến hành bằng hình thức bỏ phiếu kín và được công bố kết quả vào chiều cùng ngày.
Ngoài ra, một trong những trọng tâm của kỳ họp thứ 8 là Quốc hội sẽ dành 3 ngày (từ ngày 6 đến 8/11) để tiến hành chất vấn và trả lời chất vấn; xem xét, quyết định công tác nhân sự; xem xét, thông qua Nghị quyết chung của kỳ họp. Tại kỳ họp này, thời gian chất vấn lần này tăng nửa ngày nhưng vẫn thực hiện theo hình thức “hỏi nhanh - đáp gọn”. Người hỏi sẽ có thời gian 1 phút để chất vấn và người được chất vấn sẽ có 3 phút để trả lời. Đáng chú ý, tại kỳ họp này, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc sẽ đăng đàn trả lời trước Quốc hội.
Kiến Thức liên tục cập nhật những diễn biến tại Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIV...