Hôm nay 27/5, Quốc hội thảo luận về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Hình sự
Ngày 27/5, các đại biểu Quốc hội họp phiên toàn thể tại hội trường, xem trình chiếu video clip về tư liệu liên quan sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Hình sự, thảo luận về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Hình sự.

Toàn cảnh phiên họp Quốc hội chiều 26/5. (Nguồn: Quốc hội)
Buổi sáng: Quốc hội họp phiên toàn thể tại hội trường, xem trình chiếu video clip về tư liệu liên quan việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Hình sự và thảo luận về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Hình sự.
Buổi chiều: Quốc hội họp phiên toàn thể tại hội trường, tiến hành các nội dung: nghe Tờ trình và Báo cáo thẩm tra dự án Luật Tình trạng khẩn cấp; nghe Tờ trình và Báo cáo thẩm tra dự án Luật Đường sắt (sửa đổi); thảo luận ở hội trường về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Tố tụng hình sự.
* Trước đó, chiều 26/5, Quốc hội thảo luận về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Tố tụng dân sự, Luật Tố tụng hành chính, Luật Tư pháp người chưa thành niên, Luật Phá sản và Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án.
Tại phiên thảo luận có 8 lượt đại biểu Quốc hội phát biểu, trong đó, đa số các ý kiến đại biểu tán thành với sự cần thiết ban hành Luật và phạm vi sửa đổi, bổ sung của dự thảo Luật; cơ bản thống nhất với các quy định về thẩm quyền của Tòa án nhân dân khu vực.
Bên cạnh đó, các đại biểu tập trung phân tích, làm rõ các quy định về: thẩm quyền của Tòa án nhân dân cấp tỉnh, Tòa án nhân dân tối cao; việc thành lập các tòa chuyên trách và tòa chuyên biệt; việc ủy quyền tham dự phiên tòa giải quyết các vụ án hành chính; việc giải quyết khiếu nại, kiến nghị trong các vụ việc trả lại đơn khởi kiện; thẩm quyền giải quyết phá sản của Tòa án nhân dân khu vực; vấn đề hội nhập quốc tế trong hoạt động xét xử của tòa án; quy định chuyển tiếp.
Qua nghiên cứu dự thảo Luật và Luật Tố tụng hành chính hiện hành, đại biểu Nguyễn Tâm Hùng (Bà Rịa - Vũng Tàu) nhận thấy, có một số vấn đề bất cập, vướng mắc chưa được giải quyết trong lĩnh vực tố tụng hành chính và trong thực tiễn công tác giám sát thi hành bản án công khai xét xử và bản án hành chính tại địa phương trong thời gian qua.
Đơn cử như Luật Tố tụng hành chính hiện hành và dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung lần này chưa có quy định chế tài xử lý các trường hợp Chủ tịch UBND, Phó Chủ tịch UBND hoặc người được ủy quyền không tham dự phiên tòa, không đối thoại hoặc không cung cấp chứng cứ đúng thời hạn.
Trong khi đó, thực tế cho thấy, rất ít vụ án có lãnh đạo Ủy ban nhân dân trực tiếp tham dự, gây khó khăn cho tranh tụng và làm giảm hiệu lực xét xử. Do đó, đại biểu Nguyễn Tâm Hùng đề nghị Ban soạn thảo xem xét, cân nhắc bổ sung chế tài cụ thể để bảo đảm yêu cầu trách nhiệm và kỷ luật hành chính trong quá trình tổ chức tố tụng.
Bên cạnh đó, tại khoản 1 Điều 60 Luật Tố tụng hành chính hiện hành chỉ cho phép Chủ tịch UBND ủy quyền cho Phó Chủ tịch UBND cùng cấp nhưng thực tế lâu nay phổ biến là ủy quyền cho lãnh đạo chuyên môn. Đại biểu Nguyễn Tâm Hùng nhận thấy, điều này không phù hợp với quy định. Do đó, đề nghị Ban soạn thảo xem xét, cân nhắc hoặc giữ nguyên để bảo đảm trách nhiệm trực tiếp của người đứng đầu hoặc mở rộng hợp lý, cho phép ủy quyền cho người đứng đầu cơ quan chuyên môn am hiểu vụ việc với điều kiện rõ ràng và chặt chẽ để quá trình tổ chức thực thi pháp luật đúng quy định.
Ngoài ra, đại biểu Nguyễn Tâm Hùng cho rằng, tại khoản 4 Điều 310 dự thảo Luật đã quy định Tòa án phải giải thích bản án trong vòng 15 ngày nhưng chưa có chế tài nếu vi phạm thời hạn này. Nhiều cơ quan chờ đợi không có phản hồi nên gây đình trệ trong quá trình thi hành án.
Do đó, đề nghị Ban soạn thảo xem xét, cân nhắc bổ sung chế tài trách nhiệm đối với Tòa án khi không thực hiện đúng hạn thời gian đã quy định nhằm nâng cao kỷ cương và hiệu quả hậu xử lý.