Hôm nay (5/11): Quốc hội thảo luận về dự án Luật Thư viện
Dự án Luật Thư viện đã được các đại biểu Quốc hội thảo luận và cho ý kiến tại kỳ họp thứ 7 Quốc hội khóa XIV và tại Phiên họp thứ 36 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Tiếp tục chương trình của Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIV, sáng nay, Quốc hội họp phiên toàn thể tại hội trường, tiếp tục thảo luận về các các báo cáo công tác của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao; công tác phòng ngừa, chống tội phạm và vi phạm pháp luật; công tác thi hành án; công tác phòng, chống tham nhũng năm 2019.
Buổi chiều, Quốc hội họp phiên toàn thể tại hội trường, nghe Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội Phan Thanh Bình trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật Thư viện, sau đó Quốc hội thảo luận ở hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự án Luật này.
Dự án Luật Thư viện đã được các đại biểu Quốc hội thảo luận và cho ý kiến tại kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XIV và tại Phiên họp thứ 36 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Sau khi tiếp thu, dự thảo Luật trình Quốc hội xem xét, thông qua tại kỳ họp lần này gồm 6 Chương, 49 điều với những nội dung đã được tiếp thu, chỉnh lý, gồm: Bố cục của luật, Phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng; Khái niệm thư viện; Mạng lưới thư viện và một số thư viện cụ thể; Thành lập và hoạt động thư viện; Tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động thư viện và người sử dụng thư viện; Quản lý nhà nước và một số vấn đề khác.
Tiếp thu ý kiến các đại biểu Quốc hội, dự thảo Luật đã bỏ quy định về phân loại thư viện, thiết kế quy định về mạng lưới thư viện làm cơ sở xác định rõ chức năng, nhiệm vụ của các thư viện. Dự thảo Luật cũng bỏ quy định về xếp hạng thư viện nhằm đảm bảo bình đẳng cho tất cả các loại hình thư viện.
Hôm qua (4/11), Quốc hội đã nghe Báo cáo công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật năm 2019, thảo luận tại phiên họp, đa số các đại biểu đồng tình với báo cáo của Chính phủ. Bên cạnh đó, các đại biểu tập trung cho ý kiến về một số vấn đề như: Tình hình vi phạm pháp luật và tội phạm năm 2019 (diễn biến, tính chất, đặc điểm mới của vi phạm pháp luật và tội phạm so với năm 2018; những vấn đề vi phạm pháp luật và tội phạm nổi lên mà dư luận xã hội, cử tri quan tâm); công tác dự báo về tình hình vi phạm pháp luật và tội phạm trong thời gian tới; phân tích những hạn chế trong quản lý nhà nước trên các lĩnh vực của đời sống kinh tế - xã hội…
Về công tác phòng, chống tham nhũng năm 2019, cơ bản các đại biểu tán thành với Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Tư pháp của Quốc hội, cho rằng, trong năm 2019 với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, công tác phòng, chống tham nhũng đã được đẩy mạnh và đạt được nhiều kết quả tích cực. Tuy nhiên, tình trạng tiêu cực, nhũng nhiễu, gây phiền hà cho người dân, tổ chức, doanh nghiệp, “tham nhũng vặt” vẫn tiếp tục diễn ra trên nhiều lĩnh vực. Vì vậy, trong thời gian tới, Chính phủ cần khẩn trương tổ chức triển khai thực hiện Luật Phòng, chống tham nhũng mới được Quốc hội thông qua, nhất là các quy định về kiểm soát tài sản, thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn…
Sau khi nghe Báo cáo công tác của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao năm 2019, các đại biểu đã cho ý kiến về việc cần nâng cao chất lượng, hiệu quả xét xử, giải quyết các vụ việc của vụ án hình sự, hành chính, dân sự, yêu cầu áp dụng các biện pháp xử lý hành chính của Tòa án Nhân dân các cấp; việc giải quyết đơn đề nghị giám đốc thẩm, tái thẩm; vấn đề sắp xếp, tổ chức bộ máy tinh gọn tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; tăng cường thanh tra, kiểm tra đề cao kỷ cương, kỷ luật công vụ…
Về báo cáo công tác của Viện Kiểm sát nhân dân tối cao năm 2019, các đại biểu cho ý kiến về công tác xây dựng, hướng dẫn thi hành và tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật; công tác thực hành quyền công tố, kiểm sát việc giải quyết các vụ án hình sự, chống oan, sai và chống bỏ lọt tội phạm; công tác đấu tranh, xử lý các vụ án tham nhũng, kinh tế...